Tọa đàm “Sức mạnh của bảo tàng” diễn ra ngày 12.5 tại Hà Nội là sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5. Tọa đàm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức.
Tọa đàm Sức mạnh của Bảo tàng
Tọa đàm là cơ hội cùng trao đổi với các chuyên gia di sản văn hóa, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa, các nhà chuyên môn đến từ lĩnh vực du lịch, công nghệ, giáo dục về những tiềm năng của bảo tàng và những thay đổi tích cực trong cộng đồng mà các bảo tàng mang lại. Từ đó khẳng định sức mạnh của bảo tàng trong đời sống đương đại, liên hệ với công việc cụ thể của mỗi bảo tàng, di tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Tọa đàm gồm 2 nội dung: Bảo tàng vì sự phát triển bền vững; Công nghệ số và giáo dục di sản- những tiềm năng mới của bảo tàng.
Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, ngoài việc khẳng định sức mạnh của bảo tàng, tọa đàm còn là cơ hội để các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng quân đội nói riêng và các bảo tàng nói chung có thể liên hệ, vận dụng với những công việc cụ thể của bảo tàng, di tích trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL, hai thập kỷ qua kể từ ngày đầu tiếp cận với ICOM, Cục Di sản văn hoá luôn quan tâm phát triển chuyên môn nghề nghiệp của ngành bảo tàng và từng bước hội nhập với bảo tàng quốc tế để phát triển. Ngày Bảo tàng Quốc tế hằng năm là cơ hội để những người làm nghề sáng tạo các hoạt động theo chủ đề. Đó còn là ngày của nghề, tôn vinh những người làm nghề.”
Các khách mời tham gia thảo luận nội dung Bảo tàng vì sự phát triển bền vững
TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng: “Nếu nói văn hoá là hình ảnh, là thương hiệu của mỗi quốc gia thì các bảo tàng là nơi nghiên cứu, lưu giữ và phát huy những di sản văn hoá - những giá trị kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc, của quốc gia đó. Nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển bền vững chính là con người. Bảo tàng có chức năng giáo dục để phát triển bền vững”.
Đánh giá về chương trình giáo dục di sản tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cô Nghiêm Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, Quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Chương trình giáo dục di sản của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tạo cơ hội cho các em học sinh được học tập một cách chủ động, thú vị thông qua các hoạt động trải nghiệm. Chương trình đã khuyến khích các em học sinh sáng tạo, làm ra các sản phẩm từ những kiến thức trải nghiệm tại bảo tàng để giới thiệu với bạn bè và cô giáo ở trên lớp sau buổi tham quan...”
Chủ đề Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2022 là “Sức mạnh của bảo tàng”. Thông qua đó, Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM) khuyến khích phát huy tiềm năng của các bảo tàng trong việc mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng, thông qua những thế mạnh của bảo tàng.
BẢO PHƯƠNG