“Phương án bảo tồn vừa được đưa ra thảo luận vừa qua đã giải quyết được nhiều vấn đề như: không ùn tắc giao thông - vấn đề gay cấn nhất, không phải giải toả mặt bằng - một áp lực về vấn đề xã hội, vừa bảo tồn được khu di tích dưới lòng đất.”, ông Đặng Văn Bài- Cục trưởng Cục Di sản khẳng định.
“Phương án bảo tồn vừa được đưa ra thảo luận vừa qua đã giải quyết được nhiều vấn đề như: không ùn tắc giao thông - vấn đề gay cấn nhất, không phải giải toả mặt bằng - một áp lực về vấn đề xã hội, vừa bảo tồn được khu di tích dưới lòng đất.”, ông Đặng Văn Bài- Cục trưởng Cục Di sản khẳng định.
Khu vực đầu đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nơi phát hiện di tích Đàn Xã Tắc.
Sau hơn một năm tìm lời giải cho bài toán bảo tồn Đàn Xã Tắc, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã lựa chọn được phương án được cho là tối ưu. PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Bài- Cục trưởng Cục Di sản- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN xung quanh vấn đề này.
Phương án có nhiều ưu điểm
Trong số 4 phương án mà Chủ đầu tư đề xuất tại cuộc họp mới đây, UBND TP Hà Nội đã lựa chọn phương án (PA) 1 là giải pháp tối ưu nhất. Theo đó, diện tích bảo tồn là 1.000 m2. Nếu áp dụng PA này thì chúng ta không phải giải phóng mặt bằng thêm, vì thế kinh phí phát sinh không lớn, rõ ràng là ưu việt hơn so với PA 2A kinh phí phát sinh là 25 tỷ đồng và PA 3 kinh phí tăng thêm 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là có thể hoàn thành công việc bảo tồn di tích, đồng thời sớm khai thác hiệu quả con đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã bị đình trệ một năm qua.
Theo nguồn Tiền Phong, chủ đầu tư đề xuất, phần bảo tồn Đàn Xã Tắc sẽ nằm trùm lên dải phân cách giữa (3m) của đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa và một phần đường đã được thiết kế với tổng diện tích 1.000 m2 (18x55m). Diện tích này sẽ được trồng cỏ. Như vậy phần đường xe cơ giới sẽ bị xén 2 bên. Để đảm bảo đủ chiều rộng mặt đường, chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế bằng cách lấn chiều rộng đường sang hai bên: xoá dải phân cách giữa đường cơ giới và thô sơ, thu hẹp bề rộng vỉa hè 2 bên từ 7,5m xuống 3m. Như vậy, tuy phần vỉa hè cho người đi bộ có bị thu hẹp lại một chút nhưng con đường sẽ tránh được nút thắt, vẫn đảm bảo khẩu độ cho xe qua lại.
Phần hố khai quật bị con đường đi trên đó sẽ được các nhà khảo cổ và các chuyên gia đề xuất sẽ được thi công theo kiểu nắp đậy. Sau khi lấp cát các hố khai quật, nhà thầu sẽ thi công các tấm bê tông đậy phía trên trước khi thảm nhựa đường. Khi cần có thể mở các tấm bê tông này mà không cần phải đào bới đường.
Ông Đặng Văn Bài- Cục trưởng Cục Di sản: “Đó là phương án tối ưu”
Việc xác định địa điểm Đàn Xã Tắc dựa vào kết luận của các nhà sử học, nhà khảo cổ học vì đó là chuyên môn sâu của họ. Ngay cả việc gìn giữ như thế nào, bảo tồn đến đâu, hay giá trị của khu di tích ra sao, Cục cũng phải lấy ý kiến của nhiều nhà khoa học.
Ông Đặng Văn Bài- Cục trưởng Cục Di sản
Quan điểm của Cục Di sản là: Cần căn cứ vào các điều kiện cụ thể để xử lý các trường hợp, phải gắn hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, đó cũng là điều khó khăn nhất. Địa điểm phát hiện là khu nội đô, nội thành, ngay nút giao thông hơn thế nữa hoàn cảnh phát hiện ra khu di tích lại đúng vào thời điểm người ta đã quy hoạch vành đai giao thông rồi, nếu trường hợp người ta phát hiện ra di tích trước rồi mới đặt ra vấn đề bảo tồn và quy hoạch giao thông lại là chuyện khác.
Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được vì phương án bảo tồn vừa được đưa ra thảo luận vừa qua đã giải quyết được nhiều vấn đề như: không ùn tắc giao thông-vấn đề gay cấn nhất, không phải giải toả mặt bằng, một áp lực về vấn đề xã hội, vừa bảo tồn được khu di tích dưới lòng đất.
Trên thực tế: nhiều di tích của ta có từ hàng nghìn năm nay nên đã không còn nguyên vẹn do vậy chúng ta phải chấp nhận phương án thông qua việc xây dựng các điểm nhớ, các cột mốc văn hoá trên di tích vừa được khai quật mà thôi.
Vừa qua đã có 3 phương án được đưa ra, trong đó có 1 phương án khả thi khi đưa ra việc chấp nhận lấp cát để các thế hệ sau khai thác. Phương án này lại có 2 cách để các nhà giao thông lựa chọn: một phần lấp cát rồi trồng thảm cỏ chừng 100 m2; một phần dùng nắp đậy để làm đường qua mà không ảnh hưởng đến phần di tích dưới lòng đất để vài năm nữa nếu chúng ta mở rộng nút giao thông thì dễ dàng mở nắp đậy là có thể tiến hành. Tôi cho đó là phương án tối ưu.
Hiện chúng tôi đang chờ đợi quyết định cuối cùng của HĐND, UBND TP Hà Nội về việc lựa chọn phương án bảo tồn, sau đó sẽ gửi lên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét và trình Chính phủ phê duyệt.
GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN: “Một phần Đàn Xã Tắc được phát lộ cũng đáng trân trọng”
Hiện vẫn có nhiều ý kiến tranh luận trong giới học thuật rằng đó không phải là trung tâm, thậm chí không phải là Đàn xã tắc. Nhưng tôi với tư cách là nhà sử học, xin cam đoan đó chính là một phần của Đàn Xã Tắc. Tôi xin chịu trách nhiệm trước lịch sử và người dân về ý kiến của mình.
Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Chúng ta không có điều kiện để mở rộng việc khảo sát, tìm kiếm ra rộng hơn nên khó khẳng định được đâu là trung tâm của Đàn Xã Tắc. Một phần Đàn Xã Tắc được phát lộ cũng đáng trân trọng giữ gìn.
Việc tìm ra phương án tối ưu để gìn giữ và bảo tồn di tích này rất khó. Hiện nay phương án mà nhà thầu đã đề nghị UBND Thành phố và được phê duyệt thực tế có nhiều ưu điểm hơn cả nhưng tôi vẫn rất băn khoăn. Sẽ tốn kém rất nhiều chi phí nếu chúng ta phải giải phóng mặt bằng, mở đường rộng thêm ra… nên chỉ thực hiện đậy nắp bê tông lại. Nhưng việc xe cộ ngày đêm đi lên trên khu di tích như thế thì việc ảnh hưởng đến hiện trạng khu di tích là điều không tránh khỏi.
(Theo TQ)