Nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý để làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cũng như xác định tiêu chí, tính xác thực và toàn vẹn trong không gian các tỉnh có văn hóa Óc Eo để thực hiện quy trình đề cử UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới, UBND tỉnh An Giang vừa tổ chức tọa đàm khoa học về “Nội dung và quy trình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo”.
Nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý để làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cũng như xác định tiêu chí, tính xác thực và toàn vẹn trong không gian các tỉnh có văn hóa Óc Eo để thực hiện quy trình đề cử UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới, UBND tỉnh An Giang vừa tổ chức tọa đàm khoa học về “Nội dung và quy trình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo”.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại buổi tọa đàm
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Đỗ Thanh Bình tham dự và đồng chủ trì.
Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn (An Giang) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, địa phương đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Tuy nhiên vẫn chưa được đầu tư những công trình bảo tồn, hay phát huy giá trị mang tầm cỡ quốc gia. Trong khi đó, tiềm năng của nền văn hóa Óc Eo đang có mặt rộng khắp trên gần 20 tỉnh, thành Nam Bộ. Vì vậy, các địa phương trong đó có An Giang đang quyết tâm phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh.
Theo các nhà khoa học, năm 1944, từ sự phát hiện nhỏ lẻ của nhân dân địa phương, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã tiến hành khai quật khu di tích văn hóa này tại địa điểm Gò Cao, trên cánh đồng phía Đông và Đông Nam núi Ba Thê, nay thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang), đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiên cứu khảo cổ về một nền văn hóa được khởi phát tại An Giang, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp vùng Nam Bộ, đó là nền văn hóa Óc Eo. Điều này chứng tỏ nền văn hóa Óc Eo đã sớm được học giả quốc tế quan tâm nghiên cứu và công bố giá trị của nó.
Tập trung vào tiêu chí II, III và V?
Góp ý cho việc xác định các tiêu chí quan trọng trong quá trình lập hồ sơ đề cử UNESCO, phần nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học khuyến nghị nên tập trung vào các tiêu chí II, III và V của UNESCO. Tán thành với đề xuất chọn tiêu chí II, III và V, PGS.TS Bùi Chí Hoàng nhấn mạnh, giá trị bản thân của văn hóa Óc Eo đã được nghiên cứu sâu và công bố rõ là khu đô thị cảng đặc biệt, phù hợp với các tiêu chí UNESCO thừa nhận. Các địa phương cần sớm có hành động tích cực trong giải phóng mặt bằng để bàn giao triển khai kịp tiến độ khai quật, cung cấp kết quả nghiên cứu cho công tác lập hồ sơ. Phạm vi khoanh vùng theo PGS.TS Bùi Chí Hoàng là nên tập trung vào hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, nếu mở rộng thêm tỉnh Đồng Tháp sẽ kéo theo bất cập về thời gian.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, bằng chứng xác thực về nền văn hóa Óc Eo vẫn đang nằm dưới lòng đất, vì thế công tác lập hồ sơ không thể đi trước khi chưa có kết quả nghiên cứu khảo cổ học một cách đầy đủ. Thống nhất với tên gọi là đô thị cảng cổ, ông cũng lưu ý không nên khai quật lẻ tẻ theo kiểu “chọc lỗ”, khuyến nghị nên chuẩn hóa xây dựng hồ sơ về bộ sưu tập hiện vật. PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định, nếu có sự khai quật đúng hướng thì hoàn toàn có đủ cơ sở sức thuyết phục đây là đô thị cảng cổ. Đặc biệt, cần mời chuyên gia tư vấn quốc tế để có sự so sánh tương đồng giữa di sản văn hóa Óc Eo với một số di sản tương tự trên thế giới đã được UNESCO vinh danh.

Một số hiện vật của di sản văn hóa Óc Eo được trưng bày tại di tích
PGS.TS Trần Đức Cường nhấn mạnh, thực tế đã có nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới rất quan tâm đến nền văn hóa Óc Eo và cho rằng văn hóa Óc Eo phát triển rất rực rỡ, địa bàn hình thành bao gồm cả vùng đất Nam Bộ. Nhưng phải tìm ra cái tiêu biểu của nền văn hóa này, vì thế cần phải bắt đầu đi từ khảo cổ học để trả lời cho điều này. Đồng tình chọn An Giang là vùng chính, còn Kiên Giang là vệ tinh, PGS.TS Tống Trung Tín lưu ý, tiêu chí đáng chú ý nhất là tiêu chí II, còn tiêu chí III thì khó vì chưa có gì để chứng minh. Tiêu chí V cũng cần đưa vào để nghiên cứu. Tính xác thực và toàn vẹn, tức là yếu tố gốc của di tích phải được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung, bởi toàn bộ dấu tích hiện nay không đủ điều kiện để lập hồ sơ.
PGS.TS Bùi Minh Trí nhìn nhận, với thực trạng hiện nay thì chưa đủ tiêu chí nào để đưa vào đề nghị di sản thế giới, vì thế phải đầu tư khai quật nghiên cứu khoa học khảo cổ kỹ lưỡng để đánh giá giá trị, xem có đủ cơ sở cung cấp tư liệu lập hồ sơ hay không? Cần thống nhất lại tên gọi hồ sơ chứ không thể gọi là di sản văn hóa Óc Eo, khuyến nghị tên gọi là Khu di tích khảo cổ học để có sức thuyết phục hơn. Ông cùng đồng tình với quan điểm phải mời chuyên gia tư vấn quốc tế tham gia ngay từ đầu.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cùng các nhà nghiên cứu tham quan hiện vật của văn hóa Óc Eo Ảnh: HOÀNG HẢI
Trái với các quan điểm trên, TS Lê Thị Liên khẳng định, đến thời điểm này không cần bàn chuyện có đủ cơ sở đăng ký hồ sơ hay chưa mà việc cần làm ngay là đăng ký di sản văn hóa Óc Eo vào danh sách đề cử UNESCO. Và nếu nỗ lực thì có thể đến tháng 3.2019 là đăng ký hồ sơ, và có thể chọn tiêu chí ngay trên những cái đã có chứ không cần thiết phải đợi chờ đến kết quả khảo cổ. Còn nếu khai quật phát hiện thêm thì làm thêm tiêu chí mới. TS Liên nhấn mạnh đến khu vực Gò Tháp ở tỉnh Đồng Tháp, xem Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là “cứu cánh” đảm bảo tính xác thực và toàn vẹn của di sản văn hóa khi lập hồ sơ. Qua đó, TS Liên đề xuất nên đưa thêm tiêu chí VI vào lập hồ sơ, bởi những giá trị của di tích Gò Tháp không nơi nào trong khu vực Đông Nam Á có được. Nếu chọn theo tiêu chí II, III và VI thì từ giờ trở đi vẫn vững tâm lập hồ sơ trình UNESCO. Đồng ý so sánh giữa di sản văn hóa Óc Eo với di sản cùng loại trên thế giới là rất cần, nhưng cũng cần có sự so sánh trong nước để không có sự chồng lên cái khác, tức những di sản trong nước đã được UNESCO vinh danh. Việc lập hồ sơ đề cử và để UNESCO vinh danh là hoàn toàn làm được, vấn đề còn lại là quyết tâm của ba tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia phân tích, giá trị của nền văn hóa Óc Eo phát triển thịnh vượng trên diện rất rộng, không gian lớn, loại hình di tích rất đa dạng và phong phú, bao gồm nơi cư trú, mộ táng, đô thị cổ, một trung tâm thương mại hàng đầu của Đông Nam Á trong thời kỳ hình thành và phát triển. Qua những hiện vật chỉ dẫn khai quật được cho thấy có sự giao thương rộng với nhiều quốc gia trên thế giới. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu khẳng định đây là một đô thị cảng được quy hoạch tiêu biểu trong thời kỳ hình thành và phát triển, với giá trị rất đặc biệt. Tuy vậy, khi đề cử UNESCO sẽ gặp những khó khăn nhất định. Do đó, phải nắm rõ các tiêu chí của UNESCO vinh danh đối với loại hình di sản văn hóa này. Trong đó, có tiêu chí về sự giao thoa văn hóa của di sản văn hóa Óc Eo với nhân loại, đây được xem là thế mạnh để thuyết phục UNESCO vinh danh. Ông cũng lưu ý cần làm rõ tiêu chí về bằng chứng độc đáo hoặc đặc biệt về truyền thống văn hóa, giá trị nổi bật về hình thức lưu trú truyền thống đang bị tổn thương do những tác động theo thời gian, làm rõ tính bản địa về sự phát triển liên tục, đa dạng tiêu biểu… Bên cạnh đó, cần thống nhất tên gọi của di sản khi trình hồ sơ, lựa chọn đâu là khu vực trung tâm khai quật để làm rõ tính toàn diện không gian của di sản.

Đại biểu tham quan triển lãm hiện vật của văn hóa Óc Eo
Không đợi khai quật xong mới xây dựng hồ sơ
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cho biết, việc lập hồ sơ văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh đã có đầy đủ cơ sở về pháp lý, khoa học và thực tiễn. Thế nhưng công việc này có sự chậm trễ, vì thế ngay từ bây giờ phải khẩn trương thực hiện đồng thời song song hai việc, lập hồ sơ và khai quật khảo cổ. Không đợi nghiên cứu xong khảo cổ mới lập hồ sơ, trong đó tập trung xác định phạm vi, địa điểm, tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu.
Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo hoàn thiện báo cáo kết thúc giai đoạn 1, đôn đốc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho kịp tiến độ khai quật khảo cổ. Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2 cần làm gì? Phân chia đề xuất những việc cụ thể cho các đơn vị địa phương.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đồng ý mời chuyên gia quốc tế tư vấn, đồng thời đề nghị GS.TSKH Lưu Trần Tiêu chủ trì tọa đàm xác định tên gọi và tiêu chí để trên cơ sở đó Bộ VHTTDL có cơ sở xác định phạm vi quy mô. Và sẽ tổ chức hội nghị giữa ba tỉnh có di sản văn hóa nói trên thống nhất quan điểm. Trước tháng 10 phải hoàn thành những công việc trên.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chỉ đạo, ngay từ bây giờ phải có nghiên cứu khoa học, đồng thời kết nối các kết quả khai quật để làm rõ các tiêu chí, xác định các nội dung chính, dự kiến khoanh vùng văn hóa Óc Eo để chứng minh về tính toàn vẹn của di tích gồm những tỉnh nào… Quá trình làm hồ sơ phải tiến hành song song với công tác nghiên cứu chứ không làm theo kiểu độc lập để tránh kéo dài thêm thời gian. Thứ trưởng Liên nhắc lại, xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo không chỉ là trách nhiệm của ngành và các đơn vị liên quan, đây còn là trách nhiệm của thế hệ sau đối với lịch sử.
Việc lập hồ sơ văn hóa Óc Eo đề cử UNESCO vinh danh đã có đầy đủ cơ sở về pháp lý, khoa học và thực tiễn. Thế nhưng công việc này có sự chậm trễ, vì thế ngay từ bây giờ phải khẩn trương thực hiện đồng thời song song hai việc, lập hồ sơ và khai quật khảo cổ. Không đợi nghiên cứu xong khảo cổ mới lập hồ sơ, trong đó tập trung xác định phạm vi, địa điểm, tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu.
(Thứ trưởng ĐẶNG THỊ BÍCH LIÊN)
Phải nắm rõ các tiêu chí của UNESCO vinh danh đối với loại hình di sản văn hóa này. Trong đó, có tiêu chí về sự giao thoa văn hóa của di sản văn hóa Óc Eo với nhân loại, đây được xem là thế mạnh để thuyết phục UNESCO vinh danh. Cần làm rõ tiêu chí về bằng chứng độc đáo hoặc đặc biệt về truyền thống văn hóa, giá trị nổi bật về hình thức lưu trú truyền thống đang bị tổn thương do những tác động theo thời gian, làm rõ tính bản địa về sự phát triển liên tục, đa dạng tiêu biểu… Bên cạnh đó, cần thống nhất tên gọi của di sản khi trình hồ sơ, lựa chọn đâu là khu vực trung tâm khai quật để làm rõ tính toàn diện không gian của di sản.
(GS.TSKH LƯU TRẦN TIÊU, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia)
HOÀNG HẢI