Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/11/2023 09:11 1592
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng 28/11/2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Di sản Văn hóa tổ chức chương trình Tọa đàm khoa học chủ đề: “Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống thông qua di sản ở bảo tàng, di tích”.

Điều hành tọa đàm có ông Phạm Định Phong – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia; TS. Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Tọa đàm còn có sự tham dự của TS. Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia; chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành; đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học; Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám; Bảo tàng Sơn La, Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Xô Viết – Nghệ Tĩnh (Nghệ An), Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Đắk Lắk..., đại diện phụ huynh và giáo viên một số trường học tại Hà Nội cùng các cơ quan báo chí….

 
Toàn cảnh Tọa đàm
Tọa đàm khoa học: “Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa ở Bảo tàng, di tích”, nhằm mục đích chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm hay, bài học quý về công tác giáo dục di sản đã và đang được thực hiện ở các bảo tàng, di tích trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, góp phần định hướng và hỗ trợ các bảo tàng, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển hoạt động giáo dục di sản phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tàng, di tích và thu hút công chúng.
 
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan trình bày báo cáo đề dẫn
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và làm rõ một số vấn đề chính như: Các quan điểm mới và cách tiếp cận, phương pháp giáo dục di sản; Thực tiễn, kết quả hoạt động giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích Việt Nam; Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích.
-  Về cách tiếp cận, phương pháp giáo dục thông qua di sản: các đại biểu cho rằng cần tiếp cận đa ngành trong hoạt động giáo dục di sản văn hóa, phát triển chương trình giáo dục có sự tham gia của chuyên gia từ nhiều lĩnh vực; Tích hợp nội dung kiến thức di sản với chương trình các môn học phổ thông; Kết hợp sử dụng đa giác quan trong nghiên cứu, xây dựng các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng… Đồng thời thiết lập quan hệ đối tác giữa bảo tàng và sinh viên các trường đại học. Bảo tàng trao cho sinh viên cơ hội học tập, trải nghiệm, thực hành, ngược lại sinh viên đóng góp và tạo ra những sản phẩm, những ý tưởng mới có thể tạo ra sự thay đổi cho hoạt động của bảo tàng. Đồng thời cần có sự đầu tư nghiên cứu bài bản hơn nữa trong cách tiếp cận, nội dung chuyên môn để xây dựng những chương trình có chất lượng, chiều sâu và đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp hơn.
 
Ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắc Lắc phát biểu tại Tọa đàm
- Về thực tiễn hoạt động giáo dục thông qua di sản tại bảo tàng, di tích Việt Nam: các tham luận đã cung cấp thông tin khá đa dạng về các hoạt động giáo dục truyền thống thông qua di sản văn hóa; hoạt động giáo dục, trải nghiệm dành cho các đối tượng công chúng khác nhau như: Sự đa dạng hóa các hoạt động, hình thức giáo dục trải nghiệm ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia để phù hợp với các nhóm công chúng; Sự sáng tạo của Bảo tàng Đắk Lắk trong việc kết hợp chương trình giáo dục di sản với hoạt động công tác xã hội dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; Bảo tàng Hải Dương với việc đưa hoạt động trải nghiệm nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của địa phương vào hoạt động giáo dục của bảo tàng... Sự chủ động của Bảo tàng Yên Bái trong việc kết hợp với trường Đại học, doanh nghiệp để số hóa hiện vật bảo tàng, làm cơ sở phát triển các chương trình giáo dục trải nghiệm. Sự gắn kết hiệu quả giữa việc phát triển hoạt động giáo dục với công tác truyền thông, marketing ở Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Đà Nẵng…
 
 
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành trình bày tham luận tại Tọa đàm
Bên cạnh đó, hầu hết các bảo tàng, di tích cũng nêu ra những khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; hạn chế, khó khăn về kinh phí cho hoạt động giáo dục cũng như số hóa, ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản… Một số bảo tàng chưa đầu tư, xây dựng các chương trình giáo dục trải nghiệm có chất lượng, chiều sâu, đáp ứng đa dạng đối tượng công chúng và chưa tổ chức được chương trình giáo dục một cách thường xuyên. 
 
 
Các đại biểu tham dự chương trình giáo dục Thanh âm Đồng cổ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Về kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích: các đại biểu đã đưa ra những giải pháp hữu ích, những kiến nghị, đề xuất rất cụ thể, thiết thực gắn với thực tiễn hoạt động như:
-  Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục di sản và truyền thông trong việc thu hút công chúng.
- Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục di sản.
- Đầu tư xây dựng những chương trình giáo dục trải nghiệm, chất lượng, có chiều sâu.
- Có chính sách, chiến lược phù hợp để huy động, thu hút kinh phí hỗ trợ, xã hội hóa hoạt động giáo dục, truyền thông bảo tàng di tích.
-Tăng cường sự hợp tác, phối kết hợp giữa các bảo tàng, di tích với nhau và giữa bảo tàng, di tích với trường học, doanh nghiệp, đơn vị du lịch, truyền thông…để xây dựng, phát triển, đưa các sản phẩm chương trình giáo dục trải nghiệm chất lượng đến đông đảo công chúng….
Chiều cùng ngày các đại biểu đã tham quan trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”; tham dự chương trình giáo dục di sản “Thanh âm Đồng cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và trao đổi, thảo luận về cách tiếp cận, cách thức xây dựng, tổ chức một chương trình cụ thể để các bảo tàng, di tích có được những trải nghiệm thực tế, học hỏi, rút kinh nghiệm và sáng tạo, thực hiện các chương trình giáo dục ở bảo tàng, di tích được hiệu quả hơn.
 
 
Học sinh tham dự chương trình giáo dục “Thanh âm Đồng cổ” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Ban Biên tập
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2949

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề: Âm vang Đông Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề: Âm vang Đông Sơn

  • 22/11/2023 18:27
  • 1287

Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2023) và hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2024). Sáng ngày 22/11/2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”.