Ngày 14/12/2022, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) tổ chức Hội nghị Báo cáo Sơ bộ kết quả khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) lần thứ 7.
Tham
dự Hội nghị có TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG; TS. Nguyễn Văn Đáp - Phó
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Ban Quản
lý Di tích tỉnh Bắc Ninh; GS.Huang Xiaofen, GS.Kinoshita Yasuaki.PGS.Ege
Kazuhiro và Iked Taku - Trường Đại học Đông Á (Nhật Bản); lãnh đạo UBND xã
Thanh Khương, huyện Thuận Thành, cùng đông đảo cán bộ nghiên cứu của BTLSQG, Trường
Đại học KHXH&NV, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh…
Toàn cảnh Hội nghị
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG phát biểu tại Hội nghị
Đợt nghiên cứu lần thứ 7 được tiến hành từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2022 tại tường thành Ngoại phía tây. Vị trí chọn mở hố khai quật là tường thành Ngoại phía tây, nằm cách con đường liên thôn khoảng 10m, cách góc tây nam của thành khoảng 80m về phía bắc. Vị trí khai quật là nơi rộng nhất của đoạn tường thành phía tây, chiều ngang khoảng 23m, cao hơn xung quanh khoảng 1,2m.
Các đại biểu tham quan hiện trường khu vực khai quật khảo cổ
Mặt bằng hố thám sát và khai quật
Địa tầng, di tích và di vật
Hố khai quật được mở cắt ngang tường thành, có hướng đông - tây, rộng 2m, dài 17,5m ký hiệu là 22LL.T14 và hai hố thám sát mở vuông góc với hố T14, ký hiệu là T14.tp1 và T14.tp2. Căn cứ vào cấu trúc địa tầng, di vật và các di tích xuất lộ, diễn biến địa tầng từ sớm đến muộn như sau:
- Sinh thổ là đất sét màu vàng, cứng, xuất lộ ở độ sâu 3,5m
- Lớp 3: dày khoảng 1,2m, là lớp đất phù sa trong cứ chứa các dấu tích hoạt động cư trú như các vết tro than, mảnh gốm, gạch ngói, cột đất sét có đá tảng xếp xung quanh. Trong lớp này xuất lộ 2 kiến trúc: kiến trúc thứ nhất dạng rãnh bằng gạch được xây từ bề mặt xuống; kiến trúc thứ hai có dạng cuốn vòm, khối đặc xây trùm lên kiến trúc thứ nhất. Di vật tìm thấy trong lớp này có niên đại khoảng thế kỷ 1 - 4 sau CN.
- Lớp 2: dày từ 1,5 - 1,8m, là các lớp đất đắp tường thành có niên đại khoảng thế kỷ 5 - 6 sau CN (thời Lục Triều), tường được đắp từ bề mặt lớp cư trú, mặt trên rộng khoảng 6,5m, thoải chân về hai phía đông và tây, độ cao từ 1,5 - 1,8m. Đất sử dụng đắp thành chủ yếu là đất cư trú, trong đó chứa nhiều gạch ngói, mảnh đồ gốm sinh hoạt có niên đại khoảng thế kỷ 1 - 6 sau CN.
- Lớp 2a: dày từ 0,5 - 0,7m, lớp này chỉ xuất hiện ở 2 sườn tường thành ở phía đông và phía tây, xen kẽ giữa các lớp đất là các vỉa gạch ngói đầm lèn, dốc về chân thành, là dấu vết của việc đắp mở rộng mặt thành, có niên đại khoảng thế kỷ 7 - 9 (thời Tùy - Đường). Trong lớp này được gia cố và lèn gạch ngói có niên đại từ thế kỷ 1 đến 9. Đây là dấu vết đắp thành vào khoảng thế kỷ 7 - 9 (thời Tùy - Đường).
- Lớp 1: đất màu nâu nhạt, dày từ 0,3 - 1,1m, chứa các di vật có niên đại từ thế kỷ 1 đến đầu thế kỷ 20. Từ trên xuống 0,3m chứa nhiều vôi vữa và dấu tích có thể được đắp vào giai đoạn Lý - Trần, lớp đắp được phủ lên toàn bộ bề mặt thành của thời Lục triều đến Tùy - Đường. Địa tầng lớp này bị cắt phá bởi vết tích móng, gia cố chân cột của một kiến trúc thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20).
Địa tầng, di tích xuất lộ trong hố khai quật
Di tích
- Dấu vết sinh hoạt, cư trú gồm: các đống tro than, mảnh đồ gốm nằm lẫn trong lớp đất bồi phù sa. Ở phía đông trong hố đào thám sát địa tầng tìm thấy một cột đất sét có màu xám xuất lộ từ mặt bằng cư trú (lớp 3) sâu đến tận sinh thổ. Cột đất sét có tiết diện ngang hình bầu dục (50 x 40cm) cao khoảng 1m, dưới chân cột đất này có các tảng đá xếp xung quanh, có thể là nguyên liệu dùng để làm gạch ngói hoặc đồ gốm.
Di tích cột đất sét có các tảng đá xếp xung quanh
- Dấu tích kiến trúc thời Lục triều: Gồm hai kiến trúc xây trùm lên nhau và trùng hướng.
+ Kiến trúc thứ nhất: xuất lộ ở độ sâu 2,4m, xây sâu xuống lớp cư trú (lớp 3), cắt ngang hố khai quật, có xu hướng tiến về phía nam và phía bắc. Hai bên xây tường chạy song song, trong lòng lát một lớp gạch, tường phía đông cao 0,5m gồm 10 hàng gạch xây, tường phía tây cao 0,45m gồm 9 hàng gạch, giống như hành lang hoặc rãnh dẫn nước. Nhìn tổng thể, cấu trúc gần hình thang úp ngược, trên miệng rộng 0,9m, dưới đáy rộng 0,7m. Kiến trúc được xây dựng khá cẩn thận, tuy nhiên gạch xây dựng được tận dụng lại có kích cỡ dày mỏng khác nhau, niên đại từ thế kỷ 1 – 4 sau CN.
+ Kiến trúc thứ hai: Xuất lộ ở độ sâu 1,1 - 2,3m, xây trùm lên trên và có hướng phát triển như kiến trúc thứ nhất, xây bằng gạch, tạo khối đặc rất kiên cố. Mặt phía đông còn khá nguyên vẹn gồm 22 hàng xây, cao còn lại 1,2m, xây giật cấp từ dưới lên trên tạo tường cong gần giống cuốn vòm. Mặt phía tây có vị trí đã bị phá dỡ đến sát chân, có vị trí còn thấy 7 hàng gạch xây, cao 0,45m. Toàn bộ khối xây rộng khoảng 2,3m. Kiến trúc này tiếp tục có hướng tiến về phía nam, phía bắc theo dọc lòng tường thành. Gạch sử dụng xây tường có nhiều kích cỡ khác nhau, trang trí các loại hoa văn hình ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S... niên đại khoảng từ thế kỷ 1 – 4 sau CN.
Di tích kiến trúc thời Lục Triều xuất lộ trong hố khai quật
Để tìm hiểu về quy mô của kiến trúc này, đoàn nghiên cứu đã tiến hành mở 2 hố thám sát theo hướng tịnh tiến của kiến trúc về phía bắc. Tại hố T14.tp1 ở độ sâu 1,2 - 1,4m tiếp tục xuất lộ các hàng gạch xây có chiều dài đo được là 4,3m. Tại hố T14.tp2 mở cách hố tp1 3m, đào đến độ sâu 1,7m không thấy dấu tích của kiến trúc này ăn thông sang. Như vậy, tổng chiều dài của kiến trúc này xuất lộ trong các hố đào là 6,3m.
Dấu vết kiến trúc xuất lộ trong hố thám sát phía bắc
Hiện trạng cho thấy hai kiến trúc này được xây ở hai thời điểm khác nhau, kiến trúc thứ nhất được tiến hành xây trước, sử dụng một thời gian và bị vùi lấp. Sau đó, kiến trúc thứ hai được xây dựng lên trên, cùng hướng, tuy nhiên phần móng của kiến trúc thứ hai không trùng với tường phía tây của kiến trúc thứ nhất mà nằm lệch vào trong lòng của kiến trúc thứ nhất. Hướng của cả hai kiến trúc không trùng với hướng của tường thành mà phía bắc chếch vào trong thành nội, phía nam chếch ra phía ngoài.
- Dấu tích kiến trúc thời Tùy - Đường (thế kỷ 7 - 9):
+ Dấu vết móng kiến trúc: cắt ngang hố đào, phía nam đã bị phá dỡ, phía bắc tiếp tục ăn vào trong vách hố, dài 1,6m, rộng 0,43m, xây bằng gạch màu xám xanh, kích thước lớn, 1 cạnh bên có hoa văn xương cá, còn thấy 3 lớp gạch xây ngang, dọc đan xen.
+ Dấu vết lối đi và rãnh xuất lộ ở độ sâu 0,5 - 0,9m ở một phần ba hố ở phía tây, đầu phía đông có hướng tiến vào trong vách nam, đầu phía tây chéo về giữa hố khai quật, chiều dài còn lại 4,05m, rộng toàn bộ 0,65m, cấu trúc là 2 hàng gạch xây song song cách nhau khảng 0,2m, dốc từ đông sang tây. Quan sát cho thấy, có thể đây là biên của lối đi, bên cạnh là rãnh thoát nước. Vết tích này có thể là lối đi có liên quan đến kiến trúc nêu trên.
Phế tích lối đi và rãnh thoát nước thời Tùy Đường
- Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn: xuất lộ ở độ sâu 0,25m, xuất lộ một phần trong hố khai quật và hai hố thám sát. Móng phía nam và bắc có hướng tiến về phía đông, xác định được bắt góc của móng phía với móng phía tây và bắt góc của tường ruột phía đông với móng phía nam và một phần móng phía bắc. Căn cứ vào phân bố các dấu tích móng, cho thấy đây là một kiến trúc có chiều rộng 7m, chiều dài xuất lộ trong hố khai quật là 8m (tính đến điểm bắt góc của tường ruột). Móng được làm từ vôi vữa trộn lẫn gạch đập nhỏ, rộng 0,6m, sâu 0,45m, bên trên còn thấy 1 đến 2 lớp gạch chỉ, xây dạng tường 30cm. Gạch xây móng có niên đại khoảng đầu thế kỷ 20. Hố móng đào từ lớp 1 xuống lớp 2.
Phế tích móng thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20)
Di vật
Di vật thu được trong hố khai quật gồm có vật liệu xây dựng là các loại gạch chữ nhật, gạch múi bưởi, hoa văn trang trí khá phong phú như: ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S... có màu vàng nhạt, đỏ và xám xanh. Ngói có dạng ống và lòng máng. Bên cạnh đó là các mảnh đồ gia dụng bằng đất nung, sành và gốm men thuộc các loại hình như bát, đĩa, bình, vò... có niên đại kéo dài từ thế kỷ thứ 1 đến tận đầu thế kỷ 20.
3. Một vài nhận xét sơ bộ
Tương tự như kết quả nghiên cứu tường thành phía bắc tháng 3- 5/2022, tường được đắp trên mặt bằng cư trú, đất đắp được lấy chủ yếu ở khu vực cư trú trong nội thành. Trong lớp đất đắp tường thành thời Lục Triều vẫn tìm thấy khá nhiều tiền đồng, cho thấy có thể liên quan là một nghi lễ của người xưa trong quá trình xây đắp tường thành.
Qua đối sánh tư liệu của các đợt nghiên cứu, khai quật từ các năm 1969 - 1970, 1986, 2001 cho đến những năm gần đây của Viện Khảo cổ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, các kết quả nghiên cứu, khai quật nghiên cứu trong nội thành, tường thành Ngoại của BTLSQG và Trường Đại học Đông Á trong suốt 10 năm qua đã góp phần làm sáng rõ những tồn nghi về quá trình khởi dựng, những biến đổi về quy mô của toà thành cổ này. Đó là quá trình khởi dựng đắp tường thành Ngoại phía bắc và phía tây sớm nhất diễn ra vào thời Lục triều muộn (thế kỷ 5 – 6), đến thời Tùy Đường (thế kỷ 7 -9). Đoạn tường thành Ngoại phía nam được xây dựng song song với việc đắp mở rộng mặt tường thành ở phía bắc và tây và quy mô của thành Luy Lâu vào giai đoạn trước thế kỷ thứ 5 nhỏ hẹp và tập trung ở khu vực trung tâm nội thành, việc mở rộng mặt bằng như hiện thấy chỉ diễn ra sau thế kỷ 5 - 6 đến thế kỷ 9. Ở giai đoạn thời Lý, Trần, có các dấu vết của việc sử dụng toà thành, đắp cao thêm, tuy nhiên trải qua thời gian tồn tại, do tác động của các hoạt động canh tác, nhất là trong mấy chục năm trở lại đây, đã san bạt khá nhiều bề mặt tường thành, do đó dấu vết các lớp đắp này khá mờ nhạt.
Tại Cổ Loa, các kết quả nghiên cứu cho biết, lũy thành cao từ 4 - 5m có vị trí cao từ 8 - 12m rất phù hợp với việc bảo vệ và phòng thủ trong quân sự, còn ở Luy Lâu tường thành đắp ở giai đoạn Lục Triều khá thấp, độ cao từ 1,5 đến 1,8m, khả năng chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài vào trong nội thành là rất thấp. Nhiều khả năng việc đắp tường thành ngoại Luy Lâu trước hết là tường bao ngăn cách nội thành với bên ngoài, bên cạnh đó nó còn có chức năng là một con đê ngăn nước từ con sông Dâu vào mùa mưa lũ. Đến giai đoạn muộn, khoảng thế kỷ 7 - 9 trở về sau, một số vị trí trên mặt thành phía tây còn sử dụng để xây dựng các kiến trúc ở giai đoạn muộn thời Tùy Đường (thế kỷ 7 - 9) cho đến tận thời Nguyễn (đầu thế kỷ 20).
Đối với kiến trúc thời Lục Triều mới chỉ xuất lộ một phần trong hố khai quật có hướng tiếp tục tiến về phía nam và bắc trong lòng tường thành. Để lý giải cho chức năng của nó, các nhà nghiên cứu của hai bên Việt Nam và Nhật Bản đã thảo luận nhiều về di tích này, nhiều giả thiết, câu hỏi được hai bên đưa ra đây là dấu vết của cổng thành, tường thành hay bó nền kiến trúc?.
- Về phía Nhật Bản, cho rằng, kiến trúc này chính là phần tường thành phía tây của giai đoạn Lục triều (thế kỷ 5 - 6), cách xây dựng rất giống với tường thành Kiến Khang thời Lục triều (Trung Quốc) và nó là tường xây hai bên của cổng ra vào thành.
- Về phía Việt Nam, cho rằng, với dấu vết kiến trúc xuất lộ trong hố khai quật gồm 2 kiến trúc, kiến trúc phía trên xây sau và trùm lên kiến trúc ở bên dưới và là công trình được xây dựng và tồn tại trước khi đắp đoạn tường thành này. Hơn nữa, vị trí xây dựng kiến trúc gần với bờ sông Dâu nên rất có thể là công trình liên quan đến hoạt động của cảng thị của Luy Lâu xưa.
Đây là lần đầu tiên tại Luy Lâu tìm thấy một dấu vết kiến trúc có quy mô lớn, xây cất cẩn thận nằm trong lớp đắp tường thành, nhưng do hố đào nhỏ hẹp, thời gian có hạn nên việc xác định được cấu trúc và chức năng của nó vẫn còn chưa thật rõ ràng. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị cần tiếp tục thực hiện các cuộc khai quật tại vị trí này nhằm rõ quy mô và chức năng của kiến trúc đối với tòa thành.
Kết quả hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ trong 10 năm qua đã đóng góp nhiều nhận thức mới về di tích thành cổ Luy Lâu, tuy nhiên bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để có cái nhìn rõ ràng hơn về diện mạo của toà thành cổ này trong lịch sử, nhiều di tích, nhiều vấn đề còn ẩn chứa trong lòng đất cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm hiểu.
Lê Văn Chiến - Đinh Thị Lệ Huyền