Những hiện vật trống đồng Đông Sơn của nhà sưu tập Nguyễn Văn Thông (Thanh Hoá). (LĐ) - Trong khuôn khổ của Festival làng nghề truyền thống Huế 2007, từ ngày 8.6, tại không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề ở sân trường Hai Bà Trưng, lần đầu tiên sẽ diễn ra cuộc hội ngộ của hàng trăm cổ vật bằng chất liệu đồng, gỗ, vàng bạc, trong đó có nhiều hiện vật thuộc loại bảo vật quốc gia, của 20 nhà sưu tập cổ vật đến từ Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình, TP.Hồ Chí Minh.
Những hiện vật trống đồng Đông Sơn của nhà sưu tập Nguyễn Văn Thông (Thanh Hoá).
(LĐ) - Trong khuôn khổ của Festival làng nghề truyền thống Huế 2007, từ ngày 8.6, tại không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề ở sân trường Hai Bà Trưng, lần đầu tiên sẽ diễn ra cuộc hội ngộ của hàng trăm cổ vật bằng chất liệu đồng, gỗ, vàng bạc, trong đó có nhiều hiện vật thuộc loại bảo vật quốc gia, của 20 nhà sưu tập cổ vật đến từ Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình, TP.Hồ Chí Minh.
Nhà sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn ở TPHCM mang đến gần 60 hiện vật thuộc bộ sưu tập "trà cụ" phục vụ nghệ thuật thưởng trà theo truyền thống của người Huế và người Việt nói chung, gồm 4 bộ đồ trà dùng cho 4 mùa; các loại khay trà, kỷ trà bằng gỗ quý, cẩn xà cừ hoặc chạm khắc ngà voi; các loại ấm pha trà, hủ đựng trà, siêu nấu nước, lò đun nước...
Câu lạc bộ Cổ vật Nam Bộ của nhà sưu tập Tú Anh với trên 150 hiện vật gồm: Bộ đồ trang sức đồng Đông Sơn, Nguyễn, Chăm có niên đại thuộc thế kỷ 11-12; toà Cửu Long sơn thếp cuối Lê đầu Nguyễn. Các nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm, Nguyễn Anh Kiệt, Nguyễn Trọng Cơ, Nguyễn Thị Lê, Nguyễn Hữu Triết, Nguyễn Văn Quỳnh, Trần Anh Dũng, Nguyễn Văn Toản, Lý Thân, Phạm Long Phi, Ung Thanh Dũng, Nguyễn Bình Phương Khanh với hơn 30 cổ vật đời Nguyễn. Nhà sưu tập Trần Văn Hinh và Nguyễn Minh Thoa đến từ Ninh Bình với những cổ vật gỗ sơn thếp và pháp lam và bộ sưu tập chạm vàng độc đáo.
Thanh Hoá là địa phương góp cổ vật nhiều nhất trong cuộc hội ngộ lần này với gần 200 hiện vật. Trong đó, nhà sưu tập Hoàng Văn Thông và Bảo tàng cổ vật Hoàng Long với trên 100 hiện vật phần lớn của Đông Sơn. Đặc biệt có 5 trống đồng có niên đại heger 1 và 2.
Theo thông tin từ Ban tổ chức thì trong số những nhà sưu tập vừa kể, chỉ có Hoàng Văn Thông ở Thanh Hoá đã lập bảo tàng tư nhân. Những nhà sưu tập còn lại đã đưa cổ vật của mình đi trưng bày nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu họ tham gia trưng bày các cổ vật chuyên đề bằng chất liệu đồng, gỗ và vàng bạc trong một lễ hội. Ngoài mục đích vinh danh và tôn vinh tài năng tuyệt kỹ của những người thợ ngày xưa, những bộ sưu tập trong cuộc hội ngộ lần này có thể làm tiêu bản để các nghệ nhân và làng nghề hôm nay hướng đến việc sản xuất hàng lưu niệm cổ trang.
Hoàng Văn Minh