Được sự đồng ý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lộc và Bảo tàng Quốc gia Gwangju (Hàn Quốc) tổ chức thám sát di tích lò gốm Thanh Khơi (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương) lần thứ ba, từ ngày 17/11 đến 29/11/2022.
Sau khi kết thúc đợt nghiên cứu, sáng ngày 29 tháng 11 năm 2022, lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Bảo tàng Quốc gia Gwangju để trao đổi về kết quả của đợt thám sát và đề ra các định hướng hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới.
Tham dự buổi làm việc, về phía BTLSQG có TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc, cùng quản lý phòng Nghiên cứu - Sưu tầm và phòng Quản lý hiện vật; về phía Hàn Quốc có các chuyên gia của Bảo tàng Quốc gia Gwangju và các thành viên đơn vị phối hợp đến từ Viện Di sản Văn hoá Dân gian Hàn Quốc.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đoàn chuyên gia Hàn Quốc đã báo cáo sơ bộ kết quả thám sát. Theo đoàn chuyên gia, mặc dù chưa tìm thấy dấu tích lò nung nhưng qua những hiện vật thu được từ đợt đào thám sát lần thứ hai (năm 2019) và nhiều mảnh vỡ gốm sứ được phát hiện trong đợt thám sát lần này có thể khẳng định khu vực này đã có những hoạt động sản xuất gốm sứ quy mô lớn.
Đợt thám sát năm 2022 đã góp phần làm rõ hơn đặc điểm địa tầng, diện phân bố của di tích, di vật tại khu vực này, cung cấp ít nhiều tư liệu cho việc tìm hiểu về vị trí và vai trò của lò gốm Thanh Khơi trong hệ thống gốm sứ Hải Dương cũng như tiến trình gốm sứ Việt Nam nói chung. Đồng thời, kết quả đào thám sát cũng bổ sung hiện vật cho công tác nghiên cứu, trưng bày và quảng bá gốm sứ Hải Dương.
Phía Bảo tàng Quốc gia Gwangju mong muốn trong năm tới sẽ có thể phối hợp mở rộng quy mô khai quật, kết hợp sử dụng các công nghệ mới để đạt kết quả tốt nhất trong thám sát, khai quật khảo cổ học.
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc BTLSQG tặng quà lưu niệm cho chuyên gia Bảo tàng Quốc gia Gwangju, Hàn Quốc
Đại diện BTLSQG và đoàn chuyên gia Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc
Đoàn chuyên gia Hàn Quốc cũng dành thời gian tham quan các kho hiện vật gốm sứ và kho hiện vật đồng cổ đại của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đoàn đánh giá cao giá trị các hiện vật mà Bảo tàng đang lưu giữ, đặc biệt quan tâm đến sưu tập hiện vật gốm sứ khai quật ở tàu đắm cổ Cù Lao Chàm.
Bảo tàng Quốc gia Gwangju dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm triển lãm gốm sứ châu Á vào năm 2024 và mong muốn được tiếp tục hợp tác với Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ trong lĩnh vực khai quật khảo cổ học mà còn phát huy các giá trị hiện vật quý thông qua việc trao đổi hiện vật trưng bày.
Bên cạnh đó, phía Bảo tàng Quốc gia Gwangju cũng đề xuất Bảo tàng Lịch sử quốc gia thiết lập quan hệ hợp tác với Viện Di sản văn hoá Dân gian bằng việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về nhiều lĩnh vực liên quan đến bảo tàng.
Thay mặt BTLSQG, TS. Nguyễn Văn Đoàn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của đợt thám sát lò gốm Thanh Khơi năm 2022 nói riêng cũng như kết quả hợp tác của hai cơ quan trong thời gian qua. BTLSQG sẵn sàng hợp tác nghiên cứu sâu kỹ và toàn diện khu di tích lò gốm Thanh Khơi và mở rộng các phạm vi hợp tác với phía Hàn Quốc trên các lĩnh vực khác nhau trong hoạt động bảo tàng.
Hy vọng rằng các hoạt động hợp tác chuyên môn của BTLSQG với các đối tác Hàn Quốc sẽ ngày càng được mở rộng và đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong những năm tới.
Thu Hiền