Sáng ngày 26 tháng 1 năm 2018, tại Hội trưởng Ủy ban Nhân dân xã Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị Báo cáo sơ bộ Kết quả nghiên cứu, khai quật di tích Thành cổ Luy Lâu lần thứ 4, năm 2017-2018. Đợt khai quật này được thực hiện từ cuối tháng 12 năm 2017 đến cuối tháng 01 năm 2018, trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu dài hạn giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản).
Sáng ngày 26 tháng 1 năm 2018, tại Hội trưởng Ủy ban Nhân dân xã Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị Báo cáo sơ bộ Kết quả nghiên cứu, khai quật di tích Thành cổ Luy Lâu lần thứ 4, năm 2017-2018. Đợt khai quật này được thực hiện từ cuối tháng 12 năm 2017 đến cuối tháng 01 năm 2018, trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu dài hạn giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản).

Đại biểu nghe đoàn khai quật báo cáo tại công trường.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh và đại diện chính quyền địa phương.

Các đại biểu nghe báo cáo tại Hội trường.

Một số hiện vật tiêu biểu được trưng bày tại hội nghị.

Đoàn khai quật báo cáo kết quả sơ bộ.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong các đợt khai quật của năm 2014, 2015 và 2016 cũng như dựa trên kết quả khảo sát từ năm 2012, trong lần khai quật này, đoàn nghiên cứu đã mở 01 hố khai quật với mục đích tìm ngoại hào phía đông của thành Nội. Tuy diện đào nhỏ và diễn ra trong thời gian không dài, nhưng kết quả thu được trong lần khai quật này rất đáng chú ý. Trong hố khai quật năm nay, các nhà khảo cổ đã làm rõ được ngoại hào thành Nội với hai giai đoạn Đông Hán (thế kỉ 1 - 3) và Lục Triều (thế kỷ 3 - 6). Trong đó, hào thời Hán rộng khoảng 9m, sâu khoảng 1,6m, hào thời Lục Triều rộng khoảng 10m, sâu khoảng 2,46m. Dựa trên kết quả khai quật năm nay, các nhà khảo cổ đã có thể lên được một mô hình khá hoàn chỉnh về quy mô và cấu trúc của thành cổ Luy Lâu từ cách đây 2000 năm.

Dấu vết ngoại hào thành Nội.

TS.Nguyễn Văn Đoàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát biểu tại hội nghị.
Cũng trong thời gian này, để có một cái nhìn rộng hơn về khu đô thị cổ Luy Lâu trong mối quan hệ với các khu vực khác ở Bắc Việt Nam, đoàn khai quật còn tiến hành khảo sát một mộ gạch quy mô lớn ở Thủy Nguyên (Hải Phòng). Dựa trên quy mô, cấu trúc và kích thước cũng như hoa văn trang trí của gạch xây mộ, có thể nhận định chủ nhân mộ táng này phải là người có địa vị cực cao trong xã hội đương thời. Cho đến nay, việc phát hiện được ngôi mộ Hán có niên đại sớm và có cấu trúc thuộc loại cấp bậc cao như vậy ở Việt Nam là vô cùng hiếm thấy. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, vùng đất Hải Phòng thời Đông Hán có lẽ đã trở thành một khu vực trọng yếu trong mạng lưới giao lưu văn hóa ở Đông Á cổ đại. Đi tìm mối quan hệ hẳn có của vùng cửa biển phía Đông (tức Hải Phòng) với vùng đất trung tâm trong lục địa (Luy Lâu) chính là nhiệm vụ đặt ra với đoàn nghiên cứu trong thời gian tới./.
Đoàn khai quật Luy Lâu