Hội thảo “Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam ” nhằm khẳng định ông là tấm gương sáng ngời, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Sáng 10.6, tại Vĩnh Long, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phốihợp Ban Tuyên giáo T.Ư và Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo “Đồng chí Phạm Hùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Tham dự hội nghị có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư; Ông Phan Xuân Thủy, Phó ban Tuyên giáo T.Ư; Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy, các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, các tỉnh bạn và đại diện gia đình Bác hai Phạm Hùng.
Quang cảnh buổi hội thảo
Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 110 năm ngày sinh Bác hai Phạm Hùng (11.6.1912 - 11.6.2022), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Phạm Hùng trên những nội dung như: ảnh hưởng của quê hương, gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng - cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của Phạm Hùng.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã hoạt động trong phong trào học sinh khi 16 tuổi, sớm giác ngộ cách mạng, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành đảng viên cộng sản lớp đầu tiên; Phân tích, đánh giá những đóng góp quan trọng của Phạm Hùng - nhà lãnh đạo tài năng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới.
Qua đó khẳng định, ông là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân; là người yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long và vùng đất Nam bộ - Thành đồng Tổ quốc.
Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long phát biểu chào mừng tại hội thảo
“Hội thảo hôm nay góp phần làm tăng thêm động lực tinh thần, động viên các cấp, các ngành, các địa phương, cổ vũ cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ, hăng hái thi đua lao động sáng tạo, công tác và học tập, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những học trò xuất sắc của Người, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho mọi người, nhất là cho thế hệ trẻ hôm nay. Do đó, Hội thảo càng có ý nghĩa thiết thực”, ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, phát biểu chào mừng tại hội thảo.
Phạm Hùng, tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, H.Vĩnh Bình, Vĩnh Long (nay thuộc xã Long Phước, H.Long Hồ, Vĩnh Long). Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4.1931, ông bị địch bắt, sau đó bị giam tại xà lim án chém ở Khám Lớn - Sài Gòn, rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo (1.1934). Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được đón về đất liền.
Sau đó, ông được cử là Bí thư Xứ ủy Nam bộ (1946), kiêm Phó giám đốc Sở Công an Nam Bộ (1947); Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng (1951); Phó bí thư T.Ư Cục miền Nam kiêm Bí thư Liên khu ủy và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu miền Đông Nam bộ (1952); Bộ trưởng Phủ thủ tướng (1957); Phó thủ tướng (1958); Bí thư T.Ư Cục miền Nam (1967); Phó thủ tướng (1976); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) (1980-1986); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1987). Ủy viên Bộ Chính trị khóa II, III, IV, V, VI; đại biểu Quốc hội khóa II, III, VI, VII, VIII. Bác hai Phạm Hùng mất ngày 10.3.1988 khi đang đi công tác tại TP.HCM.