Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết sẽ tiếp tục tiến hành trùng tu các giếng cổ (giếng Chăm), trả lại nguyên trạng, đồng thời tạo cảnh quan để hình thành những điểm đến phục vụ tham quan du lịch.
Ngày 13/5, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết vừa tiến hành trùng tu cụm di tích Nam Ô, trong đó có việc bảo tồn nguyên giá trị của giếng Lăng (làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) để người dân tiếp tục sử dụng, đồng thời tạo điểm tham quan du lịch.
Giếng Lăng (làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) vừa được trùng tu, tôn tạo
Theo ông Thiện, trải qua mấy trăm năm, các giếng bị bồi lấp, một số thành giếng bị chôn sâu dưới đất.
"Lúc trùng tu giếng Lăng, tôi đề nghị đào sâu cho đến khi thấy thành giếng, rồi mở rộng khuôn viên. Sắp tới, với những giếng cổ khác cũng sẽ được trùng tu như thế, trả lại nguyên trạng, tạo cảnh quan để hình thành một điểm đến phục vụ tham quan du lịch", ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết.
Bảo tồn nguyên giá trị của giếng Lăng để người dân tiếp tục sử dụng, đồng thời tạo điểm tham quan du lịch
Kế hoạch trùng tu các giếng cổ trên địa bàn Đà Nẵng đã được đề cập trong Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể giai đoạn 2021-2026, trong đó có công trình kiến trúc cổ, nhà cổ, văn hóa dân gian…
Được biết, làng Nam Ô hiện còn ít nhất 4 giếng cổ gồm giếng Đình, Thành Cung, Cồn Trò và giếng Lăng. Trong đó, giếng Lăng nằm cạnh ngôi miếu thờ cá Ông (Lăng Ông) ở làng Nam Ô; giếng Đình nằm giữa đường bê-tông của khu dân cư, thuộc tổ 37, khối phố Nam Ô 2A (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu)… Những giếng vuông có tuổi hàng trăm năm này là những di tích văn hóa được bao đời người dân làng sử dụng và bảo tồn khá nguyên vẹn.
Sau trùng tu phát lộ trụ giếng có nhiều chữ cổ được khắc vẫn còn đường nét rõ ràng
Nước giếng trong sạch và ngọt mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông
Ngoại cụm giếng Chăm ở làng Nam Ô, trên địa bàn Đà Nẵng còn có những giếng cổ khác như: giếng Bộng nằm trên đường Trưng Nữ Vương (phường Bình Hiên, quận Hải Châu); giếng Hời nằm ở góc sân Miếu Bà, trong khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).
Hiện nay, toàn bộ các giếng Chăm còn lại trên địa bàn Đà Nẵng đều sử dụng được, nguồn nước uống rất trong, ngọt và mát. Riêng giếng Chăm ở đồi Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) dùng cho 3 làng Quan Nam, Thủy Tú và Trung Sơn, nước vẫn trong vắt.
Người dân tuy sống gần giếng Chăm nhưng không dám lấn chiếm vì ngại yếu tố tâm linh, trái lại vẫn luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ các giếng cổ này.
Đức Hoàng