Vừa qua, tại TP Buôn Ma Thuột, Sở VH-TT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 1.2.2008 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp gói thầu số 01: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Vừa qua, tại TP Buôn Ma Thuột, Sở VH-TT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 327/QĐ-UBND ngày 1.2.2008 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp gói thầu số 01: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Chủ trương đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã được đưa vào Chương trình 168 của Chính phủ từ năm 2001. Để chuẩn bị cho lễ khởi công xây dựng công trình này, hai năm qua, Sở VH-TT Đắk Lắk đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình bảo tàng tỉnh, tổng cộng có 17 phương án kiến trúc của các đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia.
Sau khi tuyển chọn và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, giới chuyên môn trong ngành văn hóa - nghệ thuật và một số chuyên gia của các Bảo tàng Pháp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chính thức phê duyệt Phương án kiến trúc do Công ty Kiến trúc HAAI thuộc Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội thực hiện.
Công trình Bảo tàng Đắk Lắk sẽ được xây dựng với quy mô nhà cấp II, có 3 tầng, với tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng, diện tích xây dựng: 4.364m2, diện tích sàn: 9260 m2 , ngoài ra còn có các công trình phụ trợ, trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật (có sân đường nội bộ, cây xanh, thảm cỏ, khu trưng bày ngoài trời). Công trình do Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân dự kiến xây dựng trong 2 năm.
Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang là 1 trong 5 Bảo tàng của cả nước có tên trong Dự án phát huy các giá trị di sản Bảo tàng Việt Nam - một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Công trình được xây dựng trong một không gian đẹp, rộng rãi của khu vực trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, với đủ tính năng cần thiết của một bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Đắk Lắk sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, sẽ là một công trình kiến trúc hiện đại đầy ấn tượng, một công trình văn hóa bền vững, thực sự có giá trị, tiêu biểu và tương xứng với những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống của Đắk Lắk và của cả vùng Tây Nguyên.
Theo ĐL