Hội thảo quốc tế Giáo dục Di sản Văn hóa ASEAN 2022 với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục di sản văn hóa trong khu vực ASEAN” do Trung tâm Châu Á Sophia về Nghiên cứu và Phát triển Con người thuộc Đại học Sophia, Nhật Bản (Trung tâm Châu Á Sophia) tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh và Siem Riep, Campuchia từ ngày 13/11/2022 đến ngày 20/11/2022.
Các đại biểu tham gia chụp ảnh lưu niệm tại Lễ khai mạc Hội thảo, ngày 14/11/2022
Mục đích của Hội thảo là chia sẻ thông tin về di sản văn hóa của các nước ASEAN và kinh nghiệm thực tiễn cũng như những thách thức, tồn tại của công tác giáo dục di sản của các bảo tàng, di tích các nước trong khu vực. Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận và đánh giá cao chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác giáo dục di sản văn hóa và sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy di sản của các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Hội thảo quốc tế “Giáo dục Di sản Văn hóa ASEAN” năm 2022 có sự tham dự của 20 thành viên là các chuyên gia, cố vấn khoa học, các thành viên đến từ bảo tàng, di tích thuộc 8 quốc gia trong khu vực ASEAN: Việt Nam, Lào, Campuchia, Philipin, Myanmar, Malaixia, Indonexia và Thái Lan. Về phía Việt Nam, Ths. Lê Thị Liên, cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng, BTLSQG tham gia chương trình và báo cáo tham luận về công tác giáo dục di sản văn hóa của Việt Nam.
Với 8 chuyên đề và 10 tham luận được chia thành 6 phiên thảo luận, Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cách thức thực hiện hoạt động giáo dục, các vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục di sản văn hóa. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng giới thiệu về hệ thống di sản thế giới và hoạt động giáo dục di sản văn hóa của mỗi quốc gia; sự kết nối bảo tàng và di tích/di sản trong việc hực hiện nhiệm vụ giáo dục, phát huy giá trị di bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau.
Báo cáo chuyên đề Bảo tồn phát huy di sản văn hóa ở Kyoto, Nhật Bản
Tại Hội thảo, Ths Lê Thị Liên - cán bộ Phòng Giáo dục Công chúng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) trình bày tham luận “Bảo tàng Lịch sử quốc gia với hoạt động giáo dục di sản văn hóa” đã giới thiệu tổng quan về hệ thống di sản văn hóa ở Việt Nam và các hoạt động giáo dục di sản của một số di tích và BTLSQG trong những năm qua. Đặc biệt, phần giới thiệu mô hình “Bảo tàng với du lịch di sản; Bảo tàng với giáo dục di sản cho thế hệ trẻ” được hội thảo đánh giá cao. Các cố vấn khoa học trong Hội thảo đã chia sẻ: Qua những kết quả đạt được, BTLSQG Việt Nam đã cho thấy sự chủ động và sáng tạo của mình trong việc giới thiệu, truyền bá tri thức di sản văn hóa của dân tộc tới công chúng; chủ động cung cấp các sản phẩm, hoạt động giáo dục đa dạng để công chúng có nhiều cơ hội khám phá, trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam và kết nối các đơn vị cùng chung tay phát huy giá trị di sản văn hóa. Đó là cách thức để BTLSQG đổi mới cách thức hoạt động của bảo tàng, kết nối công chúng và thực hiện sứ mệnh giáo dục di sản của mình.
Ths. Lê Thị Liên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia báo cáo tham luận tại Hội thảo
Tham
luận của Bảo tàng quốc gia Philippines, Tổ chức Di sản Khmer (Campuchia); Viện
Văn hóa, Nghệ thuật và truyền thông về Di sản văn hóa Thế giới thuộc Bộ Văn hóa
Thái Lan, Bảo tàng quốc gia Malaixia, Indonexia… cũng đã giới thiệu là làm rõ
các bảo tàng, các trung tâm di sản văn hóa thế giới của các nước đã thực hiện
hoạt động giáo dục di sản văn hóa như thế nào? Mô hình, cách thức, hiệu quả,
thách thức và các vấn đề đặt ra về việc tăng
cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục di sản văn hóa trong khu vực
ASEAN…
Xen kẽ giữa các phiên trao đổi thảo luận là những cuộc gặp gỡ, trao đổi, hợp tác văn hóa giữa các thành viên ASEAN với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Nghệ thuật Campuchia; Trung tâm bảo tồn APSARA; đặc biệt là hoạt động điền dã, tham quan, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ thực địa tại Bảo tàng quốc gia Campuchia, Bảo tàng Preah Norodom Sihanouk-Angkor, quần thể Di sản Angkor của Campuchia; Trung tâm Bảo tồn Di sản Angkor của Sophia Nhật Bản…
Đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Nghệ thuật Campuchia
Đoàn làm việc tại Trung tâm APSARA, tỉnh Siêm Riệp, Campuchia
Đoàn khảo sát thực địa tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Angkor do Trung tâm Sophia (Nhật Bản) thực hiện
Đoàn tham quan quần thể di tích Angkor Wat
Các
thành viên tham gia cũng được lắng nghe các chuyên đề: Đa văn hóa trong khu vực ASEAN; Đa dạng tôn giáo ở Ấn Độ và sự ảnh hưởng
đến văn hóa khu vực Đông Nam Á; Giáo dục Di sản ở Angkor; Nghiên cứu trường hợp
phát huy di sản văn hóa ở Thái Lan… từ các chuyên gia, cố vấn khoa học của
Hội thảo.
Năm 2022, cũng là năm cuối của Chương trình Giáo dục Di sản Văn hóa ASEAN 3 năm liên tiếp (2020-2022), các chuyên gia, thành viên Hội thảo tập trung thảo luận để đưa ra những ý kiến thiết thực cho Sổ tay giáo dục sản và sự liên kết, tăng cường giữa các nước ASEAN về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới thông qua hoạt động giáo dục, chức năng, nhiệm vụ của các nhà giáo dục (educator) và sứ mệnh của họ…
Các thành viên tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm chương trình
Hội thảo quốc tế về Giáo dục Di sản Văn
hóa ASEAN 2022 đã thành công tốt đẹp. Tham gia chương trình, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia có
cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục di sản với
các nước bạn ASEAN, từ đó mở rộng mối quan hệ
hiểu biết lẫn nhau cũng như tăng cường hợp tác giữa các bảo tàng trong các lĩnh
vực chuyên môn đồng thời góp phần kết nối, hợp tác để phát huy và bảo
tồn di sản văn hóa trong khu vực ASEAN./.
Lê Liên