Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/10/2021 15:20 2771
Điểm: 2/5 (1 đánh giá)
Sau 10 năm xây dựng, mới đây ngày 30/06/2021, Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II đã chính thức cắt băng khánh thành bảo tàng về đại văn hào Hans Christian Andersen ở thành phố Odense - quê hương của ông. Đây là công trình bảo tàng mới cấp quốc gia của Đan Mạch được xây mới hoàn toàn trên khuôn viên bảo tồn ngôi nhà cũ của đại văn hào nổi tiếng thế giới để tạo nên được thánh đường trưng bày tôn vinh các kiệt tác chuyện cổ tích cho trẻ thơ. Bảo tàng Hans Christian Andersen là sự hợp tác của Kengo Kuma & Associates, Cornelius + Vöge và MASU Planning.

 

Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II cắt băng khánh thành bảo tàng về đại văn hào Hans Christian Andersen ở thành phố Odense, ngày 30/ 6/2021

KIẾN TRÚC CỦA NHỮNG ĐƯỜNG CONG

Nhà văn Andersen sinh năm 1805 trong một gia đình nghèo khó. Các tác phẩm truyện cổ tích dành cho thiếu nhi của ông được dịch sang 125 ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt, như "Cô bé bán diêm", "Nàng tiên cá", "Công chúa và hạt đậu", "Vịt con xấu xí" hay "Chú lính chì dũng cảm".

Với kinh phí xây dựng khoảng 390 triệu kroner Đan Mạch (tương đương 62 triệu USD), phần lớn do các quỹ tư nhân bảo hiểm đóng góp, bảo tàng Hans Christian Andersen có diện tích 5.600 mét vuông và có thể phục vụ 250 khách cùng một lúc. Bảo tàng Hans Christian Andersen do kiến trúc sư Nhật Bản Kengo Kuma thiết kế. Ông cũng là người đã thiết kế sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Ban quản lý kỳ vọng bảo tàng Hans Christian Andersen sẽ thu hút 220.000 lượt khách ghé thăm mỗi năm.

 

Thiết kế tổ chức kiến trúc mặt đứng chính công trình

Về ý tưởng thiết kế, cấu trúc bảo tàng mới được lấy cảm hứng từ câu chuyện The Tinderbox năm 1835 của Andersen, trong đó hình ảnh một người lính được mời vào bên trong một cái cây rỗng và phát hiện ra rằng nó mở ra ba khoang ngày càng lớn dưới lòng đất được nhấn mạnh nổi bật. Qua ý tưởng trên, với ba gian nhà bằng gỗ nhường chỗ cho một mạng lưới rộng lớn dưới lòng đất. Kiến trúc sư Kenzo Kuma đã nhấn mạnh về một ý tưởng triết lý lớn đằng sau thiết kế kiến ​​trúc giống với phương pháp của Andersen, nơi một thế giới nhỏ đột nhiên mở rộng ra một vũ trụ lớn hơn.

 

Khuôn viên công trình trong quá trình lắp đặt cây xanh và thiết bị

 

Kiến trúc mặt bên của bảo tàng

Công trình bảo tàng mới được thiết kế để đóng một vai trò quan trọng trong cảnh quan đô thị mới của thành phố, nhằm mục đích duy trì bản chất tác phẩm của Andersen, cho thấy tính hai mặt của các mặt đối lập xung quanh chúng ta; thực và ảo, thiên nhiên và nhân tạo, ánh sáng và bóng tối, v.v. Theo cách này, chương trình nhằm mục đích phản ánh bản chất của tác phẩm của ông bằng cách biến nó thành kiến trúc và cảnh quan. Qua đó, tất cả cả cảnh quan cũ được bảo tồn nguyên trạng tối đa để làm nền cảnh cho công trình để có được một bảo tàng mới ấn tượng và độc đáo. Ý tưởng cấu trúc của toàn bộ công trình bảo tàng Hans Christian Andersen hướng tới tạo một dòng chảy vào vũ trụ đầy sự kỳ diệu của trẻ thơ, trong khi các khu vườn sẽ là một mô phỏng hiện thực hình ảnh "mê cung ma thuật" đã xuất hiện trong rất nhiều câu truyện văn học cổ tích Andersen. Các kiến trúc sư nhấn mạnh mục tiêu thiết kế của công trình bảo tàng Hans Christian Andersen là "chạm đến phần cốt lõi trong vũ trụ của Andersen". Thay vì khai thác cuộc đời tác giả, ý tưởng thiết kế và trưng bày hiện vật của bảo tàng mới sẽ tập trung hơn vào tinh thần các tác phẩm của nhà văn Hans Christian Andersen.

 

Tổng thể quy hoạch khuôn viên bảo tàng

 

Chân dung khổ lớn của nhà văn trang trí trên mặt tiền tòa nhà bên cạnh công trình

Về quy hoạch và bố cục, trên khuôn viên khu đất có quy mô vừa phải 5.600m2, công trình bảo tàng mới được quy hoạch với hai phần ba bảo tàng ngầm dưới đất. Bao quanh bảo tàng là một khu vườn rộng với lối đi lát đá và những hàng rào cao được cắt tỉa gọn ghẽ. Không gian tầng trệt tổ chức những khu vườn rộng lớn, bãi cỏ hàng rào cây và cây bụi cao. Tất cả đều nằm bao quanh một không gian sân trong ngập nước. Tựu trung lại, tổng thể bên ngoài tòa nhà được bố trí quy hoạch đi kèm với một loạt hàng rào uốn lượn và những con đường quanh co được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc để có thể được nhìn thấy từ trên cao, toàn bộ mọi thứ giống như một mê cung.

 

Cấu trúc mái tròn nổi bật của công trình

 

Chi tiết cấu trúc vòm kính bên trong nội thất bảo tàng

 

Chi tiết cấu trúc khung gỗ chính phần sảnh trung tâm công trình

Về kiến trúc, để công trình nắm được tinh thần của cả Hans Christian Andersen và thành phố Odense cũng như thể hiện sự hòa quyện trong ngôn ngữ kiến trúc quốc tế và tính bản địa cùng một lúc, bảo tàng được xây dựng từ gỗ và kính.  Các không gian bảo tàng bao gồm một loạt các hình tròn tiếp tuyến với nhau tạo thành một chuỗi. Bức tường xanh uốn cong kết nối không gian ngầm và xác định khu vườn, uốn lượn và len lỏi trong và ngoài, trên và dưới mặt đất, tạo ra một chuỗi không gian đan xen, đưa du khách giữa bên ngoài và bên trong.

 

Không gian hành lang cong bên ngoài bảo tàng

 

Chi tiết hệ thống mái hiên gỗ bên ngoài bảo tàng

Các không gian triển lãm được quy hoạch dưới lòng đất, được tạo ra từ khu vườn cong phía trên mô phỏng không gian mê cung. Thế giới các không gian trưng bày trong lòng đất này kết nối với khu vườn bên trên thông qua các khu vườn trũng giống như một "cổng" thông ra thế giới bên ngoài. Với hầu hết không gian của bảo tàng nằm dưới mặt đất, các tòa nhà được tiếp cận thông qua một khu vườn lớn, dần dần thu hút du khách xuống một đoạn đường uốn khúc vào không gian triển lãm.

 

Hoa văn trang trí trên tường của nội thất phòng trưng bày

 

Chi tiết cửa lấy sáng bên trong công trình

 

Không gian kim cương sắc màu lung linh trong nội thất bảo tàng

Kiến trúc khu Bảo tàng Andersen mới là một bộ sưu tập khổng lồ các khối trụ, với mặt đứng kính, khung gỗ mắt cáo và mái cây xanh. Kiến trúc sư Kuma cho biết: "Ý tưởng về mẫu thiết kế kiến trúc này được thể hiện tương ứng với phong cách văn chương của Andersen, đó là từ một thế giới nhỏ mở ra một vũ trụ rộng lớn hơn".

 

Không gian sảnh trung tâm của bảo tàng

 

Phòng trưng bày về tiểu sử của tác giả

 

Phòng trưng bày giới thiệu về các hình tượng tuyến nhân vật trong truyện

Bên cạnh các không gian trưng bày hiện vật, tiểu cảnh, dịch vụ tiện ích dành cho khách tham quan và cộng đồng, bảo tàng Andersen cũng sẽ là nơi tổ chức Tinderbox - là một trung tâm trẻ em theo chủ đề xung quanh truyện ngụ ngôn Andersen.

 

Tác phẩm Thân gỗ được trưng bày tại sảnh chính của bảo tàng

NHỮNG KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY KỲ ẢO - THẦN TIÊN.

Đúng như tinh thần thiết kế, Bảo tàng Hans Christian Andersen mới trông giống như vừa được tạo ra từ một trong những câu chuyện cổ tích của tác giả. Các phòng trưng bày được thiết kế theo phong cách nghệ sĩ rộng 18.000 feet vuông, cũng như một quán cà phê và cửa hàng. Theo đúng phong cách giản dị bên ngoài - đặc sắc bên trong của các câu truyện cổ tích Andersen, bảo tàng chỉ bộc lộ sự độc đáo và kỳ thú khi khách tham quan chiêm ngưỡng các không gian trưng bày bên trong. Ông Henrik Lübker, giám đốc sáng tạo của bảo tàng cho biết: “Đây là cơ hội để tạo ra các không gian trưng bày hiện vật độc đáo, khúc triết nhưng ẩn dụ và hấp dẫn giống với cách Andersen kể những câu chuyện cổ tích của mình”.

 

Phòng xem tương tác thực tế ảo bên trong bảo tàng

 

Khách tham quan xem các minh họa đồ họa 3D theo các nội dung truyện trong không gian trưng bày của bảo tàng

 

Khách tham quan tương tác với các công nghệ số bên trong bảo tàng

Nhóm thiết kế trưng bày của bảo tàng bắt đầu với thiết kế triển lãm, tập trung vào cách nó có thể cung cấp hồ sơ lịch sử của một tác giả nổi tiếng thế giới cũng như biểu hiện vật lý của thế giới tưởng tượng mà ông đã tạo ra. Nhấn mạnh các giá trị truyện gốc, được tác giả viết ban đầu thay cho các dị bản được tạo ra trong quá trình biên dịch ra các ngôn ngữ khác nhau dẫn đến nhiều cách hiểu sai lạc về nội dung và giá trị của truyện cổ tích Andersen cũng là một trong những sứ mệnh mà hiện vật trưng bày của bảo tàng phải làm rõ.

 

Hình tượng nhân vật chú lính chì nổi tiếng trưng bày tại bảo tàng

 

Hình tượng chiếc thang kỳ ảo trong các truyện cổ tích được mô phỏng trưng bày tại bảo tàng

 

Không gian thư viện cho trẻ em thiết kế bên trong bảo tàng

 

Không gian phòng bán đồ lưu niệm bên trong bảo tàng

Trong các không gian trưng bày cố định tại các tầng ngầm, rất nhiều các nội dung triển lãm tương tác được thiết kế sắp đặt. Trong số đó, hầu hết được thiết kế bởi các nghệ sĩ, bao gồm nhà điêu khắc giấy Veronica Hodges, nhà sản xuất rối Andy Gent và nhà văn Daniel Handler (còn gọi là Lemony Snicket). Một số trưng bày dành riêng cho những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất của Andersen, trong khi những trưng bày khác tập trung vào chính tác giả, giúp người xem thư viện có thể hiểu được cuộc sống đằng sau nhiều câu chuyện gắn liền với tâm thức của cư dân phương Tây vùng bản đại. Du khách cũng sẽ được “nghe” từ một số nhân vật từ thế giới bao la của các câu chuyện ngụ ngôn thần thoại huyền ảo Andersen, bao gồm “Nàng tiên cá” và “Vịt con xấu xí”, trong các bản âm thanh xuyên suốt.

 

Không gian trưng bày cung dưới nước

 

Hình tượng đàn chim trang trí trên cửa sổ mái sảnh chính của bảo tàng

 

Không gian phòng nghỉ thư giãn bên trong bảo tàng

Điểm ấn tượng chính là không gian căn phòng trưng bày được cấu tạo như một là chiếc bát trũng được bao phủ trong lớp thủy tinh phủ trên mặt nước, cho du khách bên dưới trải nghiệm sống dưới nước, giống như Nàng tiên cá. Thay vì một tiểu sử đơn giản, bảo tàng cố gắng tạo ra một trải nghiệm toàn diện kết hợp câu chuyện về cuộc đời của Andersen với những câu chuyện huyền ảo mà ông đã viết.

Giám đốc sáng tạo Henrik Lübker cũng nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi đã loại bỏ các quy tắc cũ. Bảo tàng này phải đúng như các giá trị tinh thần cốt lõi phong cách Andersen. Phong cách ấy quyết định đến mọi thứ, từ cách bạn điều hướng không gian đến cách chúng ta sử dụng văn bản và đồ vật”.

Dự án này là một trong những dự án bảo tàng lớn nhất và đầy tham vọng nhất trong thời gian gần đây được triển khai đầu tư xây dựng và mở của cho công chúng. Tuy nhiên, do tính chất của dự án, buổi khai mạc không giới thiệu toàn bộ trải nghiệm bảo tàng mà bước đầu chỉ mở cửa cho du khách tham quan một số không gian trưng bày chính đã hoàn chỉnh của bảo tàng.

Nguyễn Hải Vân

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

  • 28/05/2019 10:54
  • 7471

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou (Centre national d’art et de culture Georges-Pompidou Musee hay Centre Georges-Pompidou) là một trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn nằm ở khu Beaubourg thuộc quận 4, Paris, Pháp. Khánh thành năm 1977, công trình này là một dự án của tổng thống Pháp - Georges Pompidou nhằm tạo ra một trung tâm bảo tàng văn hóa và nghệ thuật đương đại mới ở trung tâm Paris vốn nổi tiếng với các công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật cổ điển. Trong nhiều năm, Bảo tàng Georges Pompidou được xem là một hiện tượng, được nhiều nhà phê bình kiến trúc - nghệ thuật, sự hồi tưởng và hồi sinh “sống động” kiến trúc công nghiệp đã từng phát triển rực rỡ tại Châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ đầu thế kỷ 20.

Bài viết khác

Bảo tàng khoa học Biodome – Biodome Science Museum

Bảo tàng khoa học Biodome – Biodome Science Museum

  • 27/09/2021 14:39
  • 2521

Nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia Canada, có hình thức ấn tượng và không gian trưng bày độc đáo, nhưng ít người biết rằng Bảo tàng khoa học Biodome – Biodome Science Museum hiện nay được cải tạo hình thành từ tổ hợp nhà thi đấu phục vụ Thế vận hội Olympic 1976. Với một phương án cải tạo hợp lý, tôn trọng các giá trị nguyên gốc của công trình, giải pháp tái tổ chức không gian và trưng bày nội thất ấn tượng đã giúp bảo tàng ngày càng trở nên nổi tiếng - một điểm đến khám phá nâng cao hiểu biết thú vị cho du khách, cộng đồng và đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh.