Sáng 15/4/2023 tại BTLSQG số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm và Hội thảo khoa học với chủ đề: “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng”. Triễn lãm và Hội thảo do Ban Văn hóa Trung ương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức thực hiện.
Dự lễ khai mạc triển lãm có sự tham dự của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN); Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP Hà Nội; Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG; PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; ông Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích; PGS.TS Phạm Mai Hùng - Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Quân Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây Dựng; đông đảo các tăng ni, các chuyên gia và nhà khoa học, đại diện một số bảo tàng, di tích, cùng sự tham gia của các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình trung ương và Hà Nội.
Toàn cảnh lễ khai mạc triển lãm
Triển lãm giới thiệu gần 300 tư liệu, hình ảnh, trong đó chủ yếu là hình ảnh từ kết quả của 3 đợt khảo sát và tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích, Triển lãm tập trung giới thiệu 3 nội dung: một số hình ảnh hiện vật kiến trúc Phật giáo hiện lưu giữ tại BTLSQG; đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo Việt Nam: giới thiệu các hình ảnh, tư liệu bản vẽ (không gian cảnh quan, bố cục mặt bằng, các công năng chính…) kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái, vùng, miền; một số hình ảnh kiến trúc Phật giáo Việt Nam được xây dựng trong những năm gần đây: chùa ở đô thị; chùa được quy hoạch, xây dựng lại trên nền/vị trí chùa cũ; chùa xây dựng mới…
TS. Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc BTLSQG phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG cho biết: Triển lãm góp phần cung cấp tư liệu cho Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam-thống nhất trong đa dạng”. Đồng thời Triển lãm góp phần giúp tăng ni, phật tử và cộng đồng xã hội nhận diện bước đầu về những đặc trưng, nét đẹp, giá trị truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng như sự cần thiết định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Từ đó, mỗi người sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đại biểu tham dự triển lãm cắt băng khai mạc
Đại biểu và công chúng tham quan triển lãm
Sáng cùng ngày, Hội thảo “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng” được khai mạc. Hội thảo do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích và Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức.
Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng” lần này được tổ chức trên cơ sở kết quả 3 chuyến khảo sát các cơ sở tự viện và tọa đàm về kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở 3 miền Bắc - Trung - Nam mà Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các cơ quan phối hợp thực hiện.
Toàn cảnh Hội thảo “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng”
Hội thảo đã nhận được 70 báo cáo tham luận của chư tôn đức Hoà thượng, thượng toạ, đại đức, tăng ni, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước. Các bài tham luận từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau đã đề cập đến các chủ đề với nội dung phong phú, nhiều bài viết công phu, giá trị trong đó được sắp xếp thành các chủ đề như sau:
Chủ đề 1: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử: Ở chủ đề này các bài viết đã làm rõ lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ những giai đoạn đầu khi mới du nhập cho đến nay. Chỉ ra những nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo qua mỗi thời kỳ. Nhiều bài viết đã làm rõ đặc trưng kiến trúc của các hệ phái như Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam Tông Kinh, Khất sỹ,. Nhiều báo cáo đã đi sâu phân tích tính đa dạng của Phật giáo tại các khu vực, vùng miền trên cả nước. Không những thế, các bài viết đã góp phần chỉ ra giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trên nhiều phương diện như giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị nghệ thuật, , v.v..
Chủ đề 2: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay:Trong chủ đề này các bài viết tập trung trình bày thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam, làm rõ thực trạng kiến trúc trên các phương diện như quy hoạch, thiết kế, cấu trúc, chất liệu, trang trí hoa văn, hoạ tiết, mỹ thuật, bài trí tượng pháp..,đồng thời chỉ ra thực trạng kiến trúc của mỗi khu vực, vùng miền. Đặc biệt, nhiều bài viết đã chỉ ra những hạn chế, bất cập, những yếu tố phi truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay như thiếu quy hoạch tổng thể; trùng tu, xây dựng; các yếu tố/hạng mục trong tổng thể công trình không hài hoà, phá vỡ tổng thể; nhiều yếu tố hoa văn, hoạ tiết, trang trí không phù hợp xuất hiện trong các ngôi chùa; không gian cảnh quan bị thu hẹp, công tác bảo tồn, phát huy có rất nhiều sai sót, bất cập, v.v..
Th.s Nguyễn Thị Thu Hoan – Phó giám đốc BTLSQG trình bày tham luận tại Hội thảo
Chủ đề 3: Định hướng, giải pháp kiến trúc Phật giáo Việt Nam: Các bài viết trong chủ đề này tập trung phân tích việc bảo tồn, giữ gìn di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập cũng như định hướng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. Như cần phải xây dựng các nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chí …. hoặc tài liệu hướng dẫn đối với hoạt động xây dựng, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo. Cần phải xây dựng, thiết kế biểu tượng thống nhất của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp như thành lập các ban kiến trúc Phật giáo nhằm hướng dẫn, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình, có ý kiến cho rằng cần nâng cao nhận thức, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ tăng ni, những người tham gia xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo….
Triển lãm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - Thống nhất trong đa dạng” diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tin: Thu Nhuần
Ảnh: Thanh Tùng – Bắc Dũng