Chiều ngày 24/8/2018, tại Khu di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân, BTLSQG tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Hải Vân Quan.
Chiều ngày 24/8/2018, tại Khu di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân, BTLSQG tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ di tích Hải Vân Quan.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo BTLSQG, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, đại diện chính quyền và các cấp ban ngành của địa phương, các nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học, tư vấn thiết kế trùng tu, tôn tạo di tích cùng các phóng viên báo chí, truyền hình… của Trung ương và địa phương.
Sau khi tham quan, khảo sát tại công trường khai quật, hội nghị đã được ông Nguyễn Ngọc Chất - phụ trách khai quật, báo cáo sơ bộ kết quả khai quật. Theo đó, với diện tích gần 900m2 khai đào tại vị trí hai cổng, 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), gồm: bậc cấp, lối đi vào hai cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan và Hải Vân Quan; xác định vị trí, quy mô, kết cấu cổng phụ vào khu vực ăn, ở, sinh hoạt của binh lính; hệ thống tường thành; ụ súng Thần công cùng dấu vết nền móng nhà Trú Sở (nơi ở và làm việc của quan Trấn Thủ) và Vũ Khố (kho diêm tiêu, hỏa dược). Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, đã phát hiện được dấu tích của con đường Thiên lý từ Kinh đô Huế đi về phía cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan và từ cổng Hải Vân Quan đi về phía Đà Nẵng. Ngoài ra, kết quả khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được cải tạo, xây dựng mới như tường thành, hầm bí mật, hệ thống công sự, lô cốt, nhà ở, công trình phụ… của quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây trong giai đoạn từ 1946 đến 1975.
Đại biểu tham quan công trường khai quật khảo cổ học
Đại biểu nghe báo cáo kết quả khai quật và phát biểu ý kiến tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảm ơn và đánh giá cao kết quả nghiên cứu, khai quật của BTLSQG. Từ kết quả nghiên cứu này, lãnh đạo hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp xây dựng kế hoạch, dự án phục hồi, tôn tạo lại di tích Hải Vân Quan để gìn giữ và phát huy những giá trị vốn quý của di tích.
Ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan công trường khai quật
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, kết quả nghiên cứu khảo cổ học của BTLSQG đã xác định được cụ thể quy mô, kết cấu, vị trí, kích thước và tính chất của từng công trình kiến trúc trong tổng thể khu di tích; bóc tách được những giai đoạn xây dựng, sửa chữa, cải tạo lại di tích theo từng giai đoạn lịch sử, cung cấp những cứ liệu khoa học chân xác và nhận thức mới, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về di tích Hải Vân Quan. Đây là những cứ liệu khoa học rất quan trọng và cần thiết để hai cơ quan xây dựng phương án, thiết kế phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan trong thời gian tới.
TS.Nguyễn Văn Cường, Giám đốc BTLSQG phát biểu tại hội nghị
Thay mặt cơ quan chủ trì khai quật, TS. Nguyễn Văn Cường - Giám đốc BTLSQG gia cảm ơn sự giúp đỡ, phối hợp của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hiện vật và sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo khoa học kết quả khai quật di tích Hải Vân Quan.
Đoàn khai quật di tích Hải Vân Quan