Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2023) và hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2024). Sáng ngày 22/11/2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”.
Toàn cảnh Lễ khai mạc
Tham dự Lễ khai mạc có ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Việt Nam; Ngài Subhash Prasad Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam ; ông Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội; TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia; đại diện một số bảo tàng, di tích, viện nghiên cứu, cùng sự tham gia của các cơ quan báo chí, đài truyền hình trên địa bàn Hà Nội.
TS. Nguyễn Văn Đoàn phát biểu tại Lễ khai mạc
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề Âm vang Đông Sơn
Các đại biểu tham quan Trưng bày
Trưng bày chuyên đề Âm vang Đông Sơn, giới thiệu tới công chúng gần 90 hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn mới được Bảo tàng sưu tầm những năm gần đây. Với loại hình phong phú, độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao như: công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức… được làm từ nhiều chất liệu như đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá… với kỹ thuật vô cùng tinh xảo, phản ánh đời sống lao động, sản xuất cũng như quan niệm về thế giới và nhân sinh của cư dân Việt Cổ từ hơn 2000 năm trước, được thể hiện thông qua 3 chủ đề:
Chủ đề 1: Sưu tầm mới về văn hóa Đông Sơn
Chủ đề 2: Khuôn đúc trống Đông Sơn phát hiện từ lòng đất Luy Lâu
Chủ đề 3: Thực nghiệm đúc trống đồng
Đặc biệt tại trưng bày, Bảo tàng giới thiệu tới công chúng một số hiện vật tiêu biểu, đặc sắc được Bảo tàng sưu tầm, khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây, đặc biệt là phát hiện mới về khuôn đúc trống đồng tại Luy Lâu (Bắc Ninh), là minh chứng sâu sắc và sinh động nhất cho tính bản địa, nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn cũng như sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn trước những thăng trầm, biến đổi của lịch sử.
Các mảnh khuôn đúc trống đồng tìm được tại Luy Lâu và ảnh minh họa vị trí tương ứng
Trống đồng phục dựng trên cở sở nghiên cứu các mảnh khuôn đúc trống đã được khai quật tại Luy Lâu, Bắc Ninh
Trải nghiệm in họa tiêt hoa văn trên trống đồng
Phát biểu tại kễ khai mạc, TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với lịch sử hình thành, phát triển đã gắn liền với các phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn suốt hơn 100 năm qua. Mặc dù di chỉ khảo cổ học Đông Sơn được chính thức phát hiện năm 1924, nhưng trước đó từ năm 1903, nhiều di vật mà tiêu biểu nhất là Trống đồng Ngọc Lũ đã được đưa về kho của Bảo tàng Louis Finot (tiền thân của BTLSQG ngày nay), kể từ đó đến nay, sưu tập hiện vật về văn hóa Đông Sơn tại BTLSQG ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn và là bộ sưu tập đầy đủ nhất, đã có nhiều dịp trưng bày ở trong và ngoài nước…”
Nhân dịp này, Bảo tàng đã tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của nhà sưu tập, PGS.TS Nguyễn Thanh Nam trao tặng, gồm 51 hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó giám đốc BTLSQG tiếp nhận hiện vật do nhà sưu tập, PGS.TS Nguyễn Thanh Nam trao tặng
Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 22/11/2023 đến tháng 4/2024.
Ban Biên tập