Thời gian qua, các thợ lặn tìm sắt phế liệu ở cửa Thị Nại đã tìm thấy rất nhiều bình, tô, bát, đĩa, âu, cốc, chén… của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Việc này giúp khẳng định thêm về giả thuyết: vùng biển Bình Định từng nằm trong lộ trình và cũng là nơi dừng chân trao đổi mua bán của các thương thuyền xa xưa trên tuyến hải hành Bắc - Nam trong khu vực.
Thời gian qua, các thợ lặn tìm sắt phế liệu ở cửa Thị Nại đã tìm thấy rất nhiều bình, tô, bát, đĩa, âu, cốc, chén… của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Việc này giúp khẳng định thêm về giả thuyết: vùng biển Bình Định từng nằm trong lộ trình và cũng là nơi dừng chân trao đổi mua bán của các thương thuyền xa xưa trên tuyến hải hành Bắc - Nam trong khu vực.
* Những phát hiện tình cờ
Hằng ngày, ở cửa Thị Nại, có hàng chục thợ lặn tìm sắt phế liệu để bán. Những người này không hề có chút khái niệm nào về đồ cổ. Trước đây, hễ gặp những cái bình, tô, bát, đĩa… họ liền… vứt đi hoặc đem về làm lọ hoa, đựng đồ. Trong khoảng thời gian này, có một sự kiện khiến dư luận quan tâm. Đó là việc anh Nguyễn Bông (lô 51, đường 14, khu Bắc Hà Thanh) lặn tìm được một khẩu súng thần công. Hôm đó, khi đang dùng thanh sắt dài chọc xuống lớp bùn dưới đáy biển tìm sắt, anh Bông nghe một tiếng “cạch” khô khốc vang lên. Anh cúi xuống đục thử, không ngờ là một khẩu súng cổ. Các chuyên gia của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định nhận định đây là súng do Bồ Đào Nha sản xuất, có thể được nghĩa quân Tây Sơn sử dụng trong các trận quyết chiến với nhà Nguyễn trên cửa Thị Nại. Hiện khẩu súng đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.
Sau sự kiện trên, những người thợ lặn tìm sắt đã ý thức hơn về cổ vật. Vì vậy, thi thoảng, lặn được chiếc bình sứ to hay bát lớn, hoa văn đẹp, họ đem về nhà trang trí. Sau đó, một số người đã đến hỏi mua và trả giá khá cao cho những đồ vật này. Từ đó, ngoài việc lặn sắt phế liệu, họ còn chú tâm tìm những cổ vật gốm sứ dưới nước, với hy vọng sẽ có người mua.
* “Kho báu” dưới đáy biển?
|
Lặn tìm cổ vật. |
Ngoài cửa Thị Nại, cửa Hà Ra (Phù Mỹ) gần đây cũng có thông tin về tàu đắm có chứa cổ vật. Một số cổ vật ở vùng biển này đã được một số người dân vớt lên. Điều này cho thấy, vùng biển Bình Định vẫn chứa trong lòng nó không ít cổ vật.
Thông thường, khi xác định được vị trí có cổ vật, thợ lặn dùng tay thọc xuống dưới lớp bùn, rồi nhẹ nhàng nâng đáy cổ vật lên. Với những đồ to, cồng kềnh, họ móc hết lớp bùn bên trong, rồi mới đem lên bờ. Những thợ lặn lão luyện còn có cách dùng ống thở bỏ vào trong đồ vật, để tự đồ vật sẽ được đẩy lên mặt nước.
Khó lấy nhất, theo thợ lặn Nguyễn Văn Lanh (đường số 10, khu Bắc Hà Thanh) là những cổ vật đất nung. Do đã nằm lâu dưới nước, nên những đồ vật này đã rất mềm. Do vậy, chỉ cần mạnh tay, chúng sẽ bị nứt bể hoặc vỡ đôi. Do vậy, mọi thao tác phải hết sức cẩn thận.
Hầu như không một thợ lặn nào biết rõ giá trị thật của những cổ vật họ tìm được và bán đi. Hễ có ai hỏi mua, thấy được giá là họ bán. Khách hàng chủ yếu là những người mua bán và chơi đồ cổ trong tỉnh. Hỏi vì sao không bán cho Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, một số thợ lặn cho biết: giá mua ở ngoài cao hơn và lấy được tiền liền. Số khác tỏ ra rất e dè, vì sợ bị tịch thu.
* Giữ đồ xưa cho người nay
Cổ vật tìm thấy trên đầm Thị Nại tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Đinh Bá Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, cho biết: những cổ vật nằm dưới vùng biển Bình Định rất phong phú và đa dạng. Việc thu thập và lưu lại các cổ vật này, để làm vật chứng khẳng định về sự tồn tại của những thương cảng sầm uất và lộ trình của “con đường tơ lụa trên biển” qua Bình Định, là cần thiết. Thời gian qua, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã mua lại một số cổ vật của các thợ lặn, nhưng đa số chúng ít có giá trị.
Nên chăng, các cấp, các ngành liên quan cần có những biện pháp tuyên truyền đến người dân hiểu về giá trị lịch sử và văn hóa của những cổ vật, những quy định liên quan đến việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa. Đồng thời, có hình thức khen thưởng hợp lý hơn, nhằm khuyến khích người dân giao những cổ vật có giá trị cho Bảo tàng.
Ngọc Tú