Tới dự khai mạc và chỉ đạo Hội thảo - Tập huấn, có TS. Đặng Thị Bích Liên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ninh...
Tham dự Hội thảo- Tập huấn có 300 đại biểu là lãnh đạo các khu di sản thế giới, bảo tàng, ban quản lý di tích, cán bộ phòng nghiệp vụ di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Hội thảo cũng có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ Trung Quốc, Úc…
Chương trình Hội thảo - Tập huấn ngành Di sản văn hóa tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề đang được quan tâm hiện nay, như: “Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống”, “Sự sáng tạo và truyền bá của nghề gốm hiện đại khu vực Nam Á”, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số”, “Từ tổ tiên cho tới trí tuệ nhân tạo, Tác nhân, Nhạy bén và Khả năng tiếp cận cộng đồng văn hóa đương đại”… Cũng trong khuôn khổ chương trình Hội thảo – Tập huấn, các đại biểu sẽ được tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Khu di tích Yên Tử, Khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội thảo - Tập huấn, TS. Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao những thành tựu Ngành Di sản văn hóa đã đạt được trong thời gian qua, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa di sản trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng yếu như: Tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản văn hóa để kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết.
Tiếp tục triển khai, hoàn thiện việc lập và điều chỉnh Kế hoạch quản lý, Quy chế bảo vệ, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới theo quy định của Nghị định số 109/2017/NĐ-CP.
Tập trung đầu tư xây dựng, triển khai các dự án về bảo tàng đã được xác định tại Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020.
Triển khai hiệu quả Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016; đồng thời nghiên cứu, đề xuất tiếp tục phát triển Đề án để triển khai ở những giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và xây dựng hồ sơ đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phối hợp và tạo điều kiện cho nghệ nhân trong việc trình diễn và truyền dạy kỹ năng, bí quyết về di sản văn hóa phi vật thể.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phát huy vai trò của các chuyên gia, của nghệ nhân, của cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân vừa được trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại.
Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng, bảo đảm các yêu cầu: Tăng cường trưng bày hiện vật gốc; hạn chế việc sử dụng các tác phẩm hoặc tổ hợp nghệ thuật trong trưng bày để minh họa cho những nội dung trưng bày còn thiếu hoặc không có hiện vật gốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày và các hoạt động chuyên môn khác; đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, trình diễn giới thiệu di sản văn hóa tại bảo tàng.
Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học, công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản văn hóa; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa để lưu trữ và khai thác, phát huy giá trị, nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan đối với việc kiểm tra, giám sát hoạt động hướng dẫn khách tham quan tại các khu di sản, tránh việc giới thiệu sai ý nghĩa, giá trị di sản.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Diễn ra trong hai ngày từ 3-6/10, Hội thảo - Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2018 là một diễn đàn chuyên môn mang tính khoa học và thực tiễn cao, cung cấp những kiến thức quý giá, thiết thực cho các đại biểu; đồng thời, sẽ là cơ hội để cán bộ trong Ngành Di sản văn hóa gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong thực tiễn công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc./.