Thứ Năm, 07/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/11/2023 09:43 571
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hôm nay 6.11, tại tỉnh An Giang, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang đã tổ chức đón tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia của ICOMOS và đại diện UNESCO tại Việt Nam đến thực hiện khảo sát, tham vấn cộng đồng trong quy trình tập trung, với các nội dung về bảo vệ, quản lý Di sản văn hóa Óc Eo theo tiêu chuẩn di sản thế giới. Thời gian thực hiện từ ngày 6-11.11.2023.

 

Đoàn chuyên gia quốc tế và Việt Nam làm việc với Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo
Theo đó, đoàn chuyên gia tới tỉnh An Giang để hỗ trợ cho địa phương thực hiện Quy trình Tập trung (Upstream process), nhằm đánh giá khả năng di tích và tư vấn xây dựng hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới. Ngoài các chuyên gia quốc tế, chương trình làm việc còn có nhóm chuyên gia Việt Nam.
Trong ngày làm việc đầu tiên (6.11), Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đã giới thiệu tổng quan về khu di sản; báo cáo kết quả nghiên cứu, khai quật Khảo cổ học và giới thiệu về công tác quy hoạch khoanh vùng bảo vệ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê…
Theo đó, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê nằm ở cực tây – nam Việt Nam, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; cách thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang 40km về hướng đông bắc, cách thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang 40km về hướng tây nam. Tài sản này có khoảng 40 di chỉ văn hóa thuộc các loại hình di tích kiến trúc tôn giáo, di tích mộ táng, di chỉ cư trú… đã được phát hiện, thám sát, khai quật từ đầu những năm 40 thế kỷ XX đến nay. 
 
Báo cáo các nội dung về Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê
Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích bảo vệ là 433,2 ha, chia ra Khu A ở sườn và chân núi Ba Thê là 143,9 ha, Khu B ở cánh đồng Óc Eo 289,3 ha. Ở khu A có một số di tích tiêu biểu đã khai quật, bảo tồn như: Di tích trong khu vực chùa Linh Sơn, Di tích Nam Linh Sơn Tự, Di tích Linh Sơn Bắc, Di tích Gò Cây Me (Gò Sáu Thuận), Di tích Gò Út Trạnh, Di tích Gò Sáu Thàng. Khu B có Di tích Gò Cây Thị, Di tích Gò Óc Eo, Di tích Gò Giồng Cát.
Theo Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo, Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê là một quần thể của các di tích khảo cổ học, chứa đựng những di tồn văn minh vật chất về một Đô thị cổ và Trung tâm tôn giáo của Vương quốc Phù Nam xưa. Những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về Óc Eo – Ba Thê suốt mấy chục năm qua, cho thấy ở thời kỳ Phù Nam – khu vực này đã từng phát triển một cách rực rỡ, là một trung tâm thương mại và giao lưu quốc tế quan trọng trên biển, kết nối buôn bán và giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia cổ đại khác. 
 
Chuyên gia quốc tế trao đổi về giá trị di tích khảo cổ Óc Eo
“Từ những giá trị lịch sử - văn hóa đã được ghi nhận, chúng tôi cho rằng Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê là một tài sản văn hóa quý báu không chỉ là của Việt Nam, mà còn sẽ là sở hữu của toàn nhân loại”, lãnh đạo Ban quản lý nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia Việt Nam, trong thời gian qua, Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, nên đã có nhiều chủ trương, chính sách và sự đầu tư quan trọng để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều chương trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ, điều tra, bảo tồn và quy hoạch di tích được triển khai thực hiện tại Óc Eo - Ba Thê. Một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chỉ đạo đó là xây dựng hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thế là di sản văn hóa thế giới.
“Để làm tốt nhiệm vụ này, chúng tôi xác định việc thực hiện Quy trình Tập trung là bước đi rất quan trọng, cần thiết nhằm để đánh giá một cách toàn diện, đưa ra những giải pháp tốt nhất cho công việc xây dựng hồ sơ đề cử”, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo bày tỏ.
Những ngày làm việc sắp tới, Ban quản lý Di tích văn hóa Óc Eo cho biết sẽ tích cực phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phái đoàn ICOMOS và các chuyên gia Việt Nam thực hiện tốt mọi công việc đã hoạch định. Cơ quan này hy vọng các chuyên gia quốc tế và Việt nam sẽ có những nhìn nhận đầy đủ nhất về Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, để có những giải pháp tốt nhất cho việc xây dựng hồ sơ đề cử và kế hoạch quản lý di tích sau này.
 
Chuyên gia tìm hiểu về các hiện vật
Trong những ngày tiếp theo, đoàn chuyên gia sẽ khảo sát thực địa, tham vấn cộng đồng. Chương trình cũng sẽ thực hiện tham vấn giữa các chuyên gia quốc tế ICOMOS và từng hộ dân đang sinh sống xung quanh di tích, qua đó định hướng cho nhân dân ý thức trong cộng đồng, cùng có trách nhiệm và quyền lợi phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, gia đình khi di tích được ghi danh là di sản thế giới.

KHẮC NGUYÊN

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3339

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Lập hồ sơ Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh

Lập hồ sơ Di sản Thế giới đối với Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh

  • 06/11/2023 16:14
  • 626

Việc lập hồ sơ Di tích Khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được đề xuất trên cơ sở nhận định di tích này đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực của UNESCO.