Bảo tàng nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 Kanazawa nằm ở trung tâm thành phố Kanazawa, Nhật Bản. Bảo tàng được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Sejima Kazuyo và Nishizawa Ryue với hình tròn bao quanh là các bức tường kính tạo ra độ trong suốt và độ sáng, tăng cường khả năng nhận thức về sự hiện diện của nhau tại bảo tàng cho dù họ ở bên trong hay bên ngoài. Bảo tàng mở giống như một công viên trong thành phố, nơi mọi người có thể đến gặp gỡ nhau và công chúng có thể đến thăm quan bất cứ khi nào họ muốn. Bảo tàng được thành lập năm 2004, trưng bày những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong đời sống đương đại, giới thiệu những sáng tạo ở nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, hội họa, nghệ thuật biểu diễn và phim ảnh. Bảo tàng hi vọng sẽ trở thành cầu nối nơi mọi người có thể tự do tham gia vào các hoạt động sáng tạo, giáo dục, giải trí và giao tiếp. Tại cuộc triển lãm kiến trúc Quốc tế lần thứ 9 ở Italy năm 2004, thiết kế của bảo tàng nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 Kanazawa đã nhận được giải thưởng “Sư tử vàng” cho tác phẩm ưu tú nhất của năm.
Bảo tàng nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 Kanazawa
1.Ý tưởng của bảo tàng
Sứ mệnh của bảo tàng đó là tạo ra một nền văn hóa mới và xây dựng mối liên kết cộng đồng. Bảo tàng[1] sẽ là nơi đánh thức năng lượng sáng tạo của thành phố Kanazawa và biến nơi đây trở thành một điểm thu hút du lịch và khám phá văn hóa hấp dẫn trong thế kỷ 21:
1.Trở thành một bảo tàng di chuyển cùng với xã hội đương đại
Bảo tàng nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 Kanazawa sẽ cho công chúng trải nghiệm và thưởng thức nghệ thuật đương đại không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên thế giới. Vượt qua khoảng cách về không gian và thời gian với sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật đương đại, bảo tàng như một cầu nối giữa các khu vực và nghệ thuật của tương lai.
2.Để tạo ra một bảo tàng tham gia cùng với công chúng và kết nối cộng đồng
Bảo tàng hi vọng sẽ đóng vai trò là một trung tâm văn hoá nơi mọi người có thể tự do tham gia vào sáng tạo, giáo dục, giải trí và giao tiếp. Thông qua sự hợp tác của công chúng bảo tàng sẽ nỗ lực khám phá và tạo ra các hoạt động mới.
3.Trở thành một bảo tàng nghệ thuật mở ra thế giới, nơi nghệ thuật truyền thống khu vực kết nối với tương lai
Bảo tàng sẽ như một phòng thí nghiệm để khám phá, từ góc độ liên văn hóa, các cách để bảo tồn văn hóa truyền thống của thành phố Kanazawa cùng với những giá trị văn hóa mới của thế kỷ 21.
4.Để lớn lên trong tinh thần cùng với trẻ em
Bảo tàng sẽ như một lớp học mở, cung cấp môi trường tối ưu cho trẻ em trải nghiệm nghệ thuật. Khi trẻ em phát triển, bảo tàng cũng sẽ phát triển và thay đổi cho các thế hệ tiếp theo.
2.Những tác phẩm nghệ thuật độc đáo trưng bày tại bảo tàng
Không gian trưng bày bên ngoài
Trường âm thanh của nghệ sĩ Florian Claar - Ảnh chụp: WATANABE Osamu
Không gian công cộng bên ngoài của bảo tàng được thiết kế giống như một công viên, nơi công chúng có thể dễ dàng tiếp cận bảo tàng làm cho bảo tàng trở nên gần gũi và thân thiện. Bên ngoài bảo tàng trưng bày một số các tác phẩm nổi tiếng như tác phẩm “Trường âm thanh” của nghệ sĩ Florian Claar[2] sáng tạo năm 2004. Ông đã sáng tạo ra các tác phẩm điêu khắc công cộng, các tác phẩm nghệ thuật sử dụng âm thanh dựa trên sự phân tích kỹ thuật số của sóng âm thanh với mong muốn thu hút sự chú ý của công chúng đến các cấu trúc hình học có rất nhiều trong thế giới hàng ngày. Tác phẩm giống như kèn Tuba với hệ thống đường ống nối được đặt bên dưới lòng đất, mỗi ống được kết nối với một đường ống khác và giọng của người nói sẽ được gửi đi và một ai đó bất ngờ có thể nghe thấy ở đầu bên kia.
Tác phẩm “Người đàn ông đo mây” của nghệ sĩ Jan Fabre[3] sáng tạo năm 1998. Tác phẩm được Jan Fabre lấy cảm hứng từ Birdman của Alcatraz[4], mặc dù mô phỏng theo chính người nghệ sĩ sáng tác, tác phẩm này cũng là để tỏ lòng tôn kính với người anh em sinh đôi đã quá cố của mình. Tác phẩm là một sự pha trộn giữa nhiều yếu tố khác nhau giữa cuộc sống và cái chết của con người, khoa học tự nhiên và sự thơ mộng của những người nghệ sĩ.
Người đàn ông đo mây của nghệ sĩ Jan Fabre
Ảnh chụp: NAKAMICHI Atsushi / Nacása & Partners
Tác phẩm “Nhà hoạt động màu sắc” của nghệ sĩ Olafur Eliasson[5] sáng tạo năm 2010. Tác phẩm với 3 bức tường kính cong được lắp đặt xung quanh một chiếc đèn trung tâm ngoài trời tạo thành một không gian hình lốc xoáy. Mỗi bức tường bao gồm kính được nhuộm bằng ba màu chính, có màu lục lam, đỏ tươi hoặc vàng. Tùy thuộc vào vị trí của người xem trong không gian này và mức độ chuyển động của người đó, các hình ảnh và vùng màu khác nhau được tạo ra. Từ không gian bên trong du khách nhìn ra môi trường bên ngoài với nhiều màu sắc phản chiếu hình ảnh bên ngoài. Khi mặt trời lặn, đèn ở trong trung tâm của tác phẩm chiếu sáng biến tác phẩm nghệ thuật thành một ngọn hải đăng nhiều màu sắc với những ánh sáng quang phổ phát ra bởi các bức tường kính.
Nhà hoạt động màu sắc của nghệ sĩ Olafur Eliasson - Ảnh chụp: KIOKU Keizo
Ngoài ra còn một số các tác phẩm như “Sự bao bọc” của nghệ sĩ Fernando Romero[6] sáng tạo năm 2005, một hình khối được tạo ra bởi những đường ống và lưới thép bao quanh, và cho phép trẻ em vào chơi ở bên trong. Tác phẩm có hình dáng phức tạp, liên tưởng đến hình ảnh của quả bóng được kéo ra theo sáu hướng.
Sự bao bọc của nghệ sĩ Fernando Romero - Ảnh chụp: KIOKU Keizo
Không gian trưng bày bên trong
Bảo tàng trưng bày và giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ khác nhau. Một trong những tác phẩm độc đáo và thu hút người xem ở bảo tàng đó là tác phẩm “Cầu xanh” sáng tạo năm 2004 của nghệ sĩ Patrick Blanc[7], tác phẩm thiết kế bắc qua hành lang bằng kính, lối đi thông qua các phòng trưng bày, hai bên của bức tường bằng kính dày 14cm được trồng khoảng 100 giống cây khác nhau tạo thành một cây cầu thực vật màu xanh, tạo cho con người có cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Cầu xanh sáng tạo năm 2004 của nghệ sĩ Patrick Blanc
Ảnh chụp: NAKAMICHI Atsushi / Nacása & Partners
Tác phẩm thu hút được nhiều người xem nhất đó là tác phẩm “Bể bơi ảo giác” của nghệ sĩ Leandro Erlich[8] sáng tạo năm 2004, điều thu hút của bể bơi này đó là đã dùng 2 tấm kính trong suốt đặt cách nhau khoảng 10cm, giữa 2 lớp kính này là nước, còn dưới đáy bể bơi là một phòng rỗng. Cùng với hiệu ứng của ánh nắng mặt trời nếu nhìn từ trên xuống sẽ giống như một bể bơi thông thường nhưng bên dưới mọi người có thể đi bộ hay trò chuyện mà không hề bị ướt, ảo giác này là do lớp nước ở giữa tạo ra khiến người đứng trên có cảm giác những người phía bên dưới đang chìm trong bể nước.
Bể bơi ảo giác của nghệ sĩ Leandro Erlich
Ảnh chụp: WATANABE Osamu
Tác phẩm “Hãy làm mới bản thân” của nghệ sĩ Pipilotti Rist[9] sáng tạo năm 2004. Trong tác phẩm của mình người nghệ sĩ đã xem phòng tắm là một nơi linh thiêng và đặt một số tinh thể xung quanh một vật thể được mô phỏng theo hình dáng của bảo tàng. Trên vật thể mô phỏng này người nghệ sĩ cho trình chiếu một đoạn phim kỷ niệm việc chuyển đổi thức ăn và nước trong cơ thể thành máu, nước mắt và các cơ quan nội tạng. Cùng với âm nhạc, âm thanh của nước, và tiếng chim hót làm cho người xem như đang bước vào một thế giới bí ẩn thay vì một phòng tắm thông thường hàng ngày.
Hãy làm mới bản thân của nghệ sĩ Pipilotti Rist - Ảnh chụp: SAIKI Taku
Tác phẩm “Nguồn gốc của thế giới” của nghệ sĩ Anish Kapoor[10] sáng tạo năm 2004. Tác phẩm là một hình bầu dục lớn màu đen được nhìn thấy trên một tấm bê tông nghiêng tạo thành một bức tường.
Hình bầu dục màu đen có dạng phẳng, nhưng nó cũng xuất hiện như một vòng tròn nổi, thực tế hình bầu dục là một lỗ lớn bên trong được phủ các sắc tố màu xanh. Bằng cách làm suy yếu nhận thức trực quan và các khái niệm không gian, tác phẩm của ông đã cho thấy tính hai mặt của tồn tại và không tồn tại.
Nguồn gốc của thế giới của nghệ sĩ Anish Kapoor
Bảo tàng còn tổ chức rất nhiều các cuộc triển lãm của các nghệ sĩ khác nhau và có dịch vụ cung cấp phòng triển lãm cho mọi người sử dụng làm không gian tổ chức sự kiện hay triển lãm cá nhân. Ngoài ra bảo tàng còn có cửa hàng bán café để phục vụ công chúng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, thư viện nghệ thuật, phòng trà, phòng trông giữ trẻ và một studio mở nơi trẻ em có thể cùng gia đình, bạn bè vui chơi và thưởng thức nghệ thuật. Bảo tàng đã thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo nghệ thuật để thu hút sự quan tâm của trẻ em đối với bảo tàng, qua đó cung cấp cho trẻ em và cha mẹ cơ hội được cùng nhau thưởng thức và trải nghiệm các hoạt động ở bảo tàng.
Từ khi thành lập cho đến nay, số lượng khách tham quan đến với bảo tàng liên tục tăng. Theo số liệu thống kế năm 2018 có 2.580.519 lượt khách tham quan và năm 2019 là 2,334,589[11] lượt khách đến tham quan bảo tàng.
Bảng thống kê số lượng khách tham quan bảo tàng từ năm 2004 đến năm 2019
Nguồn: Bảo tàng nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 Kanazawa
Không gian bên ngoài của bảo tàng tham quan tự do mở cửa từ 9:00 đến 22:00, đóng cửa vào ngày lễ tết. Phòng trưng bày bên trong bảo tàng mở cửa từ 10:00 đến 18:00, thứ 6 và thứ 7 mở cửa đến 20:00 với mức giá vé như sau: đối với khách du lịch giá 450¥ khoảng 90.000 vnđ, sinh viên giá 310¥ khoảng 60.000 vnđ, người trên 65 tuổi giá 360¥ khoảng 70.000 vnđ, miễn phí cho học sinh tiểu học và trung học. Bằng những sáng tạo không ngừng nghỉ, bảo tàng thường xuyên tổ chức nhiều các trưng bày và triển lãm khác nhau để mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới mỗi khi đến với bảo tàng. Cùng với việc kết nối giữa những người nghệ sĩ với công chúng, bảo tàng nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 ở Kanazawa đã và đang trở thành điểm đến cho không chỉ khách trong nước mà còn cả khách quốc tế khi đến với vùng đất có bề dày truyền thống và lịch sử văn hóa này./.
Ths. Đoàn Văn Luân
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
[1] https://www.kanazawa21.jp/en/.
2 Florian Claar sinh năm 1968 ở miền Tây nước Đức, và chuyển đến vùng Fujisawa, Kangawa, Nhật Bản sinh sống từ giữa những năm 1990.
3 Jan Fabre người Bỉ sinh năm 1958, Fabre được biết đến với những sáng tạo thuộc thể loại sân khấu và biểu diễn.
4 Birdman của Alcatraz (1961, USA) là một bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về một người đàn ông giữ chim trong phòng giam của mình và trở thành một nhà nghiên cứu chim ưng. Vào cuối bộ phim khi người đàn ông được hỏi về kế hoạch tương lai của mình, anh ấy đã trả lời “tôi sẽ đo mây”.
5 Olafur Eliasson sinh năm 1967 ở Đan Mạch, sinh sống ở Đức và Đan Mạch, Eliasson đã tổ chức nhiều triển lãm cá nhân tại các bảo tàng nghệ thuật lớn ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
6 Fernando Romero sinh năm 1971 tại thành phố Mexico, sau khi làm việc trong văn phòng kiến trúc Rem Koolhaas, Romero đã thành lập văn phòng của riêng mình và sau đó là công ty kiến trúc LAR ở Mỹ. Romero có nhiều dự án văn hóa, thương mại và dân cư để mở ra những hướng đi mới trong thiết kế không gian, vật liệu mới trong kiến trúc.
7 Patrick Blanc sinh năm 1953 ở Pháp, là một nhà thực vật học quan tâm đến các điều kiện về môi trường để trồng cây và từ đó ông đã nảy ra ý tưởng xây dựng một cây cầu xanh. Cầu xanh đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu của ông với tư cách là một nhà thực vật học và khả năng đưa ra các phương pháp cộng sinh trong thời gian dài.
8 Leandro Erlich sinh năm 1973 ở Argentina, Erlich nghiên cứu cách con người hiểu về hiện tượng, tham gia vào các mối quan hệ với không gian và nắm bắt thực tế.
9 Pipilotti Rist sinh năm 1962 ở Thụy Sĩ, các tác phẩm của Rist mang tính cá nhân cao dựa trên sự hiểu biết về một số lĩnh vực như thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, phim và hoạt hình.
10 Anish Kapoor sinh năm 1954 ở Ấn Độ và chuyển đến ở Anh năm 17 tuổi. Sau chuyến đi đến Ấn Độ vào năm 1979, Kapoor được biết đến với các tác phẩm nghệ thuật sử dụng các sắc tố mà Kapoor đã khám phá ở Ấn Độ. Kể từ đó Kapoor đã đưa các vật liệu đa dạng vào những sáng tác nghệ thuật của mình như khoáng sản, sơn mài, màu acrylic và sợi thủy tinh.
11 Bảo tàng nghệ thuật đương đại thế kỷ 21 Kanazawa, báo cáo thường niên năm 2019-2020.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://www.kanazawa21.jp/en/.
2. (2020), “21st Century Museum of Contemporary Art, Kanazawa, Annual Report for the Year 2019-2020”, truy cập 22/11/2020.
3. http://www.kanazawa21.jp/tmpImages/videoFiles/file-52-13-e-file-42.pdf
4. Kimura Takeshi (2017), “After the interview: Future image of 21st Century Museum of Contemporary Art, Kanazawa and tge Community Viewed through Present-day Fuji Hiroshi”, A journal on contemporary art and culture the 21st Century Museum of Contemporary Art, Kanazawa; issue 07/2017, pp 112-113.
5. Uchiro Hiroyuki (2017), “Thinking about the Conservation and Restoration of Mixed Media”, 21st Century Museum of Contemporary Art, Kanazawa, Japan.