Sự xuất hiện của các chuyên gia nước ngoài tại Quảng Nam để hỗ trợ, nghiên cứu trùng tu, tôn tạo di tích Chăm đã góp phần làm phong phú hơn phương pháp và thúc đẩy tiến độ các dự án. Nhưng ngần ấy xem ra vẫn chưa thỏa mãn giới chuyên môn.
Sự xuất hiện của các chuyên gia nước ngoài tại Quảng Nam để hỗ trợ, nghiên cứu trùng tu, tôn tạo di tích Chăm đã góp phần làm phong phú hơn phương pháp và thúc đẩy tiến độ các dự án. Nhưng ngần ấy xem ra vẫn chưa thỏa mãn giới chuyên môn.
Tham khảo kinh nghiệm để quản lý, trùng tu di tích Chăm
ở Quảng Nam là rất cần thiết để “tránh sai lầm"
Các cán bộ làm công tác bảo tồn di tích xứ Quảng vừa đi dọc các tỉnh miền Trung, nhất là những nơi có di tích Chăm do cố kiến trúc sư Kazik thực hiện, cũng không ngoài mục tiêu ấy: tích lũy kinh nghiệm và giải pháp trùng tu...
“Hành trình tham khảo”
Chuyện cố kiến trúc sư Ba Lan, Kazimierz Kawiatkowsky - vẫn quen gọi với tên là Kazik - đảm nhận công tác trùng tu di tích Chăm tại Mỹ Sơn không còn xa lạ gì. Năm 1980, Kazik đến Việt Nam tham gia chương trình hợp tác Việt Nam - Ba Lan về bảo tồn các di sản văn hóa. Cũng từ đó, dọc các tỉnh phía Nam từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Khánh Hòa, Ninh Thuận... đều có những di tích Chăm được trùng tu, tôn tạo. Riêng Kazik từng thực hiện một số công trình như tháp Bônaga (Khánh Hòa), tháp Hưng Thạnh (hay còn gọi Tháp Đôi, Qui Nhơn - Bình Định), tháp Dương Long (Bình Định, chủ yếu gia cố), tháp Phố Hài (Bình Thuận)... Hiện tại, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đang tiếp tục trùng tu tháp Hòa Lai (Ninh Thuận), Dương Long (Bình Định); Viện Thiết kế - tu bổ di tích đang trùng tu tháp Bánh Ít (Bình Định)... Những “di sản” mà Kazik để lại ở các tháp Chăm (kể cả tại Mỹ Sơn) cùng với các công trình do nhóm các chuyên gia khác thực hiện đã bổ khuyết rất nhiều cho nhóm cán bộ bảo tồn Quảng Nam về giải pháp, chất liệu sử dụng, kể cả những... sai lầm, thất bại.
Đi dọc các tháp Chăm miền Trung và đến tận Tây Ninh, chỉ riêng chất kết dính trong kiến trúc Chăm thôi đã nhận thấy có đến 3 cách khác nhau, với những ưu khuyết điểm riêng, tùy vùng miền. Và trên thực tế, việc giải mã “chất kết dính” của người Chăm vẫn đang là ẩn số đối với các nhà nghiên cứu. Tại tháp Bình Thạnh (Tây Ninh, trùng tu năm 2002), các chuyên gia đã sử dụng cây ô dước có chất nhờn, ngâm nước, sau đó quét lên mặt gạch đã mài nhẵn. Ở tháp Dương Long (Bình Định) đang trùng tu thì lại sử dụng chất kết dính khác: lấy vỏ cây bời lời ngâm, gạch cũng ngâm xong rồi mài nhẵn, sau đó mới dán khít vào nhau (phía bên trong tháp thì dùng chất nhờn cây bời lời trộn với ụ mối làm thành thứ “hồ” khá đặc biệt). Trong khi đó, các chuyên gia Italia lại áp dụng chất kết dính thứ ba, đó là dùng dầu rái; mặt bên trong tháp thì dùng vôi hàu nung rồi trộn bột gạch để làm vữa.
Tháp đôi ở Qui Nhơn, công trình từng được
kiến trúc sư Kazik tham gia trùng tu.
Thật trùng hợp khi ở vùng thượng nguồn Thu Bồn (Quảng Nam), cây dầu rái có nhiều, và hiện tại nhiều tháp Chăm ở Mỹ Sơn được chuyên gia Italia dùng dầu rái để kết dính. Nhưng “tính năng” của 3 loại chất kết dính này thật khác nhau: dầu rái phải sử dụng trong điều kiện khô ráo vì không tan trong nước; bời lời và ô dước thì ngược lại, gạch phải ướt. Điều này có nghĩa, việc trùng tu, gia cố tháp Chăm có sử dụng bời lời, ô dước thì tiến hành bất kể thời gian nào trong năm. Trong khi đó, tại các dự án trùng tu ở khu di tích Chăm Mỹ Sơn, nơi đang sử dụng dầu rái, hễ đến mùa mưa thì... nghỉ.
Nhưng điều mà nhóm cán bộ bảo tồn Quảng Nam (có cả cán bộ làm công tác thẩm định dự án của Sở Kế hoạch-đầu tư) muốn “tham khảo” nhiều nhất chính là vấn đề vẫn đang gây tranh cãi của giới nghiên cứu: giải pháp trùng tu. Đã từng tiếp cận Tháp Đôi (Qui Nhơn - Bình Định) năm 2005 khi cùng các chuyên gia Italia đi nghiên cứu, lần này họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, cán bộ phòng nghiệp vụ Trung tâm Bảo tồn di sản-di tích Quảng Nam vẫn cho rằng giải pháp mà kiến trúc sư Kazik chọn khi trùng tu tháp này ngày càng thấy hợp lý. Đó là cách “tôn trọng tính chân xác của di tích” theo cách nói của giới chuyên môn, nghĩa là với những phần mất đi của di tích sẽ chỉ làm hình khối, không hề chạm trổ “ăn theo”, không phục chế. Tại một vài tháp ở Mỹ Sơn và Chiên Đàn, trước đây kiến trúc sư Kazik từng sử dụng xi măng để gia cố (không phải phục dựng) đã vấp phải sự phản ứng của dư luận; tuy nhiên theo ông Nguyễn Thượng Hỷ điều này hợp lý trong thời điểm gia cố, gia cường, cứu vãn tháp Mỹ Sơn. Giá trị của những phần tháp hay kiến trúc, hoa văn... vẫn nguyên vẹn, không bị “can thiệp” bởi quá trình phục chế vội vàng.
Để không... lặp lại sai lầm
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản-di tích Quảng Nam, Trần Ánh, cho rằng một trong những kết quả thu lượm được của “hành trình tham khảo” vừa qua chính là rút tỉa được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, trùng tu ở những di tích Chăm phía nam, “để không phải... lặp lại sai lầm”. Mà điều này lại đang hết sức cần thiết đối với Quảng Nam, bởi các dự án tu bổ khẩn cấp các tháp Chăm ở Di sản văn hóa thế giới - Mỹ Sơn thời gian qua khiến giới chuyên môn tốn nhiều thời gian tranh luận, và nhất là khi nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (Núi Thành) chuẩn bị trùng tu sau một thời gian chuẩn bị. Còn nhớ, tại các cuộc tranh luận liên quan đến nguy cơ đổ sập tháp F1 Mỹ Sơn, Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện khảo cổ học) từng đặt vấn đề rất quyết liệt về giải pháp trùng tu. Theo Tiến sĩ Phụng, Hiến chương về trùng tu các di tích do UNESCO công bố đã khẳng định rằng “yếu tố nguyên gốc phải được tôn trọng hàng đầu”.
Tại một số di tích Chăm phía nam, có tình trạng
trùng tu “giả cổ” đã tạo sự tương phản cũ - mới.
Ông Trần Ánh cũng nhắc lại chi tiết tại tháp Hòa Lai (Ninh Thuận) - công trình xây dựng từ thế kỷ thứ VIII - liên quan đến việc hình thức “giả cổ” đang bị giới nghiên cứu, trùng tu không tán đồng. Càng đáng tiếc hơn khi những cảnh báo tương tự đã được đưa ra từ sớm... Trên thực tế, những tư liệu liên quan đến chất kết dính được sử dụng trong xây dựng tháp Chăm (nhớt cây có thể tan trong nước như nhớt ô dước, bời lời), kỹ thuật mài dán gạch hay nghệ thuật, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng suốt hơn một thế kỷ qua đã được công bố rộng rãi, và theo đánh giá của Viện Khoa học công nghệ xây dựng “là một bước tiến đặc biệt quan trọng trong quá trình nghiên cứu các tháp Chăm”. Tuy nhiên, việc xác định được kỹ thuật xây dựng tháp Chăm, công nghệ chế tạo vật liệu, công nghệ xây dựng và điêu khắc cũng sẽ giúp cho việc trùng tu được chân xác, đưa ra những phương tiện và phương pháp để bảo tồn trùng tu được tối đa các giá trị của di tích. Chính vì thế, việc tích cực tham khảo để đối chiếu, lựa chọn giải pháp áp dụng ở mỗi địa phương cũng là một cách ứng xử hợp lý trước di sản, bởi những sai lầm hôm nay dù chỉ “một ly” sẽ dễ dẫn tới sự khác biệt lên đến “một dặm” đối với thế hệ tương lai.
Gạch Quảng ở tháp Chăm Điều khá thú vị, ở một số công trình trùng tu tháp Chăm các tỉnh phía Nam đã thấy xuất hiện nghệ nhân Quảng Nam được “đặt hàng” sản xuất gạch. Tại tháp Dương Long (Bình Định) đang trùng tu, nghệ nhân Lê Đức Hạ quen thuộc với sản phẩm “gốm Hạ” ở Điện Bàn chính là nhà sản xuất, cung ứng gạch. Chính Viện Khoa học-công nghệ xây dựng đã đặt hàng và cung cấp công thức, tiêu chuẩn sản xuất gạch cho Lê Đức Hạ thực hiện, cho dù theo quan sát thì gạch này vẫn chưa có “lõi đen” như những viên gạch Chăm khác. Vậy là tiếp sau những viên gạch Chăm “tiêu chuẩn” Italia mà Xí nghiệp gốm sứ La Tháp (Duy Xuyên) từng thực hiện theo đơn đặt hàng của chuyên gia Italia để trùng tu tháp tại Mỹ Sơn, đến lượt nghệ nhân xứ Quảng “góp” vật liệu, một trong những phần việc khó khăn nhất khi trùng tu, tôn tạo các di tích Chăm. |
(Theo BQN)