Xác định di sản văn hóa là tài sản để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác trở thành những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” được tỉnh ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền, Nhân dân là chủ thể thực hiện.
Bảo tàng tỉnh Hòa Bình thường xuyên tổ chức trưng bày, giới thiệu về những giá trị của nền “Văn hóa Hòa Bình” đến đông đảo công chúng, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là đến học sinh, sinh viên
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã phát hiện nhiều di tích của người Mường như: Các khu mộ cổ tiêu biểu của người Mường đã được các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật tại Đống Thếch, Kim Truy huyện Kim Bôi; xóm Lồ (nay là xóm Mường Lồ), xóm Lũy (nay là xóm Lũy Ải), Đống Bay huyện Tân Lạc; Đồi Thung, Ngọc Lâu huyện Lạc Sơn; Nhuận Trạch, Cư Yên huyện Lương Sơn; Dũng Phong huyện Cao Phong… Trong quá trình khai quật tại các khu mộ cổ của người Mường đã phát hiện nhiều di vật, cổ vật về đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt,… có giá trị, là tư liệu quan trọng góp phần tìm hiểu lịch sử của dân tộc Mường, cũng như tìm hiểu nền văn hoá, văn minh Việt cổ. Các hiện vật, di vật, cổ vật hiện được lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng quốc gia, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình và các nhà sưu tập đồ cổ trong và ngoài tỉnh.
Toàn tỉnh đã có 221 điểm di tích đình, đền, chùa, miếu gắn với tín ngưỡng dân gian của người Mường Hòa Bình được kiểm kê và đưa vào danh mục bảo vệ của tỉnh, 43 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia, góp phần từng bước được bảo vệ, tôn tạo phát huy. Song, công tác nghiên cứu chuyên sâu về giá trị các di tích, di vật, cổ vật của người Mường Hòa Bình vẫn còn hạn chế; nhiều di vật, cổ vật và di tích có giá trị của người Mường Hòa Bình chưa có điều kiện để quảng bá, giới thiệu, khai thác gắn với phát triển du lịch.
Trong số các di sản văn hóa vật thể của dân tộc Mường phải kể đến đến di sản nhà sàn của người Mường Hòa Bình. Tập tục ở nhà sàn của người Mường đã có từ lâu đời. Ngôi nhà sàn của người chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán lâu đời của nhiều thế hệ. Nhà sàn của người Mường không chỉ là không gian văn hóa mà ở đó giá trị tiện ích, thiêng liêng hòa quyện với nhau, tạo cho ngồi nhà vẻ bình dị, ấm cúng và mang giá trị văn hóa - lịch sử. Theo số liệu thống kê vào những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, kiến trúc nhà sàn truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chiếm tới 80%. Đến năm 1999, số gia đình người Mường có nhà sàn còn 35%; đến nay, số gia đình người Mường có nhà sàn chỉ còn khoảng 10% nhưng nhiều nhà trong số đó đã xuống cấp do thời gian, nhiều nhà chuyển sang chất liệu gạch và bê tông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số bản, làng của người Mường sô nhà sàn còn được sử dụng đến 70%. Tuy nhiên, do việc sử dụng vật liệu gỗ, tre, nứa, lá làm nhà khó khăn nên số lượng nhà sàn Mường truyền thống đang dần mất đi với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Nhiều làng Mường có lịch sử lâu đời, nhưng nhà sàn vắng bóng dần, ảnh hưởng lớn đến lối sống, phong tục, tập quán của người Mường.
Đối với trang phục truyền thống của người Mường tỉnh Hòa Bình, trang phục là một biểu hiện sinh động bản sắc riêng của văn hóa tộc người. Trang phục truyền thống của người Mường gồm thường phục và lễ phục với dấu ấn riêng không thể trộn lẫn với trang phục của các tộc người khác, nhất là về kiểu dáng, màu sắc và hoa văn trên trang phục của người phụ nữ. Trang phục truyền thống của người Mường được làm từ chất liệu có nguồn gốc thực vật và màu nhuộm từ tự nhiên. Đặc biệt là nghệ thuật trang trí cạp váy Mường đã thể hiện sự sáng tạo cấu trúc và hoa văn trên trống đồng Đông Sơn với nhiều họa tiết hoa văn và bố cục trang trí hợp lý, không phô trương sắc màu rực rỡ mà rất tinh tế.
Trong trang phục truyền thống phụ nữ Mường có nét độc đáo ở cạp váy với các hoa văn được dệt rất kỳ công, cùng với trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích. Trang phục truyền thống nam giới đơn giản hơn gồm áo ngắn cổ tròn, quần được may bằng vải tự dệt màu đen hoặc tím than.
Hiện nay, xu hướng sử dụng trang phục hiện đại đang làm biến đổi các chi tiết trong bộ trang phục nhất là ở cạp váy và khuy áo của người phụ nữ Mường. Bộ trang phục truyền thống của nam giới Mường hầu như không còn nữa. Số người Mường còn mặc trang phục dân tộc thường xuyên còn rất ít, chủ yếu là người già, phụ nữ trung niên. Tình trạng giảm dần số người Mường sử dụng trang phục truyền thống dân tộc đã đánh mất một phần bản sắc văn hóa của người Mường.
Trong kho tàng di sản văn hóa của người Mường, Chiêng có vai trò rất quan trọng, là một loại hình sinh hoạt văn hóa gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người từ lúc được sinh ra cho đến khi chết. Văn hóa chiêng được xem là linh hồn của người Mường, là vật thiêng tượng trưng cho sự phồn thịnh về vật chất và tinh thần của mỗi gia đình cũng như cộng đồng Mường. Văn hóa chiêng của người Mường Hòa Bình có những nét độc đáo riêng, lưu giữ những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. Theo số liệu điều tra năm 1999, số Chiêng trong toàn tỉnh chỉ còn 3.830 chiếc, giảm đi nhiều so với giai đoạn trước đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên do chiến tranh, do người dân chưa nhận thức đầy đủ giá trị của những bộ chiêng, do nghèo túng, do nạn săn lùng cổ vật… Đến năm 2010, tiến hành kiểm kê Chiêng trên địa bàn toàn tỉnh còn lưu giữ được 9.960 chiếc thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng. Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Lễ hội Chiêng Mường lần thứ nhất năm 2011 và lần thứ hai năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 125 năm và 130 năm thành lập tỉnh được Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là màn trình tấu Chiêng lớn nhất Việt Nam. Lễ hội Chiêng Mường Hòa Bình là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo mang đặc trưng của người Mường.
Năm 2016, Nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện chủ trương của tỉnh về bảo tồn Chiêng Mường, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân. Đến nay, số lượng Chiêng trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Nghệ thuật Chiêng Mường được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng, trong nhiều hoạt động văn hoá, chính trị trên địa bàn tỉnh và tham gia một số sự kiện của khu vực và toàn quốc. Các làn điệu Chiêng và không gian văn hóa Chiêng Mường Hòa Bình ngày nay đã tạo ấn tượng cho khách du lịch nhất là khách quốc tế khi đến Hòa Bình. Mặc dù vậy, trước những tác động của biến đổi văn hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, di sản Chiêng Mường đang đứng trước nguy cơ bị mai một rất cao…dẫn đến một bộ phận người Mường không quan tâm đối với văn hóa chiêng, nhất là trong lớp trẻ.
Ngoài ra, trống đồng là một nhạc cụ dùng trong nghi lễ quan trọng của người Mường. Trong xã hội Mường cổ, trống đồng được xem là vật thiêng, là biểu hiện của uy quyền, sự giàu sang và thế lực. Trống đồng là công cụ thông tin liên lạc, báo hiệu, là tiếng lệnh thúc giục và còn là vật tùy táng để cho người chết về thế giới bên kia. Hòa Bình là nơi phát hiện được nhiều trống đồng ở Việt Nam, với hai loại chính là Trống loại I Heger (trống Đông Sơn) và trống loại II Heger (trống Mường), trong đó trống loại II Heger chủ yếu được tìm thấy trên địa bàn cư trú của người Mường. Trống đồng loại I Heger phát hiện ở Hòa Bình 11 chiếc, trong đó trống Sông Đà còn khá nguyên vẹn và là một trong những trống cổ và đẹp nhất ở Việt Nam, được xếp vào nhóm A, kiểu A1, hiện trống đang được trưng bày tại Bảo tàng Ghimê (Pháp). Trống đồng loại II Heger ở Hòa Bình cùng một dòng trống, có sự kế thừa và nằm trong khung niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ XVIII.
Trống đồng loại II Heger gắn bó từ lâu đời trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Mường. Với tư cách là tộc người sử dụng và phát huy truyền thống trống đồng, đặc biệt với trống đồng loại II Heger thì người Mường được xem là chủ nhân. Hiện nay, tại tỉnh Hòa Bình còn lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng các loại, riêng Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang lưu giữ 76 chiếc trống đồng, trong đó có 7 chiếc Trống loại I Heger và 69 chiếc trống loại II Heger. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều trống đồng được phát hiện nhưng chưa được quản lý bảo vệ, tông tại tình trạng mua bán trống đồng, công tác phục chế, bảo tồn và trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình còn hạn chế.
Nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mường, thời gian tới tỉnh cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó sẽ đầu tư xây dựng Bảo tàng không gian bảo tồn di sản Văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc, trong đó bao gồm: Bảo tàng văn hóa dân tộc Mường, Khu vực sân khấu trình diễn không gian văn hóa Mường, ẩm thực người Mường, khu vực tổ chức lễ hội Khai Hạ, khu vực làng người Mường cổ, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng…tại huyện Tân Lạc. Tiến hành phục chế 20 Trống đồng có giá trị tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình để bảo quản và trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình. Tổ chức nghiên cứu, công bố mẫu kiến trúc nhà sàn cổ (bằng gỗ) và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, bảo đảm các nhu cầu sinh hoạt hiện đại, vệ sinh môi trường. Trên cơ sở lựa chọn 05 điểm du lịch cộng đồng dân tộc Mường đầu tư hỗ trợ khôi phục nhà sàn Mường truyền thống để bảo tồn không gian văn hóa của người Mường phục vụ khách du lịch. Nghiên cứu, đề xuất về việc xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Quần thể hang động khu vực Chùa Tiên xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy…/.