Ở rất gần Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị), ngay sau tấm bia đá di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn có một ngôi nhà rất đặc biệt được làm từ vỏ của hàng trăm quả bom, đạn và rất nhiều kỷ vật chiến tranh.
Ngôi nhà bom - kỷ vật chiến tranh ở Quảng Trị
Chủ nhân của ngôi nhà độc đáo này là ông Trần Công Chức (56 tuổi), ở thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Ngôi nhà làm bằng vỏ bom được ông Chức xây dựng trên thửa đất bên đường mòn Hồ Chí Minh, ngay đường rẽ vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Ngôi nhà bom ở ngay phía đối diện đường rẽ vào Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn
Ngôi nhà bom - ký ức Trường Sơn được ông Chức xây dựng vào đầu năm 2023, được làm từ khoảng 300 vỏ bom, đạn các loại, trên diện tích rộng gần 200m2, được thiết kế theo lối kiến trúc nhà rường 4 mái với 18 cột.
Phía trước nhà bom - ký ức Trường Sơn
Điều độc đáo khiến người xem sửng sốt chính là những dãy cột nhà được kết nối, hàn gắn bởi 3-4 vỏ bom rỗng ruột không còn thuốc nổ và kíp nổ. Mỗi cột nhà có chiều cao từ 4 đến 6m; nặng gần 2 tấn. Ở phía dưới mỗi cột nhà là các vỏ bom tấn, tạ, càng lên cao, kích thước vỏ bom càng nhỏ dần. Mái nhà được lợp bằng lá cọ mộc mạc, giản dị. Ở chính giữa ngôi nhà là dòng chữ “Nhà bom lưu giữ kỷ vật chiến tranh, tôn vinh giá trị lịch sử dân tộc”.
Mỗi cột nhà được kết nối, hàn gắn từ vỏ bom tấn, bom tạ tạo nên kết cấu ngôi nhà
Anh Nguyễn Lợi (47 tuổi, ở xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị) người trông coi ngôi nhà bom cho biết, để có được cốt nhà bằng vỏ bom, anh Trần Công Chức đã tốn rất nhiều công sức từ đánh bóng hoen rỉ, rồi tỉ mỉ gò hàn, chắp nối các vỏ bom lớn nhỏ lại với nhau.
Anh Lợi (bìa phải) giới thiệu về mô hình bếp Hoàng Cầm
Những kỷ vật tại nhà bom
Theo anh Lợi, ý tưởng làm nhà bằng vỏ bom được anh Chức nhen nhóm từ khi bước sang tuổi 30. Ròng rã hơn 20 năm, anh đã lặn lội khắp nơi, sưu tầm khoảng 1.000 kỷ vật chiến tranh và vỏ bom, đạn các loại mang về cất giữ để thực hiện ý tưởng của mình. Khi nghe ở đâu đó có một món đồ kỷ vật về chiến tranh, anh ấy đều tìm tới nơi, bất kể phải lặn lội từ rừng núi đến vùng sông nước, vào các bãi thu mua phế liệu chiến tranh. Có khi là xin, có khi là mua lại, cũng có khi người khác tặng.
Hàng trăm đồ vật, kỷ vật chiến tranh trưng bày tại "bảo tàng" của ông Chức
Cùng với hơn 300 vỏ bom, đạn để làm nên ngôi nhà bom, tại “bảo tàng” của ông Chức còn trưng bày hàng trăm đồ vật, kỷ vật chiến tranh như đèn dầu từ vỏ bom bi; thùng đựng đồ đạc và những chiếc bi-đông làm từ vỏ pháo sáng, hay chiếc kẻng được làm bởi một phần của vỏ bom, nồi quân dụng...
Ngôi nhà vách đất được tái hiện
Ở phía sau ngôi nhà, ông Chức đã xây dựng, tái hiện lại những căn hầm chữ A cùng hệ thống giao thông hào, bếp Hoàng Cầm… để làm phong phú thêm “bảo tàng” kỷ vật chiến tranh này.
Chiều mùa thu, bên ngôi nhà bom – kỷ vật chiến tranh, ông Chức chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở vùng “đất lửa” Vĩnh Linh, bản thân ông sớm thấu hiểu những gì chiến tranh để lại trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt năm 1969, gia đình ông mất đi 6 người thân vì bom đạn, vì vậy, ông sưu tầm kỷ vật chiến tranh để lưu giữ ký ức lịch sử của đất nước, của gia đình.
Trưng bày nhiều kỷ vật chiến tranh với mong muốn kết nối ký ức chiến tranh với hòa bình
Ông Chức cho biết, tôi xây dựng ngôi nhà bằng vỏ bom và trưng bày nhiều kỷ vật chiến tranh với mong muốn kết nối ký ức chiến tranh với hòa bình. Nơi này không bán vé tham quan, không đặt nặng đến lợi nhuận.
Mục tiêu của nhà bom- ký ức chiến tranh nhằm phục vụ cho người dân cả nước, nhất là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ khi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có cái nhìn trực quan hơn về bom đạn chiến tranh, để thấu hiểu hơn về những gian khổ, sự hy sinh to lớn của của bộ đội trong những năm tháng chiến tranh”.
TÂN BÌNH