Sáng ngày 10/4/2019, tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”. Hội thảo do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn và UBND huyện Chi Lăng phối hợp tổ chức.
Tham dự và điều hành hội thảo có: GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam; TS Nguyễn Văn Cường, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn và ông Đinh Hữu Học - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chi Lăng.
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, khảo cổ, chuyên gia sử học, văn hóa, hán nôm…. các cơ quan báo chí, truyền thông.
Khu di tích Chi Lăng gồm 52 điểm di tích trải dài khoảng 15km dọc theo thung lũng sông Thương - bắt đầu từ địa phận Sông Hoá đến giáp xã Mai Sao (km 100 đến km 115 quốc lộ Hà Nội - Lạng Sơn), chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang của huyện Chi Lăng. Đây từng là địa điểm chiến lược quan trọng trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, ghi dấu tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc: chiến thắng chống Tống (thế kỷ XI), chiến thắng chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII), chống Pháp cuối thế kỷ 19 và đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng ngày 10/10/1427 tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh tinh nhuệ do Liễu Thăng chỉ huy. Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 10 năm chống quân xâm lược nhà Minh, giành lại trọn vẹn non sông, đất nước. Chiến thắng Chi Lăng năm 1427 đã đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước và trở thành biểu tượng chiến thắng, tượng trưng cho hào khí dân tộc Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
TS Nguyễn Văn Cường, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát biểu tại hội thảo
Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 26/4/1962, Khu di tích chiến thắng Chi Lăng đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu tiên - khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Tỉnh Lạng Sơn đã xác định công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một nhiệm vụ quan trọng; Ngày 11/4/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035", xác định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo đồng thời phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với phát triển du lịch.
Ông Đinh Hữu Học - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chi Lăng phát biểu tại hội thảo
25 tham luận và báo cáo khoa học trình bày tại Hội thảo khoa học "Khu di tích lịch sử Chi Lăng - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy" tập trung xoay quanh 03 chủ đề chính: Khu di tích Chi Lăng - giá trị lịch sử, văn hóa; Hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chi Lăng; Xây dựng Chi Lăng thành điểm/ vùng kinh tế du lịch.
Thông qua các tham luận và báo cáo khoa học, hội thảo đã đóng góp nhiều tư liệu nghiên cứu để làm rõ và khẳng định giá trị lịch sử, vai trò của vùng đất Chi Lăng nói chung và Khu di tích lịch sử Chi Lăng nói riêng trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước qua nhiều thời kỳ lịch sử. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng như nhìn nhận, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của huyện Chi Lăng, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất về định hướng cũng như các giải pháp thực tế, trước mắt và lâu dài nhằm phát huy tối ưu giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với việc phát triển kinh tế và du lịch bền vững trong thời gian tới.
Các đại biểu tham quan Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng
Kết quả của Hội thảo chính là cơ sở khoa học để UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Khu di tích lịch sử Chi Lăng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt cũng như triển khai thực hiện hiệu quả “Đề án xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”./.
Tin: Phạm Mai Thủy
Ảnh: Trịnh Tân