(HNMĐT) - Thủ đô Hà Nội được giới chuyên môn xác nhận và đánh giá là nơi tập trung đông nhất các nhà sưu tập đồ cổ tư nhân. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự hiện tồn một số lượng cổ vật khá lớn đang thuộc quyền sở hữu của các tay chơi sành sỏi loại sản phẩm văn hóa cao cấp này trên đất Hà Thành.
(HNMĐT) - Thủ đô Hà Nội được giới chuyên môn xác nhận và đánh giá là nơi tập trung đông nhất các nhà sưu tập đồ cổ tư nhân. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự hiện tồn một số lượng cổ vật khá lớn đang thuộc quyền sở hữu của các tay chơi sành sỏi loại sản phẩm văn hóa cao cấp này trên đất Hà Thành.
Nhưng vì sao cho đến giờ, Hà Nội vẫn có nổi một bảo tàng tư nhân và sự ra đời của các bảo tàng tư sẽ giúp ích gì cho bảo tàng công? Chúng ta thử tìm lời lý giải qua tâm sự của một số nhà sưu tập tư nhân tại một cuộc tọa đàm do Cục di sản - Bộ Văn hóa phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội tổ chức vừa qua.
Đáng chú ý là những ý kiến băn khoăn tại cuộc tọa đàm bổ ích này được ghi nhận từ chính các hội viên Hội cổ vật Thăng Long đã được sáng lập cách đây hơn 10 năm, có lẽ cũng là suy nghĩ đại diện cho không ít những đại gia tuy chưa gia nhập Hội, nhưng tiếng tăm cũng nổi như cồn trong làng chơi đồ cổ
Băn khoăn đầu tiên là vấn đề xuất xứ của cổ vật đang thuộc quyền sở hữu tư nhân. Về điểm này, đa số các nhà sưu tập không thể nhớ hoặc biết được nguồn gốc, do cổ vật họ có đã từng được chuyển giao từ rất nhiều nơi, qua nhiều thế hệ. Như thế, khó có thể giải trình đầy đủ với cơ quan quản lý về một trong những điều kiện để hiện vật của họ được đăng ký và tham gia vào việc mở bảo tàng tư nhân
Băn khoăn thứ hai mà các nhà sưu tập tư nhân nêu ra là không nên có cái nhìn nặng nề vào vấn đề mua bán cổ vật trong quá khứ cũng như hiện tại, trừ những bảo vật quốc gia bị buôn bán ra nước ngoài. Ông Mai Thời Trí - Hội viên Hội cổ vật Thăng Long nói: Tôi là người sống ở Hà Nội và chơi cổ vật hơn 25 năm rồi. Đừng nghĩ rằng cổ vật chỉ đem ra chơi mà không mua bán, vì không mua bán thì lấy đâu mà chơi. Người có tiền, đam mê di sản văn hóa thì chơi cổ vật, nhưng cũng có người do mưu sinh mà tiếp cận với món đồ. Họ là cầu nối đưa cổ vật đến tay người chơi. Tất nhiên, phải phân biệt với những kẻ buôn lậu, đưa cổ vật trái phép ra nước ngoài hoặc lấy trộm di sản văn hóa tại các đình, đền, chùa..cần được cơ quan quản lý Nhà nước xử lý nghiêm khắc. Còn thực chất, sự trao đổi mua bán từ tay người chơi này sang tay người chơi khác là sự luân chuyển, là sân chơi của các nhà sưu tập tư nhân. Vì thế, nên coi đây là sự giao lưu, một hình thức phổ biến và mở rộng sự hiểu biết về di sản văn hóa giữa những người chơi cổ vật. Ông Phan Đăng Long - Hội trưởng Hội cổ vật Thăng Long cũng cho rằng, phai đi từ thị trường cổ vật tư nhân, tạo một sân chơi công khai cho người dân, từ đó mới biết được tiềm năng cổ vật để có những biện pháp quản lý một cách hữu hiệu. Đây cũng chính là điều kiện để các nhà sưu tập tư nhân trao đổi mua bán, làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa mà mình sở hữu, tiến tới thành lập bảo tàng tư nhân với mục đích quảng bá rộng hơn, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức đa dạng của người dân
Về vấn đề dự kiến diện tích tối thiểu 500m2 cho một bảo tàng tư nhân theo quy định của ngành văn hóa, các nhà sưu tập có ý kiến rằng, không phải ai cũng có thể đáp ứng, vì nhiều người hiện nay sinh sống trong ngõ hẹp, nhà cửa chưa phải đã khang trang, mua đất xây bảo tàng ở chỗ khác thì không có điều kiện, trừ phi bán hết cổ vật đi để xây…nhà ở. Mặt khác, ngoài việc khuyến khích thành lập bảo tàng tư nhân, Nhà nước khi xây dựng bảo tàng công cũng nên dành một diện tích nhất định cho tư nhân để họ trưng bày theo hướng xã hội hóa, với điều kiện quyền sở hữu hiện vật của tư nhân vẫn được các cơ quan quản lý Nhà nước bảo hộ. Đồng thời, các bảo tàng của Nhà nước cũng cần đầu tư kinh phí để có thể mua hiện vật từ các nhà sưu tập tư nhân hoặc trên thị trường trôi nổi hiện nay, nhất là nhiều khi có những hiện vật không phải đắt so với sự cần thiết trong hệ thống trưng bày bảo tàng
Các nhà quản lý văn hóa có trách nhiệm tại cuộc tọa đàm này đã giải thích những thắc mắc của những nhà sưu tập tư nhân, ủng hộ việc đơn giản hóa, tránh những thủ tục hành chính rườm rà đối với công tác quản lý và đăng ký cổ vật phù hợp với pháp luật trên cơ sở những thông tư, quyết định để ban hành. Đồng thời kêu gọi các nhà sưu tập tư nhân tự nguyện tham gia việc đăng ký cổ vật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước cũng như cho hoạt động của chính các nhà sưu tập đối với việc tiến tới xây dựng bảo tàng tư nhân hoặc tham gia đưa hiện vật vào trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội sẽ được xây dựng xong trong thời gian sắp tới. Với tinh thần cởi mở, đa số các đại biểu dự họp bày tỏ thiện chí cùng ngành văn hóa tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại xem ra không phải khó khắc phục hiện nay. Nhà sưu tập Mai Hiên đã thể hiện sự an tâm, tin tưởng vào chủ trương đúng đắn của Nhà nước và ngành văn hóa Thủ đô bằng việc xin đăng ký ngay đợt đầu tiên khoảng 50 cổ vật trong số cổ vật mà bà đang sở hữu
Rõ ràng việc thành lập các bảo tàng tư nhân sẽ tạo điều kiện giúp ích đáng kể cho Bảo tàng Hà Nội đang chuẩn bị xây dựng, nhất là trên thực tế hiện nay, nội dung trưng bày của Bảo tàng này còn thiếu hiện vật hoặc không thể có những hiện vật độc đáo, quý hiếm đang nằm trong tay các nhà sưu tập tư nhân. Mặt khác, sự tồn tại của hệ thống bảo tàng tư nhân bên cạnh các bảo tàng công, mà trước hết là Bảo tàng Hà Nội, sẽ tạo ra yếu tố mới phong phú hơn về hình thức hoạt động do có sự giao lưu, trao đổi, phối hợp, trưng bày…giữa bảo tàng công và bảo tàng tư theo hướng xã hội hóa. Và như vậy có nghĩa là chúng ta càng có điều kiện để làm tốt hơn sứ mệnh của những người làm công tác bảo tồn bảo tàng: phổ biến được ngày càng nhiều, đa dạng và có chất lượng những di sản văn hóa quý giá được chắt chiu, tích tụ từ ngàn đời đến với mọi người dân
Doãn Chí Thành