Ngày 5/6/2022, tại Bến Nhà Rồng (TPHCM), Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa thiên Huế khai mạc triển lãm chuyên đề: ‘Về nơi lưu dấu chân Người” nhân kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2022).
Lễ khai mạc triển lãm với sự tham gia và đồng hành của các chi nhánh trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh, hơn 20 Bảo tàng khác trong địa bàn TPHCM và bảo tàng các tỉnh lân cận.
Với 150 hình ảnh, tư liệu quý về những năm tháng sinh sống và học tập tại Huế và quãng thời gian ngắn lưu lại TPHCM trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã góp phần tô đậm thêm chân dung về một nhân cách lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những hình ảnh và tư liệu quý về Bác Hồ sẽ là cơ sở quan trọng để kể lại những câu chuyện sinh động, khắc họa cuộc sống sinh hoạt, học tập và lao động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình khoảng thời gian vào Huế học tập và lưu lại mảnh đất Sài Gòn.
Đồng thời với tư liệu về Bác ở Huế còn là những hiện vật, hình ảnh quý tại hệ thống di tích lưu niệm của Bác ở TPHCM như: Di tích số 185/5 Cô Bắc, Quận 1; Trường Cơ khí Á Châu Sài Gòn; Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5; và di tích Bến Nhà Rộng, Quận 4.
Ngoài ra, Triển lãm lần này cũng góp phần phát huy giá trị di sản của Bác Hồ được trưng bày, giới thiệu trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kho tàng di sản văn hóa quý báu của dân tộc và góp phần đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện và sâu sắc về những di tích, địa điểm di tích vinh dự và tự hào lưu dấu chân Người.
“Triển lãm đưa công chúng trở về với không gian văn hóa Huế, với bối cảnh lịch sử, chính trị đất kinh kỳ, cùng với nề nếp của gia đình xứ Nghệ, để thẩm thấu một trong những mạch nguồn hình thành tư tưởng, nhân cách văn hóa lớn trong con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa thiên Huế nhấn mạnh.
Những hiện vật đầy xúc động về thời đi học của Bác Hồ ở vùng đất Huế được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm và trưng bày tại Triển lãm chuyên đề: “Về nơi lưu dấu chân Người”.
Triển lãm được chia gồm và 3 khu với 3 phần: 1. Huế - Nơi lưu dấu tuổi thơ Người; 2. Sài Gòn (TPHCM) những năm đầu thế kỷ XX – Nơi Nguyễn Tất Thành đến và đi tìm đường cứu nước; 3.Di sản Hồ Chí Minh sống mãi với thời gian.
Phát biểu chào mừng Triển lãm, bà Lưu Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM khẳng định: “Triễn lãm “Về nơi lưu dấu chân Người” như thêm một lần nữa ôn lại và củng cố về cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng vô sản thế giới... Đó là một con người thiên tài, bác ái và rất đỗi thanh bạch”.
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM (thứ 4 từ trái qua) cùng các vị Lãnh đạo các Bảo tàng Hồ Chí Minh thành viên, Bảo tàng các tỉnh bạn tham quan và lắng nghe thuyết minh về tuổi đi học của Bác Hồ ở mảnh đất cố đô Huế.