Thứ Bảy, 09/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/08/2022 13:50 1062
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Việc đề nghị đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được nhiều chuyên gia, nhà quản lý bày tỏ sự quan tâm tại Hội thảo góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật do Bộ VHTTDL mới tổ chức. Theo đó, nội dung đề nghị bổ sung này sẽ khắc phục tình trạng loại hình di sản tư liệu chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, phần nào hạn chế hiệu quả phát huy giá trị di sản.

 

Văn bản hành chính nhà nước nhìn từ Châu bản triều Nguyễn, di sản tư liệu thế giới được UNESCO ghi danh Ảnh: HỒ CẦU
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, một trong những quan điểm xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là bổ sung một số nội dung mới chưa có. Trong các chính sách đề nghị trong Luật, có nội dung quan trọng là bổ sung việc quản lý nhà nước về di sản tư liệu.
Cách tiếp cận mới với di sản tư liệu
Theo đó, dự kiến Luật sửa đổi sẽ dành một chương về nội dung Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, với các quy định cụ thể: Loại hình di sản tư liệu; Tiêu chí nhận diện; Danh mục; Quy trình kiểm kê, ghi danh di sản tư liệu; Quy trình thay đổi quyền sở hữu, thu hồi và hủy bỏ quyết định ghi danh; Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Bản sao di sản tư liệu; Chính sách nhà nước về di sản tư liệu…
Theo TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), trước tình trạng nhiều tài liệu đã biến mất vĩnh viễn, nhiều tài liệu trong tình trạng nguy hiểm, những sưu tập tư liệu quan trọng trên thế giới phải trải qua nhiều số phận khác nhau do chiến tranh, thảm họa thiên nhiên hay con người gây ra, hoặc không thể tiếp cận do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ…, năm 1992 UNESCO đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới nhằm mục tiêu bảo vệ di sản tư liệu, tạo điều kiện việc tiếp cận và quảng bá di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải bảo tồn di sản tư liệu của nhân loại.
“Di sản tư liệu thế giới có tầm quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Di sản đó cần được bảo tồn và gìn giữ đầy đủ vì lợi ích của tất cả mọi người và là trách nhiệm của tất cả mọi người. Đối với mỗi quốc gia, di sản tư liệu phản ánh ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi quốc gia đó, vì vậy di sản tư liệu góp phần xác định vị thế của quốc gia trong cộng đồng quốc tế...”, bà Hương nhấn mạnh. Cũng theo TS Hương, tại Việt Nam, dù Chương trình Ký ức thế giới được UNESCO khởi xướng vào năm 1992, nhưng thời kỳ đầu, việc tham gia vào Chương trình này còn chưa được quan tâm đúng mức. “Để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về Di sản tư liệu, Bộ VHTTDL cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản tư liệu để sớm trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành…”, bà Hương nhấn mạnh.
Đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, gồm 3 Di sản Tư liệu thế giới, 4 Di sản Tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Qua 15 năm là quốc gia thành viên tham gia Chương trình nhưng ở trong nước, di sản tư liệu vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị. Việc đề nghị đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này nhằm khắc phục những bất cập khi loại hình di sản này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bà Hương cho biết, di sản tư liệu được các quốc gia trên thế giới quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau, có quốc gia đưa vào Luật Lưu trữ, có quốc gia đưa vào Luật Di sản văn hóa. Tại Australia và Senegal, di sản tư liệu được quản lý theo Luật Lưu trữ; ở Canada là Luật Lưu trữ và Thư viện; ở Trung Quốc, Luật Bảo vệ di sản văn hóa và Bộ luật Hình sự xử phạt những vi phạm về di sản văn hóa trong đó có di sản tư liệu.
Chính vì khả năng tương thích đa dạng của loại hình di sản này với một số lĩnh vực quản lý khác, TS Vũ Thị Minh Hương đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung cần có một báo cáo cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này.
 
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam
Bảo vệ di sản tư liệu trong bối cảnh 4.0
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu được các chuyên gia nhìn nhận ở nhiều khía cạnh, góc độ tiếp cận khác nhau. Nhiều ý kiến nhận định, trong các loại hình di sản văn hóa, di sản tư liệu là một bộ phận đặc biệt, vì nó tồn tại trên cả 2 dạng thức: vật thể và phi vật thể.
Tuy nhiên, di sản tư liệu vẫn là vấn đề mới tại Việt Nam và chỉ được biết đến trong những năm gần đây, sau khi Mộc bản triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2009. Tiếp sau đó là hàng loạt các di sản tư liệu khác được vinh danh ở cấp quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cũng giống như các di sản văn hóa khác, di sản tư liệu vốn mong manh và nhạy cảm dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Chính vì vậy, công tác kiểm kê, nhận diện, bảo vệ di sản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên thực tế, công tác này đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Hầu hết các di sản tư liệu thuộc sở hữu tư nhân nhưng đa phần, người dân chưa nhận thức được hết giá trị của tư liệu và chưa được trang bị kiến thức, kỹ thuật bảo quản đúng nên vô hình trung đã khiến cho tài liệu hư hỏng nhanh chóng.
TS Nguyễn Huy Mỹ khẳng định, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa, trong đó có việc bổ sung một chương riêng về di sản tư liệu vào là một việc làm rất đúng và cần thiết. Đề cập đến vấn đề trách nhiệm của các cá nhân, dòng họ, dân làng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, TS Nguyễn Huy Mỹ cho biết, di sản tư liệu có nhiều dạng và ngoài các cơ quan nhà nước còn có số lượng lớn ở trong một số gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. “Di sản tư liệu ở làng quê rất phong phú, đa dạng và cần thiết phải nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị, bắt đầu từ các gia đình, dòng họ, làng quê...”, TS Nguyễn Huy Mỹ nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học công nghệ đã thực sự trở thành “cánh tay nối dài” và đắc lực trong vấn đề bảo tồn di sản tư liệu. Một số di sản tư liệu như văn bia, mộc bản… được số hóa một cách sống động “hơn cả hiện thực” bằng công nghệ 3D, 4D hay 5D… Các công nghệ này thể hiện được từng chi tiết, họa tiết, hoa văn, định dạng được kích thước của di sản... phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu, quản lý, là tư liệu gốc để đối chứng khi tư liệu đã bị hủy hoại, xuống cấp. Nhiều di sản tư liệu trên vật mang tin là âm thanh được sử dụng kỹ thuật ghi âm và số hóa các file ghi âm. Tất cả những câu chuyện, lời kể, bài hát… đã được khoa học công nghệ lưu giữ lại một cách chân thật, sống động, lâu dài hơn thay thế cho việc truyền miệng.
Cũng theo giới chuyên môn, việc áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những thay đổi tích cực trong công tác kiểm kê, nhận diện, bảo vệ di sản tư liệu. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu làm nền tảng để bảo tồn di sản văn hóa là xu hướng phổ biến trên thế giới. Sau khi các di sản tư liệu được số hóa thì được đưa vào bảo quản trong các cơ sở dữ liệu số. Trí tuệ nhân tạo, phần mềm ứng dụng… sẽ giúp người lưu trữ thu thập, tìm kiếm, quản lý hồ sơ di sản tư liệu một cách tự động và nhanh chóng.
Tuy nhiên, để thích ứng và nhuần nhuyễn với 4.0, công tác quản lý nhà nước về di sản tư liệu cũng cần có những thay đổi, từ chính sách đến nghiệp vụ và con người. Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là nội dung được nhiều ý kiến đề nghị cần được quy định cụ thể trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn liên quan. 

 PHƯƠNG ANH

http://baovanhoa.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

Nghiên cứu và trưng bày về văn hóa phi vật thể ở Hoàng thành Thăng Long

  • 27/05/2019 10:56
  • 3349

Trong những năm gần đây, hướng nghiên cứu và phát huy giá trị tại Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long có những chuyển biến cơ bản, tập trung nghiên cứu theo hai hướng: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các kế hoạch nghiên cứu luôn hướng tới thể nghiệm kết quả nghiên cứu thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm; những thể nghiệm nghi lễ truyền thống; những sự kiện… nhằm phát huy giá trị di sản, mang di sản đến gần công chúng hơn và góp phần quảng bá khu Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bài viết khác

Triển lãm Sắc màu Văn hoá ASEAN

Triển lãm Sắc màu Văn hoá ASEAN

  • 09/08/2022 13:08
  • 800

Sáng 8.8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bộ VHTTDL phối hợp với Đại sứ quán các nước ASEAN tổ chức triển lãm Sắc màu Văn hoá ASEAN. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và cắt băng khai mạc Triển lãm. Cùng dự có đại diện một số cơ quan Việt Nam, Đại sứ các nước ASEAN và đại diện các cơ sở văn hoá nước ngoài tại Hà Nội.