Thứ Hai, 07/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/08/2019 10:08 4437
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hiroshima là thành phố đầu tiên trên thế giới bị phá hủy bởi bom nguyên tử. Bảo tàng tưởng niệm hòa bình quốc gia Hiroshima (Hiroshima national memorial peace museum) đã được thiết kế và xây dựng để góp phần tuyên truyền rộng rãi tới công chúng chung tay thực hiện việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân và duy trì nền hòa bình vĩnh viễn trên toàn thế giới. Với ngôn ngữ kiến trúc tối giản, công trình cũng truyền tải một ý niệm về ý chí khắc phục hậu quả, sự vươn lên vượt khó của người dân thành phố Hiroshima và đất nước Nhật Bản trước sự tàn phá thảm khốc của thảm họa bom nguyên tử đã từng diễn ra nơi đây.

 

Phối cảnh tổng thể khuôn viên bảo tàng
 

Khuôn viên quảng trường rộng phía trước khối trung tâm nhà bảo tàng

 

Không gian sảnh vào sử dụng chủ yếu các vật liệu bê tông hiện đại

Xây dựng trên chính địa điểm xảy ra sự kiện.

Là một bảo tàng tư liệu nằm tại TP Hiroshima, nơi đây thu thập và trưng bày hình ảnh, tư liệu về những thiệt hại mà Hiroshima phải gánh chịu cũng như di vật của những nạn nhân sau trận ném bom nguyên tử xuống thành phố trong chiến tranh thế giới thứ II, với mục đích nhắc nhở mọi người không quên sự khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, kêu gọi chung tay xây dựng một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân.

 

Cảnh quan sân vườn và cây xanh được thiết kế đặc trưng bên ngoài công trình

 

Cấu trúc mái vòm tưởng niệm bê tông nằm ở khoảng chính giữa khối nhà bảo tàng chính và nhà vòm nguyên tử trên trục kết nối cảnh quan

 

Hình ảnh cựu tổng thống Obama đến thăm bảo tàng năm 2010

Công trình nằm trong khuôn viên Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima nằm ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Bên cạnh các công trình đài tưởng niệm, công trình bảo tàng Hòa Bình Hiroshima là nơi lưu giữ, công bố các tư liệu để tưởng nhớ đến những người đã thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 với sức tàn phá khủng khiếp đã khiến hơn 70.000 đã chết và 70.000 người khác bị thương nặng do ảnh hưởng của phóng xạ.

 

Các khối công trình điểm nhấn được quy hoạch trên một trục kết nối trung tâm

Về tổng thể, có rất nhiều hạng mục công trình được quy hoạch và xây dựng trong khuôn viên khu Công viên tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima được kiến trúc sư Kenzo Tange quy hoạch dọc theo một trục thẳng trung tâm. Việc lựa chọn khuôn viên xây dựng này đã được cân nhắc rất kỹ càng bởi đây là địa điểm có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, nơi mà quả bom nguyên tử đầu tiên khai hỏa và phát nổ gây ra sự hủy diệt khủng khiếp với người dân TP Hiroshima. Trong khuôn viên xây dựng cũng có cảnh quan rộng và đẹp với dòng sông uốn khúc lượn quanh, cùng với hệ thực phật phong phú đa dạng đặc trưng.

 

Hệ thống cây xanh và tượng ngoài trời được quy hoạch đặc trưng

 

Công trình toà nhà vòm nguyên tử ở điểm đầu tiên trong trục kết nối cảnh quan

Ở điểm đầu tiên bên kia sông,  ngay phía trước mặt tiền nhà bảo tàng chính,  gần đó là tòa nhà vòm bom nguyên tử - nơi từng là hội trường xúc tiến công nghiệp của thành phố Hiroshima được xây dựng từ trước Thế chiến thứ II. Khi bom dội xuống, chỉ riêng tòa nhà này được giữ vững và nay nó trở thành đài tưởng niệm không thể bỏ qua. Ngày nay, tòa nhà vòm bom nguyên tử đã được UNESCO trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa thế giới năm 1996 và là địa điểm luôn được khách du lịch ghé thăm trước khi tham quan nhà bảo tàng chính.

 

Không gian để trống phía dưới khối trưng bày trung tâm truyền tải ý niệm kết nối giữa quá khứ với

tương lai

Cũng trên trục trung tâm, nằm giữa nhà bảo tàng và tòa nhà vòm bom nguyên tử là Đài tưởng niệm cho các nạn nhân trong vụ đánh bom. Công trình được thiết kế và xây dựng có hình dạng một khối cấu trúc bê tông vòm cong, biểu tượng cho hình ảnh một ngôi mộ lớn, tưởng niệm cho những người đã chết vì bom đạn hoặc do các vụ nổ ban đầu hoặc tiếp xúc với bức xạ. Bên dưới vòm là danh sách những người thiệt mạng, với số lượng tên nạn nhân được ghi nhận cả trước và sau khi vụ nổ xảy ra lên tới khoảng hơn 220.000 người.

Khuôn viên tổng thể cũng được kết nối bởi rất nhiều các không gian đệm, các chủng loại cây xanh đặc trưng và đặc biệt là hệ thống các tượng ngoài trời độc đáo, trở thành không chỉ là nơi tham quan cho du khách mà còn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện sinh hoạt cộng đồng quan trọng của thành phố và quốc gia.

Công trình biểu tượng cho kiến trúc tối giản.

Được chính thức xây dựng và mở cửa cho công chúng vào tháng 8/1955, ước tính có khoảng hơn 60 triệu người đã đến thăm bảo tàng từ khi khai trương cho đến nay, trung bình trên 1 triệu du khách mỗi năm. Bảo tàng gồm 2 tòa nhà chính. Tổng thể bảo tàng có tổng diện tích sàn sử dụng rộng khoảng 120.000 m2. Một thiết kế tối giản bao gồm khối nhà chính và các cánh phía tây - phía đông ở 2 bên kết nối bằng một trục hành lang cầu khép kín. Các khối của tòa nhà được quy hoạch có không gian cảnh quan rất đặc trưng bao quanh bao gồm hệ thống cây xanh, thảm cỏ,... để tạo nên một không khí trang nghiêm và yên bình hoàn toàn trái ngược với sự đông đúc của trung tâm thành phố.

 

Mặt đứng khối trưng bày trung tâm với ánh sáng trang trí về đêm

 

Chi tiết mặt đứng khối bảo tàng trung tâm theo phong cách tối giản

 

Chi tiết các nan chớp xếp thẳng chạy dọc trên mặt đứng theo ngôn ngữ kiến trúc tối giản

Khối công trình trung tâm là khu trưng bày chính có cấu trúc hình chữ nhật kéo dài. Với cách thiết kế để trống phần chân đế, không gian cảnh quan của trục trung tâm được tiếp tục kéo dài kết nối với không gian công viên và đô thị phía sau truyền tải một ý niệm về quy hoạch “Kết nối giữa quá khứ với hiện tại để hướng về tương lai”. Sử dụng cấu trúc kết cấu chính là bê tông, mặt tiền công trình được tạo nên tính nhịp điệu bởi các nan bê tông xếp nghiêng, chạy dọc chiều cao tầng 2 của công trình. Nhìn từ phía xa, khối công trình trung tâm gợi nên hình ảnh giống như một cuốn sách tư liệu, ghi nhận sự khốc liệt của thảm họa hạt nhân đã từng xảy ra tại chính khu vực này năm xưa.

 

Hệ thống hành lang cầu kết nối khối trung tâm với các cánh 2 bên

 

Chi tiết cấu trúc khối cánh phải theo ngôn ngữ kiến trúc tối giản

Các hiện vật trưng bày trong khối trung tâm nhấn mạnh sức tàn phá thảm khốc của thảm họa hạt nhân Hiroshima. Một khu vực giới thiệu thành phố tươi đẹp trước khi trận ném bom xảy ra. Cuộc sống của những người dân tại đây yên bình và chỉ sau một buổi, bom dội xuống, cả thành phố bị phá hủy. Các hiện vật trưng bày bao gồm những đồ đạc của nạn nhân, các hình ảnh và các đồ vật được sử dụng trong quá trình chiến tranh. Rất nhiều các bức tranh tư liệu cũng được trưng bày nhằm  tái hiện cảnh trước và sau vụ chiến tranh rất sống động với tất cả sự giận giữ, những nỗi đau quá lớn do chiến tranh gây ra. Khách tham quan có thể trực tiếp chiêm ngưỡng những bức tường gạch bị nung nóng chảy như kem dưới tác động về sức nóng của bom hạt nhân. Cùng với đó, là các hiện vật đồ trẻ em, các đồ bảo hộ bị tàn phá, các hình ảnh tư liệu cũng được xắp xếp theo các trình tự chủ đề cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của vụ nổ nguyên tử.

 

Hệ thống tài liệu hiện vật trưng bày hiện đại bên trong bảo tàng

Đặc biệt, nằm ngay tại khu vực sảnh trung tâm, một cấu trúc vòm thép mô phỏng cấu trúc tòa nhà vòm bị bom nguyên tử ném trúng cũng được tái hiện sinh động theo quy mô thu nhỏ, cho phép khách tham quan cảm nhận được quá trình phá hủy nóng chảy của từng lớp cấu trúc vật liệu xây dựng khi vụ nổ xảy ra.

 

Cấu trúc nhà vòm hạt nhân được tái hiện trưng bày tại bảo tàng

 

Sơ đồ 3D mô phỏng vụ nổ hạt nhân

 

Mô hình các nạn nhân trong thảm họa hạt nhân

 

Mô hình và phim tư liệu được trình chiếu tại không gian nội thất trưng bày bảo tàng

Kết hợp với các phương thức trưng bày đa phương tiện hiện đại, các thuyết minh hỗ trợ trưng bày ở bảo tàng về chứng tích chiến tranh không chỉ dừng lại là những lời văn diễn giải, mà còn những mô hình 3D chuyển động, các thước phim tư liệu được quay trực tiếp và trình chiếu đan xen mô tả chi tiết và sống động về những thiệt hại cho về con người và vật chất của thành phố khi vụ nổ nguyên tử xảy ra. Ngoài ra còn có một số bức thư quan trọng được trao đổi giữa các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo hàng đầu của thời đại nói về sự phát triển nguyên tử và dự đoán kết quả của việc sử dụng nó.

 

Không gian vòm ghi tên các nạn nhân thiệt mạng trong và sau vụ thảm họa hạt nhân Hiroshima

 

Không gian nội thất khu trưng bày trung tâm

 

Các hiện vật đồ sứ và thép bị tàn phá dưới sức hủy diệt của bom nguyên tử

 

Hiện vật trang phục bảo hộ lao động của đội cứu hộ bị tàn phá trước các ảnh hưởng khủng khiếp của thảm họa hạt nhân

Bên cạnh đó, nằm về 2 phía của khối trưng bày trung tâm là các khu trưng bày cánh, kết nối liên thông với khu trung tâm bằng hệ thống các hành lang cầu. Mỗi cánh đóng vai trò chức năng trưng bày bổ trợ cần thiết cho khối trưng bày trung tâm. Cánh phía đông là khu vực trưng bày chủ đề, với các hình ảnh và hiện vật về về thời đại nguyên tử, hệ thống các vũ khí nguyên tử và những nỗ lực cho hòa bình quốc tế.

 

Hiện vật trưng bày các vật dụng đời sống của người dân bị tàn phá dưới sức tàn phá của vụ nổ hạt nhân

 

Hiện vật trang phục của người dân thu nhặt được sau thảm họa

 

Hiện vật đồ chơi trẻ em bị tàn phá trưng bày tại bảo tàng

 

Trẻ em là một trong những đối tượng khách tham quan thường xuyên tới bảo tàng

Trong khi đó, cánh phía tây được quy hoạch thiết kế với công năng là các khu phụ trợ bao gồm khu vực hành chính văn phòng, khu thư viện lưu trữ, và cả không gian cafe giải lao phục vụ cho khách du lịch và cộng đồng.

 

Khu hàng lưu niệm và giải lao cafe bố trí trong các khối cánh phụ trợ

 

Khu vực bán đồ lưu niệm bên trong bảo tàng

Cũng giống như khối trưng bày trung tâm, thiết kế kiến trúc hình khối 2 cánh cũng theo nguyên lý tối giản sử dụng cấu trúc hình vuông cao 4 tầng. Mặt tiền công trình bên cạnh vật liệu bê tông còn sử dụng hệ thống kính phản quang khổ lớn, mang tới các ý niệm hướng về “thiên nhiên - sự hòa bình của tương lai phản chiếu trên sự khốc liệt của lịch sử”. Đây cũng có thể xem là thông điệp mà chính quyền thành phố, kiến trúc sư muốn gửi gắm về nhiệm vụ của các thế hệ tiếp nối, ngăn chặn không để xẩy ra các thảm họa hạt nhân tương tự, đảm bảo sự hòa bình phi hạt nhân của toàn nhân loại trong tương lai./.

Nguyễn Hải Vân

 

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

  • 28/05/2019 10:54
  • 6826

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou (Centre national d’art et de culture Georges-Pompidou Musee hay Centre Georges-Pompidou) là một trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn nằm ở khu Beaubourg thuộc quận 4, Paris, Pháp. Khánh thành năm 1977, công trình này là một dự án của tổng thống Pháp - Georges Pompidou nhằm tạo ra một trung tâm bảo tàng văn hóa và nghệ thuật đương đại mới ở trung tâm Paris vốn nổi tiếng với các công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật cổ điển. Trong nhiều năm, Bảo tàng Georges Pompidou được xem là một hiện tượng, được nhiều nhà phê bình kiến trúc - nghệ thuật, sự hồi tưởng và hồi sinh “sống động” kiến trúc công nghiệp đã từng phát triển rực rỡ tại Châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ đầu thế kỷ 20.

Bài viết khác

Bảo tàng lịch sử gốm sứ Trung Quốc

Bảo tàng lịch sử gốm sứ Trung Quốc

  • 30/07/2019 09:57
  • 4707

Sứ xương trắng là một phần quan trọng trong lịch sử phát triển sứ Trung Quốc. Phát minh và sản xuất của nó đã thay đổi hẳn tầm quan trọng và sự phụ thuộc vào gốm lam trong chế tác các vật dụng sinh hoạt cao cấp và gia dụng hàng ngày. Sự xuất hiện của sứ trắng đã tạo ra hiện tượng " Gốm lam phía Bắc & Sứ xương trắng phía Nam - Celadon South & White North" nổi tiếng trong lịch sử gốm sứ Trung Quốc. Với sứ mệnh tôn vinh và quảng bá các giá trị đặc sắc của nền văn minh gốm sứ cổ đại Trung Hoa, tháng 12/2018 mới đây, bảo tàng gốm sứ quốc gia Xing Kiln tại tỉnh Hồ Bắc đã được chính thức khánh thành mở cửa cho công chúng, trở thành nơi tôn vinh giá trị văn hóa gốm sứ truyền thống Trung Hoa.