Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/12/2022 15:01 1652
Điểm: 1/5 (1 đánh giá)
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” ( 12/1972 - 12/2022), Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Cục Lưu trữ (Văn phòng Trung ương Đảng) tổ chức trưng bày chuyên đề “Máu và Hoa – Hà Nội 12 ngày đêm” nhằm giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ; giá trị của niềm tin, sự đoàn kết quân, dân một lòng quyết tâm vượt lên những đau thương, mất mát, sự đổ máu, hi sinh làm nên đài hoa chiến thắng để có được Thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình hôm nay.

 

Cách đây 50 năm, liên tục trong 12 ngày đêm, từ 18/12 đến 30/12/1972, cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ với những “Pháo đài bay B-52” hiện đại, tiên tiến bậc nhất cùng hàng trăm máy bay khác ném bom rải thảm xuống thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác ở miền Bắc Việt Nam. Hà Nội biến thành chiến trường, nhà cửa, bệnh viện, trường học bị phá hủy; sự tang thương, chết chóc bao trùm trong khói lửa chiến tranh. Nhưng với ý chí, niềm tin sắt đá, bản lĩnh, trí tuệ, chủ động, sáng tạo, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã cùng quân, dân miền Bắc làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Sự thất bại của cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 đã buộc Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán, ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam.

Trưng bày tập trung giới thiệu những sưu tập tài liệu, hình ảnh, hiện vật, những câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt, lao động trong chiến tranh khốc liệt, về tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972. Tái hiện một cách sinh động, chân thực về cuộc sống, không khí chiến đấu, phục vụ chiến đấu qua những ký ức của người Hà Nội; những thắng lợi của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, diện mạo phát triển của Thủ đô sau 50 năm cũng như quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt - Mỹ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Trưng bày gồm 3 phần: 
Phần 1: Tầm nhìn chiến lược
Trước âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ đạo chiến lược sáng suốt, tài tình; những nhận định và dự báo sớm để nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng lực lượng, con người, trang bị vũ khí để đánh thắng giặc Mỹ…
Tài liệu, hiện vật trưng bày:
- Bản đồ Giới thiệu bối cảnh chung cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra ở Việt Nam giai đoạn 1964 - 1972; 
- Một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chỉ đạo các đơn vị lực lượng phòng không, không quân; 
- Một số tài liệu: Chỉ thị, nghị quyết, công điện…
Phần 2: Hà Nội 12 ngày đêm - Máu và Hoa 
Với tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến luôn chủ động trong mọi tình huống, không bị bất ngờ trước những kế hoạch đánh phá của địch. Trong 12ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân dân cả nước đã làm nên chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, buộc chính phủ Mỹ phải ký hiệp định Paris, tạo bước chuyển quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Trưng bày phần 2 này sẽ thể hiện những nội dung sau:      
Với âm mưu đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, đế quốc Mỹ đã không chừa bất cứ một mục tiêu nào, cả quân sự lẫn dân sự, đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Nhà ga, bến cảng, đường giao thông, bệnh viện, khu dân cư, trường học… đều trở thành mục tiêu ném bom, hàng nghìn dân thường bị thương vong.
* B-52 - con ma giặc trời
Siêu pháo đài bay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang bom hạt nhân và bom thông thường với số lượng lớn (khoảng 30 - 40 tấn). B-52 là niềm kiêu hãnh của không lực Hoa Kỳ.
- Một số hình ảnh Máy bay B-52; “Pháo đài bay” B-52 tập kết tại căn cứ quân sự của Mỹ, chuẩn bị cho Chiến dịch “Linebacker II”
* Mất mát, đau thương
Thể hiện sâu sắc sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, tinh thần đoàn kết quân, dân một lòng quyết tâm vượt lên những đau thương, mất mát, sự đổ máu, hi sinh của Thủ đô Hà Nội.
- Nhóm hình ảnh, tài liệu, câu chuyện về sự tàn phá khốc liệt của B-52 tại Hà Nội (Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Khu dân cư Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Ga Hàng Cỏ, trường học, nhà thờ, chùa chiền, Cầu Long Biên, Tổng kho Đức Giang...)
- Nhóm hiện vật: dụng cụ, thiết bị y tế Bệnh viện Bạch Mai; đồ dùng sinh hoạt, tượng thờ… bị bom Mỹ phá hủy.
* Hà Nội, niềm tin và hy vọng
+ Cuộc sống
Những câu chuyện về cuộc sống, lao động, sản xuất phục vụ chiến đấu của những người ở lại, bám trụ tại các nhà máy, công sở
- Hình ảnh, hiện vật: Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Dệt 8-3, Nhà máy Nước Hà Nội, Đài phát thanh...; các lực lượng chức năng như dân quân tự vệ, người dân cứu thương, cứu hàng, cứu sập, tiếp tế đồ ăn, nước uống cho các trận địa pháo...
+ Trú ẩn
Trong thời gian đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Nội có hơn 40 vạn hố cá nhân và 90.000 hầm tập thể, đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Mỗi người dân Hà Nội “sở hữu” ít nhất ba hầm trú ẩn: trong nhà, cơ quan và trên đường phố.
- Hình ảnh, câu chuyện về hầm trú ẩn tại gia đình, cơ quan và trên đường phố. Hiện vật: mũ rơm… 
+ Sơ tán
 Những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965-1972), đặc biệt cao điểm 12 ngày đêm cuối năm 1972, hơn nửa triệu dân đổ xô (xấp xỉ 50% dân số Hà Nội lúc đó) đã sơ tán về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận để tránh thương vong.
-  Hình ảnh, hiện vật, câu chuyện về cuộc sống nơi sơ tán, tình cảm của người dân nơi sơ tán (giúp đỡ, cưu mang người Hà Nội nơi sơ tán)...
+ Rực lửa chiến công
Trước sự tấn công ác liệt của kẻ thù, Hà Nội đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng.Với sự chủ động, sáng tạo, các lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, quân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Giữa mưa bom, bão đạn, khói lửa ngút trời, những người con quả cảm vẫn bền gan, vững chí bám trụ trận địa, tiêu diệt máy bay địch, làm cho chúng kinh hồn khiếp vía.
- Nhóm hình ảnh chiến đấu của lực lượng Phòng không - Không quân: Bộ đội tên lửa, bộ đội pháo cao xạ, bộ đội ra-đa, súng bộ binh, dân quân tự vệ... chiến đấu, bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ;
- Nhóm hình ảnh về sự quan tâm, động viên, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội và sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
- Nhóm hình ảnh, hiện vật về những chiến thắng, chiến công: bắn rơi máy bay B-52, mảnh xác máy bay B-52, các địa điểm, địa danh, di tích lịch sử…
Phần 3: Hoa chiến thắng
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Hà Nội chuẩn bị đón tết Quý Sửu trong niềm vui chiến thắng, gia đình sum họp.
50 năm sau “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, Hà Nội phát triển rực rỡ trong hòa bình và hữu nghị… Những con phố xưa từng chìm trong hoang tàn và khói lửa, nay đã chuyển mình vươn lên.
- Nhóm hình ảnh về Hà Nội yên bình, đón chào năm mới, mừng chiến thắng; sự  kiện ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam; Hà Nội - thành phố vì hòa bình sau 50 năm chiến thắng “Hà Nội-  Điện Biên Phủ trên không” (Hà Nội đổi mới, Hà Nội xanh, thân thiện và thanh bình). 
Thông qua các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, câu chuyện của nhân chứng lịch sử, trưng bày chuyên đề giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu của người Hà Nội trong những tháng ngày khói lửa - một Hà Nội kiên cường, lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến tranh chính nghĩa... Đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay thêm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Trưng bày khai mạc ngày 16/12/2022 và mở cửa đến tháng 4/2023 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm đưa tin, viết bài!   

Để phục vụ cho công tác lưu trữ thông tin, BTLSQG rất mong các phóng viên gửi lại bài viết đã đăng trên báo theo địa chỉ: Phòng Truyền thông, Đối ngoại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ĐT: (024.39336370) Email:truyenthongbtlsqg@gmail.com

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2839

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

BTLSQG làm việc với đoàn chuyên gia Bảo tàng quốc gia Gwangju – Hàn Quốc

BTLSQG làm việc với đoàn chuyên gia Bảo tàng quốc gia Gwangju – Hàn Quốc

  • 30/11/2022 09:03
  • 951

Được sự đồng ý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lộc và Bảo tàng Quốc gia Gwangju (Hàn Quốc) tổ chức thám sát di tích lò gốm Thanh Khơi (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương) lần thứ ba, từ ngày 17/11 đến 29/11/2022. Sau khi kết thúc đợt nghiên cứu, sáng ngày 29 tháng 11 năm 2022, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Bảo tàng Quốc gia Gwangju để trao đổi về kết quả của đợt thám sát và đề ra các định hướng hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.