Thứ Bảy, 14/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

27/09/2021 14:39 2520
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia Canada, có hình thức ấn tượng và không gian trưng bày độc đáo, nhưng ít người biết rằng Bảo tàng khoa học Biodome – Biodome Science Museum hiện nay được cải tạo hình thành từ tổ hợp nhà thi đấu phục vụ Thế vận hội Olympic 1976. Với một phương án cải tạo hợp lý, tôn trọng các giá trị nguyên gốc của công trình, giải pháp tái tổ chức không gian và trưng bày nội thất ấn tượng đã giúp bảo tàng ngày càng trở nên nổi tiếng - một điểm đến khám phá nâng cao hiểu biết thú vị cho du khách, cộng đồng và đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh.

  
Phối cảnh tổng thể công trình trong khu vực thành phố

 

Kiến trúc tổng thể công trình

 

Không gian mặt tiền công trình

Cùng với 03 bảo tàng quốc gia là Bảo tàng Côn trùng Montreal, Vườn Thực vật Montreal và Cung Thiên văn Rio Tinto, Bảo tàng khoa học Biodome – Biodome Science Museum hiện nay được xem là khu bảo tàng khoa học quốc gia lớn nhất Canada, nằm trong khuôn viên của khu công viên Olympic tại thành phố Montreal, công trình là nơi mà du khách đặc biệt là lứa tuổi học sinh có thể tới tham quan khám phá các nghiên cứu khoa học và bản sao của các hệ sinh thái tiêu biểu khu vực châu Mỹ.

 

Chi tiết vách kính mặt tiền công trình

 

Không gian mặt tiền sảnh vào công trình

Tòa nhà vòm ban đầu được xây dựng để phục vụ Thế vận hội Olympic 1976 với chức năng là nhà thi đấu đua xe đạp lòng chảo và thi đấu môn võ judo do kiến trúc sư người Pháp Roger Taillibert thiết kế cũng như được khởi công xây dựng và chính thức được mở cửa vào tháng 4/1976. Vào năm 1988, sau khi đã tổ chức thành công các kỳ Thế vận hội và nhiều đại hội thể thao khác, để đảm bảo khai thác tối ưu giá trị sử dụng công trình, chính phủ đã vào cuộc, thúc đẩy một nghiên cứu tính khả thi của việc chuyển đổi nhà thi đấu trở thành khu tổ hợp bảo tàng khoa học - sinh thái được tiến hành. Việc tu sửa cải tạo nhà thi đấu này bắt đầu từ năm 1989 và khu bảo tàng khoa học - sinh thái Biodome tại thành phố Montreal (Canada) mở cửa đón khách vào ngày 18/6/1992.

Năm 2020, trong cuộc thi kiến ​​trúc quốc tế do Viện Không gian cho Sự sống của Montreal tổ chức, công ty tư vấn thiết kế KANVA đã được chọn để thiết kế cải tạo mới toàn bộ không gian bảo tàng trước đây. Nhiệm vụ của nhóm thiết kế được giao chính là nâng cao những trải nghiệm khám phá đầy sống động cho khách tham quan về các hệ sinh thái riêng biệt, cũng như tiếp tục thiết kế tổ chức chuyển đổi các phần không gian công cộng cũ của tòa nhà. Nhóm thiết kế đã xem xét, đề xuất một ý niệm về đề cao vai trò giới thiệu các đặc trưng Quần thể sinh học - sự phức tạp của môi trường tự nhiên, trong bối cảnh hiện nay của biến đổi khí hậu đến việc hoàn thiện nhận thức và cách sống của cộng đồng và người dân. 

 

Không gian sảnh tầng 2

 

Không gian sảnh tầng mái

 

Ánh sáng tự nhiên chiếu dọc theo trục giếng trời thẳng đứng của tòa nhà

Kts Rami Bebawi, thay mặt cho nhóm thiết kế ANVA đã phát biểu: “Chúng tôi cần kết nối lại mọi người với môi trường và Biodome thực hiện điều đó theo cách mới mẻ mà chúng tôi tự hào đã đóng góp vào. Dự án này đã cung cấp cho chúng tôi các kiến ​​thức vô giá, chuẩn bị cho chúng tôi những cách tiếp cận mới và sáng tạo cho các dự án trong tương lai, nơi kiến ​​trúc trở thành một công cụ để thúc đẩy và tạo điều kiện cho thay đổi môi trường.”

 

Các không gian sinh vật cảnh được trưng bày với quy mô rất lớn

Để có những không gian trưng bày ấn tượng, ngay từ các giai đoạn nghiên cứu ban đầu, nhóm thiết kế đã nghiên cứu sự các không gian phức hợp và đa dạng của tòa nhà cũ, bao gồm các không gian trưng bày, các không gian phụ trợ và hệ thống các thiết bị, máy móc sử dụng trong vận hành công trình. Nhóm thiết kế cho rằng bất kỳ hình thức can thiệp nào ở cấp độ vĩ mô vào cấu trúc và tổ chức không gian tòa nhà cũ cũng cần phải đạt được sự tinh tế và cũng như thiết lập các kế hoạch chi tiết trong vận hành và sử dụng công trình ở cấp độ vi mô.

 

Lối vào khu trưng bày

 

Du khách thích thú di chuyển qua các không gian trưng bày tiếp nối

 

Không gian khu giải lao cafe

Từ góc độ tổ chức không gian, nhóm thiết kế đã triển khai ý tưởng phân khu không gian lại với mục tiêu các không gian có thể được chuyển đổi theo cách tối đa hóa giá trị di sản kiến ​​trúc của tòa nhà. Thiết kế cũng tổ chức “xen cấy: không gian lõi sảnh - giếng trời trung tâm mới, phá bỏ trần nhà đặc biệt thấp ở lối vào của tòa nhà để du khách các những cảm nhận mới về quy mô ấn tượng của không gian hiện có. Không gian sảnh giếng trời đã được tổ chức xuyên suốt theo trục thẳng đứng, mở không gian từ tầng trệt lên phần vòm mái rất đặc biệt của tòa nhà, giúp đưa ánh sáng tự nhiên đến khu vực lõi trung tâm của công trình.

 

Hệ thống điều hòa không khí được phô bày có chủ đích tạo sự ấn tượng cho không gian nội thất

 

Hệ thống vách tường cong được bố trí bổ sung để tái cấu trúc không gian nội thất trưng bày

 

Ánh sáng nhân tạo bố trí dẫn hướng tại khu vực giếng trời trung tâm

Phần không gian lõi trung tâm sau khi cải tạo của công trình cũng là giải pháp để khuếch đại trải nghiệm cảm quan của du khách khi mang đến những trải nghiệm khám phá đa giác quan về các hệ sinh thái lân cận, được tổ chức dọc theo các tuyến tham quan. Hướng đến trải nghiệm nhập vai hơn, một cách tuần tự, thiết kế tổ chức không gian hướng sự tập trung sự chú ý của du khách từ thính giác, đến khứu giác và xúc giác, và cuối cùng là thị giác.

 

Không gian hệ sinh vật vùng cửa sông trưng bày tại bảo tàng

 

Nội thất khu trưng bày sinh vật biển

 

Khu trưng bày hệ sinh thái nước

Dọc theo các tuyến hành lang xoay quanh trục trung tâm, thiết kế cải tạo đã tổ chức các không gian trưng bày đa dạng, cả theo mô hình giải pháp đóng kín cũng như nửa kín nửa hở, đảm bảo tính dẫn hướng xuyên suốt của tuyến tham quan cho du khách cũng như tính nhận diện đặc trưng riêng cho từng phần không gian.  

Với kỹ thuật kết cấu đặc biệt phức tạp, việc lắp đặt thêm các cấu kiện tường tiền chế màu trắng tinh khiết - với tên gọi “Lớp da trong mờ”, mang đến những cảm nhận mới cho không gian nội thất. Lớp tường trang trí mới được uốn cong và kéo căng xung quanh một cấu trúc khung nhôm hình cung, sử dụng lực căng, công xôn và dầm hình tam giác để làm hệ thống treo. Bản thân các hệ treo này cũng được neo vào hệ cấu trúc thép khung thép chính. Các khớp nối cơ học cũng được kết hợp để phù hợp với nhiều loại chuyển động và cho phép điều chỉnh tại chỗ. Chính các hiệu ứng của “Lớp da trong mờ” tương tác hài hòa với cửa sổ trần phía trên, với các đường chân trời vát gợi cảm giác yên bình và vô tận.

Từ sảnh hành lang, theo một đường hầm dài 10 mét dẫn đến lõi trung tâm, du khách sẽ được thăm quan và khám phá năm hệ sinh thái, bao gồm Rừng mưa nhiệt đới, Rừng phong Laurentian, Vịnh St. Lawrence, Quần đảo cận Nam Cực, và Bờ biển Labrador. Trong đó, có gồm bốn bản sao của bốn hệ sinh thái của khu vực châu Mỹ, đó là: (1) Rừng nhiệt đới - bản sao của rừng nhiệt đới Nam Mỹ; (2) Rừng Laurentian - bản sao của khu hoang dã vùng Bắc Mỹ; (3) Hệ sinh thái đại dương Saint Lawrence - vùng cửa sông phỏng theo môi trường của Vịnh Saint Lawrence và (4) Vùng Cận Cực.

 

Không gian trưng bày hệ sinh thái Bắc Mỹ với tổng thể không gian lớn

 

Mèo gấm Bắc Mỹ trưng bày trong khuôn viên bảo tàng

 

Chim cánh cụt trưng bày tại bảo tàng

Các không gian trưng bày đều được bài trí như trong bối cảnh thực tế, với đầy đủ các đặc trưng về địa hình, địa chất, thủy văn, khí hậu được tái hiện chính xác đúng như thực tế. Cùng với đó là hệ thống ánh sáng tự nhiên và nhân tạo vừa mô phỏng các đặc trưng của các vùng sinh thái, gia tăng các trải nghiệm cũng như tạo hiệu ứng trưng bày và cảm xúc ấn tượng - thăng hoa cho khách tham quan. Các loài động thực vật trong cả bốn hệ sinh thái cũng đều được thu thập và chăm sóc rất đa dạng, từ các loại thực vật thân thảo, thực vật thân gỗ, thực vật ký sinh, cây cổ thụ đến các loài động vật đặc trưng như vẹt đuôi dài, mèo rừng, chim cánh cụt và các loại cá.

 

Không gian trưng bày tại khu vực hành lang

 

Khu trải nghiệm các thí nghiệm khoa học vật lý

 

Không gian trưng bày và vui chơi tầng áp mái

 

Không gian khu trưng bày hệ động thực vật Bắc Mỹ

Cùng với đó, khách tham quan còn có thể tham gia tìm hiểu và trải nghiệm trực tiếp nhiều thí nghiệm khoa học vật lý, hóa học, sinh học trên cơ sở các mô hình thực tế ảo cũng như hệ thống thư viện hình ảnh và thuyết minh âm thanh đa dạng.

Công trình cũng được thiết kế tổ chức đồng bộ các khu vực phục vụ chức năng như khu hành chính, khu bán hàng lưu niệm, khu café - ẩm thực với chan hòa ánh sáng tự nhiên & tầm nhìn mở rộng ra ngoài thiên nhiên ngay ở các không gian lớn tầng trệt và tầng mái của công trình/.

Nguyễn Hải Vân

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

  • 28/05/2019 10:54
  • 7471

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou (Centre national d’art et de culture Georges-Pompidou Musee hay Centre Georges-Pompidou) là một trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn nằm ở khu Beaubourg thuộc quận 4, Paris, Pháp. Khánh thành năm 1977, công trình này là một dự án của tổng thống Pháp - Georges Pompidou nhằm tạo ra một trung tâm bảo tàng văn hóa và nghệ thuật đương đại mới ở trung tâm Paris vốn nổi tiếng với các công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật cổ điển. Trong nhiều năm, Bảo tàng Georges Pompidou được xem là một hiện tượng, được nhiều nhà phê bình kiến trúc - nghệ thuật, sự hồi tưởng và hồi sinh “sống động” kiến trúc công nghiệp đã từng phát triển rực rỡ tại Châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ đầu thế kỷ 20.

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử Đương đại quốc gia Hàn Quốc

Bảo tàng Lịch sử Đương đại quốc gia Hàn Quốc

  • 27/08/2021 21:19
  • 2830

Bảo tàng Lịch sử Đương đại quốc gia Hàn Quốc (National Museum of Korea Contemporary History) là một trong những công trình bảo tàng đương đại hàng đầu tại Hàn Quốc và khu vực. Trong nhiều năm, bảo tàng luôn được các tổ chức lữ hành quốc tế, đặc biệt là Trip Adviser khuyến nghị là 1 trong 12 bảo tàng cần đến tham quan khi ghé thăm Hàn Quốc. Một trong những lý do giúp bảo tàng làm được điều này, chính là một ngôn ngữ kiến trúc xanh – tiết kiệm năng lượng hiện đại và đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số toàn diện trong vận hành trưng bày giới thiệu hiện vật.