Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/08/2008 12:01 2633
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Theo kế hoạch, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và phòng Văn hoá, Thông tin và Thể thao Long Biên đã tiến hành thực hiện chương trình nghiên cứu, giám định cổ vật trên địa bàn quận Long Biên.

Theo kế hoạch, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2007, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và phòng Văn hoá, Thông tin và Thể thao Long Biên đã tiến hành thực hiện chương trình nghiên cứu, giám định cổ vật trên địa bàn quận Long Biên.

Trong đợt này, năm đầu tiên thực hiện chương trình giám định cổ vật, trên cơ sở khảo sát thực địa, đã lựa chọn 10 di tích (5 ngôi chùa: Lâm Du, Bồ Đề, Tư Đình, Lệ Mật và Bắc Biên; 4 ngôi đình: Xuân Đỗ Hạ, Thổ Khối, Lệ Mật và Mai Phúc và đền Trấn Vũ), nằm rải rác trên 7 phường (Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối, Phúc Đồng, Việt Hưng và Ngọc Thuỵ), trong đó phần lớn đều là các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia (7) và cấp Thành phố (1) để làm đối tượng nghiên cứu.

Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy Long Biên là nơi có nhiều di tích, lưu giữ số lượng lớn các cổ vật có giá trị. Trong số các nhóm cổ vật được giám định lần này, tập trung chủ yếu ở khung niên đại nửa sau thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đáng chú ý, các di vật có niên đại thời Lê - Mạc - Lê trung hưng (thế kỷ 16, 17 và 18) vẫn có số lượng đáng kể được bảo tồn và lưu giữ trong các di tích.

Tổng cộng có 1.141 cổ vật được đăng ký, lập hồ sơ khoa học, qua đó đánh giá hiện trạng, giá trị, nguồn gốc, niên đại qua bản ảnh, bản vẽ, bản dập hoa văn và minh văn, các biểu bảng (thống kê, phân loại theo chất liệu, loại hình, niên đại, nguồn gốc...). Đây là cơ sở khoa học để các cơ quan chức năng có thể quản lý cổ vật một cách chặt chẽ, theo đó bảo tồn và phát huy giá trị di tích và di vật một cách phù hợp. Dưới đây là kết quả giám định theo các nhóm chất liệu chính:

Nhóm chất liệu gỗlà nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất, đều được sơn son thếp vàng với nhiều kiểu loại cực kỳ phong phú, tập trung ở đồ thờ, hoành phi, câu đối, tượng..., niên đại kéo dài từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, trong đó đáng chú ý là các pho tượng Tam thế chùa Lệ Mật, mang đậm phong cách thời Mạc, niên đại thế kỷ 17, đôi câu đối và hoành phi ở chùa Lệ Mật, các ngai thờ và bài vị ở đình Thổ Khối, tượng Tam thế và Di đà Tam tôn chùa Tư Đình thế kỷ 18 và hệ thống các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối niên đại thế kỷ 19, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (ảnh).

Nhóm chất liệu đácó số lượng ít hơn, tập trung chủ yếu ở 3 loại hình chính: bia, tượng, bát hương, trong đó phải kể tới các tấm bia ở đình, chùa Lệ Mật (niên hiệu Cảnh Trị, Dương Đức và Chính Hoà) trang trí đặc biệt khác lạ; bia ở chùa Lệ Mật, đền Trấn Vũ, đình Xuân Đỗ Hạ, đình Thổ Khối và bát hương trang trí hình tứ linh đắp nổi ở đền Trấn Vũ thế kỷ 18 (ảnh).

Nhóm giấy và vảitập trung ở loại hình sắc phong, thần phả và quần áo, hia, trong đó có 2 cuốn thần phả, 1 bản chính, niên hiệu Cảnh Hưng, 1 bản sao vào thời Nguyễn; bộ sưu tập các sắc phong có số lượng lớn (179), có gần như đầy đủ các niên hiệu các đời vua từ thời Lê đến thời Nguyễn, đáng kể nhất là các bộ sắc phong ở đình Thổ Khối, đình Mai Phúc, đình Xuân Đỗ Hạ... Các bộ quần áo, hia đều có niên đại cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, song đó là các di vật quí trong bối cảnh tư liệu đối sánh nhằm khôi phục trang phục truyền thống thời Lê, Nguyễn ngày càng khan hiếm.

Nhóm chất liệu đồng,chủ yếu là các đồ thờ (bát hương, mâm, chân đèn nến, chũm choẹ...), tượng Phật Thích ca, niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nổi bật nhất là pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ cao tới hơn 3m rất độc đáo. Các loại chuông và khánh đều nằm trong khung niên đại thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ngoại trừ 1 chiếc chuông đúc niên hiệu Chính Hoà (1690) và 1 chuông thời Tây Sơn (1799).

Nhóm đồ gốm, sành, sứ và đất nung (đất đắp),chủ yếu là các đồ thờ với các loại bát, đĩa, chân đèn và bình gốm sứ Việt Nam và Trung Quốc có niên đại kéo dài từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Đáng chú ý nhất là chân đèn thời Mạc ở đình Mai Phúc và chiếc bình gốm trang trí đặc sắc ở đền Trấn Vũ là sản phẩm lò gốm Đồng Nai, niên đại đầu thế kỷ 20 (ảnh).

Nhóm các chất liệu khác (ngà và bạc), có số lượng ít, với những tiêu bản khá độc đáo đó là 2 chiếc quạt ở đình Xuân Đỗ Hạ có niên đại nửa sau thế kỷ 19 và 4 đôi đũa, 2 chiếc thìa bạc chạm rồng phượng ở đình Lệ Mật, niên đại đầu thế kỷ 20.

Thông qua việc nghiên cứu, giám định cổ vật cùng với việc khảo sát thực địa tại 10 di tích đã cho thấy phần nào diện mạo lịch sử - văn hoá lâu đời của vùng đất Long Biên. Đó là vùng đất hình thành sớm, vào khoảng đầu Công nguyên đã có mật độ dân cư đông đúc. Các truyền thuyết dân gian, các câu chuyện kể, đặc biệt là qua nội dung các bản sắc phong đã phản ánh rõ điều đó như sắc phong ở đình Xuân Đỗ Hạ, đình Thổ Khối... Bước vào thời kỳ lịch sử, các dấu ấn lịch sử - văn hoá còn in đậm qua các di tích và di vật gắn liền với những tôn giáo, tín ngưỡng (thờ Phật, thờ Thần), lễ hội dân gian nổi tiếng (Lệ Mật), những nhân vật, sự kiện lịch sử (Lý Thường Kiệt, đê Cơ Xá, chiến dịch vây thành Đông Quan của khởi nghĩa Lam Sơn)... Từ thực tế công tác nghiên cứu, giám định cổ vật trong thời gian qua, các chuyên gia giám định đã nêu những kiến nghị với các cơ quan chức năng, trong việc bảo quản, bảo vệ và quản lý các di vật nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di tích và di vật.

Nguyễn Văn Đoàn

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam )

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

Triển lãm và Hội thảo: “Văn hóa với phát triển và quảng bá du lịch”

  • 04/07/2019 15:47
  • 2809

Nhân kỷ niệm Tuần lễ Du lịch Văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức triển lãm, giới thiệu những sản phẩm văn hóa đến từ 5 bảo tàng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời tổ chức hội thảo về chủ đề trên tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Bài viết khác

Trưng bày cổ vật Việt Nam gây ấn tượng tại Trung Quốc

  • 20/08/2008 12:00
  • 2639

Được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang (Quảng Tây - Trung Quốc ) trưng bày chuyên đề: “Đồ đồng Việt Nam: Bản sắc và truyền thống”, nhân hội nghị ASEAN +1 và Triển lãm ASEAN Export tổ chức tại Quảng Tây vào tuần lễ cuối tháng 10 năm 2007.