Các cụ cao niên ở thôn Hải Minh (phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn) vẫn thường nhắc đến một lũy đá cổ, bao quanh đỉnh núi Tam Tòa (người dân địa phương quen gọi là núi Đá Đen). Theo nhận định bước đầu của các nhà nghiên cứu, đây là một lũy cổ, có lẽ được xây từ thời Nguyễn...
Các cụ cao niên ở thôn Hải Minh (phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn) vẫn thường nhắc đến một lũy đá cổ, bao quanh đỉnh núi Tam Tòa (người dân địa phương quen gọi là núi Đá Đen). Theo nhận định bước đầu của các nhà nghiên cứu, đây là một lũy cổ, có lẽ được xây từ thời Nguyễn...
* Dấu xưa còn lại
Từ cửa Hàm Tử (TP. Quy Nhơn), sau 20 phút lênh đênh trên đò, chúng tôi đã đặt chân đến Hải Minh. Hỏi đường lên núi, nhiều người dân địa phương tỏ ra ngạc nhiên. “Lên đó làm gì. Đường khó đi, rất nguy hiểm, nhất là sau mấy ngày trời mưa lớn” - bà chủ quán tạp hóa cảnh báo. Không tìm được người dẫn đường, chúng tôi quyết định cứ nhằm hướng đỉnh núi mà tiến. Len lỏi theo một con đường mòn nhỏ xíu, có lúc, tưởng chừng đã mất hút giữa những lớp đá xếp chồng lên nhau hoặc những lùm cây rậm rạp… Loay hoay gần cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới lên tới lũy đá.
Lũy là một bờ đá chạy men theo mỏm núi.
Đập vào mắt chúng tôi, một lũy đá dài, bọc theo mỏm núi. Lũy cao từ 0,6m đến 1m tùy đoạn, được tạo nên bằng cách xếp chồng một cách khéo léo những viên đá núi, kích cỡ tương đương nhau. Nhiều chỗ, tường lũy còn tương đối nguyên vẹn. Ở những chỗ thấp, cây cối đã phủ kín lũy. Chúng tôi thử lần theo bức lũy, hy vọng tìm ra chỗ đầu và điểm kết thúc, nhưng rồi đành bỏ cuộc, vì đường đi khá hiểm trở. Theo người dân địa phương, bức lũy xuất phát từ gần Tượng đài Trần Hưng Đạo và trải dài qua toàn bộ phần đỉnh của ngọn núi Đá Đen. Mặt trên của lũy khá bằng phẳng, rộng chừng 0,5m. Đứng ở đây, mắt chúng tôi bao quát được Bãi Nhạn, cửa Thị Nại và phần phía Đông của TP. Quy Nhơn.
* Được xây từ thời Nguyễn?
Trao đổi với một nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, chúng tôi được biết, đây là dạng pháo đài Hổ Ky, có lũy bao xung quanh để bảo vệ mặt biển. Điểm đặc biệt ở dạng lũy cổ này là tất cả tường lũy đều được xây trên đỉnh núi. Để làm được điều này, hẳn người xưa phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức. Qua đó, có thể thấy rằng, bức lũy đá này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng cửa biển Thị Nại xưa.
Một góc Hải Minh (phường Hải Cảng - Quy Nhơn).
Suy luận trên xem ra cũng phù hợp với những biên chép trong lịch sử, rằng núi Tam Tòa từng được nhiều triều đại xưa chú trọng, vì có vị trí phòng thủ chiến lược. Núi Tam Tòa cùng với Bãi Nhạn (hiện là bãi cá khu I, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn) được ví như cánh cửa vào đầm Thị Nại. Kiểm soát được vị trí này, là khống chế được con đường thủy tiến vào đầm. Cuối thế kỷ XVIII, quân Tây Sơn đã thiết lập đồn bảo, đặt đại bác ở Bãi Nhạn và núi Tam Tòa, khống chế thành Bình Định.
Sang thế kỷ XIX, nhận thức rõ vị trí chiến lược của vị thế này, nhà Nguyễn đã củng cố lại hệ thống phòng thủ ở đây, xây pháo đài, đắp lũy, dựng kho tàng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” khảo tả: “Về phía đông cửa biển, có pháo đài Hổ Ky, chu vi 27 trượng, mở một cửa, có một kỳ đài và 12 lỗ súng, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 7, đến năm Tự Đức thứ 18 sửa lại. Lại ở mặt sau pháo đài Hổ Ky đắp lũy trên gò Vũng Tàu dài 3 trượng, 4 lỗ súng; lũy trên gò Kình Để, dài 3 trượng, có 5 lỗ súng; phía trong bảo có nhà kho bằng ngói, chứa 3 vạn hộc lúa để phòng chở đi nơi khác, kho này dựng từ năm Minh Mệnh thứ 17”.
Theo TS. Đinh Bá Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, nhiều khả năng lũy đá trên đỉnh Tam Tòa được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Tuy nhiên, để chứng minh điều này, cần có những nghiên cứu sâu hơn, vì cũng không loại trừ khả năng, nhà Nguyễn đã sử dụng lại công trình quân sự của các thời trước.
* Sớm bảo tồn và xếp hạng
Dạng lũy đá trấn giữ cửa biển chỉ có thể tìm thấy dọc bờ biển miền Trung và từ trước đến nay, ít được phát hiện. Theo TS. Đinh Bá Hòa, thời gian tới, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định sẽ phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP. Quy Nhơn tiến hành khảo sát; sau đó, lập đề án bảo tồn và đề nghị xếp hạng lũy đá này trở thành Di tích Lịch sử - Văn hóa của tỉnh.
Ngoài lũy đá ở núi Tam Tòa, Bình Định còn có một trường lũy cũng bằng đá tại Hoài Nhơn. Những phát hiện trên đặt ra nhiều vấn đề cho công tác bảo tồn, phát huy. Bởi nếu được khai thác và sử dụng đúng, những lũy đá cổ này không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều trong lịch sử - văn hóa của một vùng đất, mà giá trị của chúng còn được phát huy nhằm phát triển du lịch.
Riêng với núi Tam Tòa, nơi đây không chỉ hiện hữu một di tích độc đáo của người xưa, mà khung cảnh thiên nhiên ở vùng này cũng thật thơ mộng, với những hang yến dưới chân núi. Du khách, sau khi khám phá các hang yến, có thể chinh phục đỉnh núi cao và ngồi lại bên dấu xưa, suy ngẫm về lẽ hưng vong của lịch sử.
Ngọc Tú