Đến với trưng bày Đứng lên và cất tiếng, khai mạc tại di tích Nhà tù Hỏa Lò đúng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai cũng mang một cảm xúc thật đặc biệt. Trưng bày thu hút người xem bởi những tác phẩm báo chí “chưa từng có”, những bài báo nhuốm máu và nước mắt, ra đời trong các nhà tù thực dân, đế quốc và trên những chiến trường khốc liệt…
Trưng bày “Đứng lên và cất tiếng” giúp người xem tiếp cận với những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt
Tôn vinh chặng đường hoạt động sôi nổi của nhà báo Hồ Chí Minh, những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại đây cũng là lời tri ân dành cho những nhà báo - chiến sĩ đã hy sinh xương máu và cống hiến quên mình cho độc lập dân tộc.
“Làng báo” trong tù
Trưng bày Đứng lên và cất tiếng điểm lại một số dấu ấn qua 97 năm hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trên chặng đường vẻ vang và thăng trầm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập đồng thời là một nhà báo lỗi lạc, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Học và làm theo Bác, các nhà báo - chiến sĩ đã dùng ngòi bút làm “vũ khí mềm” để đấu tranh và cất cao tiếng nói dân tộc, dù ở nơi ngục tù tăm tối hay trên chiến trường khốc liệt.
Có lẽ, lần đầu tiên ở một triển lãm, người xem được tiếp cận với những sản phẩm báo chí chưa từng có mà người “cầm bút” là những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt đã thể hiện ý chí kiên trung, tinh thần lạc quan, niềm tin với cách mạng. Nơi “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo..., dưới sự chỉ đạo của các tổ chức Đảng, tù chính trị đã mưu trí, sáng tạo để biên soạn, xuất bản, cất giấu những ấn phẩm đặc biệt. Mỗi tờ báo là một phương tiện để đoàn kết lực lượng, là tài liệu học tập văn hóa, chính trị, là vũ khí để đấu tranh, cảm hóa kẻ thù... đã tạo nên nét đặc sắc của dòng báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tại Hỏa Lò, Chi bộ nhà tù đã ra các tờ Con đường chính, Đuốc Việt Nam, Lao tù... do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Tờ Lao tù tạp chí là cơ quan ngôn luận phổ cập tới mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong Nhà pha Hỏa Lò và cũng là cơ quan ngôn luận “sống” lâu nhất. Mỗi tuần một số, Lao tù tạp chí từ năm 1932-1935 đã xuất bản được hơn 200 số. Đảng bộ Nhà tù Sơn La cũng đề ra nhiều hình thức hoạt động phong phú, trong đó có xuất bản tờ Suối reo để đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù. Tương tự, tại Nhà tù Côn Đảo, khắp các nhà lao đều có Chi bộ. Hồi ký Tin tưởng, làm việc và học tập của đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: “Banh II của chúng tôi có tờ Ý kiến chung, có các cây bút cừ như anh Nguyễn Văn Cừ, anh Lê Duẩn... viết nhiều”.
Ngày 20.11.1972, tù chính trị cho xuất bản tờ Sinh hoạt, một trong những tập báo đầu tiên ở Nhà tù Côn Đảo; tiếp đó các tờ Văn nghệ, Rèn luyện, Đoàn kết, Quyết tâm, Tiến lên, Niềm tin lần lượt ra đời và được người tù Cộng sản nhiệt tình đón đọc. Để cất giấu, Ban biên tập cuộn chặt nội san vào túi nilon, rồi chôn dưới gầm bê tông phòng giam. Toàn cảnh “làng báo” trong tù đặc biệt ấy và phương thức tác nghiệp hiếm có giữa vòng kiểm soát ngặt nghèo của nhà tù là những ký ức không thể xóa nhòa, đã hiện diện và mang lại sự xúc động lớn lao đối với những chứng nhân lịch sử và đông đảo người xem có mặt ở trưng bày.
Trưng bày “Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng” kể câu chuyện của những nhà báo, chiến sĩ trên chiến trường khốc liệt
Tòa soạn dưới những chiến hào
Ở nội dung Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng, trưng bày kể câu chuyện của những nhà báo, chiến sĩ trên chiến trường khốc liệt. Dưới chiến hào giữa mưa bom bão đạn là những tòa soạn có một không hai với phương thức làm báo sáng tạo như báo hầm, báo liếp, báo in... Chỉ với trang thiết bị thô sơ, mỗi tờ báo dù được xuất bản trong hoàn cảnh tù đầy hay giữa chiến trường khốc liệt đều được đánh đổi bằng mồ hôi, bằng máu và bằng cả tính mạng. Nhưng đó cũng là lẽ sống, trách nhiệm và niềm tự hào của những người cầm bút.
Câu chuyện về Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ, về báo Cờ Giải phóng giữa chiến khu, về Thông tấn xã Giải phóng anh hùng, chuyện Làm báo giữa lòng Thủ đô... mãi là những bản anh hùng ca viết về người chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Họ luôn xuất hiện ở nơi khốc liệt nhất với máy ảnh, cây bút trên tay và trách nhiệm cao cả trên vai, xứng danh là “binh chủng đặc biệt”.
Trưng bày cũng dành một phần quan trọng giới thiệu bút tích của các nhà báo - liệt sĩ đã ngã xuống trên đường tác nghiệp trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Theo BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hiện mới có 511 nhà báo, liệt sĩ được ghi nhận đầy đủ thông tin, còn rất nhiều nhà báo ngã xuống để có được những thước phim, bức ảnh chân thực mà “không ai nhớ mặt đặt tên”. Có người hy sinh khi trên tay còn ôm hộp phim, mắt mở to nhìn thẳng lên bầu trời đầy bom đạn, máu của họ thấm trong mỗi tin tức được gửi về từ chiến trường khốc liệt.
Trưng bày giới thiệu 10 tấm gương nhà báo, liệt sĩ, với những câu chuyện xúc động nghẹn ngào. Có thể kể đến Nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Trước khi chết, ông còn cố gắng hô to: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Nhà quay phim, liệt sĩ Nguyễn Văn Giá hy sinh năm 1970 tại Đức Phổ (Quảng Ngãi) giữa một trận càn. Trong bức thư gửi vợ, anh viết: “Anh chỉ ra đi khi trong tay anh có những thước phim tốt, có những thước phim xứng đáng đóng góp cho Tổ quốc. Anh không lên đường ra đi với bất kỳ lý do nào khác. Anh có thể ngã xuống trên mảnh đất nóng bỏng này. Điều này em phải hiểu và thông cảm cho anh, vì anh là phóng viên chiến trường”..
Nhiều câu chuyện xúc động như thế đã hiển hiện chân thực như những bài học lịch sử dành cho thế hệ hôm nay. Tại lễ ra mắt trưng bày, người dự đã được nghe, được nhìn lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác báo chí; được xem hoạt cảnh về quá trình “xuất bản” và “phát hành” những tờ báo đặc biệt sau song sắt. Đồng thời, nhiều nhân chứng lịch sử là các nhà báo chiến trường năm xưa cũng đã mang đến trưng bày những câu chuyện của một thời khói lửa không thể nào quên.
Trưng bày giới thiệu nhiều tư liệu về nhà báo Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu cầm bút, Người luôn tâm niệm: Viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khoảng 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Những bài báo của Người vừa đậm tính dân tộc nhưng cũng giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, lại có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ; là kim chỉ nam để các thế hệ nhà báo luôn giữ được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”..
BẢO NGÂN