Bà Lê Minh Lý - Cục phó Cục di sản (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đánh giá cao sự nghiêm túc, công phu của tập thể cán bộ chuyên môn Bảo tàng Hà Nội khi nghiên cứu thực hiện bản đề cương này dưới sự chỉ đạo sát sao, đúng hướng của lãnh đạo Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa- Thông tin. Kết quả và giá trị quan trọng nhất thu được từ bản đề cương này là sự bám sát đề cương tổng quát đã được TP phê duyệt, mạnh dạn đưa ra cách sắp xếp mới để bảo đảm đáp ứng nội dung cần trưng bày, đồng thời tránh được sự trùng lặp. Các hiện vật cụ thể đã được đưa vào những chủ đề trưng bày trên cơ sở những cái đã có trong kho bảo tàng và nằm trong khả năng sưu tầm của Bảo tàng Hà Nội. Tuy nhiên, bản đề cương này mới chỉ đặt ra giải quyết những chủ đề lớn, chưa tạo được một hệ thống đầy đủ các nhóm nội dung, các phần nội dung cần nhấn mạnh một cách thật chi tiết và sống động. Đề cương vẫn chủ yếu chỉ dừng ở mức thống kê nhiều hơn là sự thể hiện ý tưởng trưng bày một cách hấp dẫn trong toàn bộ hệ thống trưng bày. Vì vậy, nếu cứ bày nguyên như thế, có lẽ Bảo tàng sẽ mang tính triển lãm nhiều hơn. Đây là một hạn chế tất yếu của đội ngũ cán bộ chuyên môn Bảo tàng Hà Nội đang rất cần sự giúp đỡ, hợp tác của các nhà khoa học về bố cục và ý tưởng trưng bày để có thể xây dựng được một bảo tàng hiện đại, hấp dẫn, nhất là công chúng hiện nay rất khó tính và đòi hỏi cao trong việc hưởng thụ bảo tàng GS. Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng dân tộc học Việt Nam bày tỏ sự vui mừng vì Bảo tàng Hà Nội đã có khá nhiều hiện vật thể hiện trong bản đề cương. Ông cũng cho rằng, thật khó mà có ngay được một bản đề cương hoàn thiện, điều đó còn cần được tiếp tục đầu tư với sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn. Theo GS, không nên tập trung quá nhiều hiện vật trong các sưu tập, mà nên đưa về những giai đọan lịch sử - nơi chúng đã sinh ra, để đạt được hiệu quả trưng bày là nhóm được các chủ đề nội dung cùng với hiện vật, như một câu chuyện kể về thời kỳ lịch sử ấy. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc xem có nên sử dụng các hiện vật phục chế nữa hay không, hoặc phải ở một tỉ lệ hạn chế nào đó, vì người xem ngày nay thường muốn được tìm hiểu, chiêm ngưỡng đồ thật, đồ xịn, chứ mấy ai mất thì giờ đi xem đồ nhái GS Phạm Mai Hùng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng VN có nhận xét rằng, nhìn tổng thể thì đây có vẻ như một bảo tàng cổ vật, vì chủ yếu là hiện vật khảo cổ học và các cổ vật. Nhiều phần nội dung còn thiếu hiện vật, hoặc có chỗ dày quá, chỗ lại mỏng quá. Nên sử dụng các tổ hợp, ma-nơ-canh trưng bày thay cho việc thiếu hiện vật, đồng thời đây cũng là phương pháp làm cho trưng bày hấp dẫn hơn. Ví dụ, tạo không gian phố cổ Hà Nội với ma-nơ-canh người bán hàng rong, bán phở gánh thời xưa trên đường phố Hà Nội…Giáo sư đánh giá bản đề cương đã bước đầu hình dung được nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội. Từ đây, có thể đưa và xem xét xây dựng với tinh thần không cầu toàn, mà cần được tiếp tục bổ sung, chỉnh lý sau này. Ông cho rằng, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng chỉ cần trưng bày được một số chuyên đề là có thể chấp nhận được Hiện tại, thời gian tiến độ xây dựng bảo tàng đã rất gấp, vì vậy các nhà khoa học trong Hội đồng tư vấn đã nhất trí tiếp tục giúp đỡ để đẩy nhanh công việc nghiên cứu nội dung trưng bày một cách có chất lượng, sớm hoàn thành bản Đề cương chi tiết nội dung trưng bày Bảo tàng Thăng Long - Hà Nội và trình UBND TP phê duyệt, để công trình văn hóa trọng điểm này sớm được khởi công và hoàn thành đúng thời gian dự kiến. Doãn Chí Thành |