Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/07/2019 09:57 4703
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sứ xương trắng là một phần quan trọng trong lịch sử phát triển sứ Trung Quốc. Phát minh và sản xuất của nó đã thay đổi hẳn tầm quan trọng và sự phụ thuộc vào gốm lam trong chế tác các vật dụng sinh hoạt cao cấp và gia dụng hàng ngày. Sự xuất hiện của sứ trắng đã tạo ra hiện tượng " Gốm lam phía Bắc & Sứ xương trắng phía Nam - Celadon South & White North" nổi tiếng trong lịch sử gốm sứ Trung Quốc. Với sứ mệnh tôn vinh và quảng bá các giá trị đặc sắc của nền văn minh gốm sứ cổ đại Trung Hoa, tháng 12/2018 mới đây, bảo tàng gốm sứ quốc gia Xing Kiln tại tỉnh Hồ Bắc đã được chính thức khánh thành mở cửa cho công chúng, trở thành nơi tôn vinh giá trị văn hóa gốm sứ truyền thống Trung Hoa.

 

Phối cảnh tổng thể hướng Đông công trình

Hình khối kiến trúc đặc trưng.

Xing Kiln được biết đến là một trong các địa điểm sản xuất cao lanh và đồ gốm sứ xương trắng nổi tiếng Trung Hoa từ thời cổ đại. Cùng với các di chỉ khảo cổ đồ sộ được phát lộ và công bố trong các năm gần đây, năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã quyết định xây dựng bảo tàng cấp quốc gia  để trưng bày và quảng bá nền văn hóa - văn minh sản xuất gốm sứ, nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa nghề sản xuất gốm sứ truyền thống trong cuộc sống công nghiệp đương đại hiện nay.

 

Hình khối mặt đứng khối trưng bày trung tâm

 

Các khối trưng bày chính được tạo hình như nổi lềnh bềnh trên mặt nước

Sứ xương trắng Xing có nguồn gốc bắt đầu từ triều Tùy và phát triển mạnh trong triều đại nhà Đường cũng như các triều đại tiếp theo. Trong các gia đoạn khi con đường Tơ Lụa giao thương được phát triển, sứ xương trắng Trung Hoa đã được vận chuyển trao đổi ra các nước châu Âu, Trung cận Đông, châu Á... trở thành một sản phẩm danh tiếng được ưa chuộng trên toàn thế giới, một điểm nhấn cho nền văn minh sản xuất truyền thống đã từng phát triển hết sức rực rỡ tại đất nước Trung Hoa cổ đại.

 

Phối cảnh tổng thể hướng Tây công trình

 

Phối cảnh không ảnh chụp cấu trúc mái

Hiểu rõ sứ mệnh thiết kế công trình bảo tàng lịch sử gốm sứ quốc gia Xing Kiln, các kiến trúc sư đã nghiên cứu hệ thống các di chỉ khảo cổ tại chính khu vực được xây dựng cũng như lịch sử gốm sứ trung hoa, để rồi từ đó đề xuất một ý tưởng thiết kế kiến trúc truyền tải về sự vĩ đại của văn hóa gốm sứ trung hoa cũng như hình khối đơn giản gồm các hình vuông và hình tròn biểu trưng của các hiện vật cổ cho một cấu trúc công trình hiện đại của tương lai.

 

Sơ đồ mặt bằng tổng thể

 

Sơ đồ mặt bằng tầng 1

 

Cấu trúc trần nhà trang trí ánh sáng khu vực sảnh trung tâm

Trên diện tích đất xây dựng rộng gần 11000 m2 tại tỉnh Hồ Bắc, lấy hình ảnh khối đế tổ chức theo hình vuông phù hợp với quan niệm trong văn hóa truyền thống trung hoa là đất, phần không gian trưng bày nhô cao với các khối cong nhấp nhô biểu trưng cho ý niệm về trời. Sự hòa hợp các khối tròn và vuông trong cùng một tổ hợp cho phép truyền tải các ý niệm của Triết học Trung Hoa cổ đại trong thiết kế kiến trúc hiện đại. Các khối tròn có sử dụng vật liệu ốp trang trí mặt tiền mầu trắng trong suốt gợi mở hình ảnh các đồ tạo tác  gốm sứ truyền thống đã từng được sản xuất và nổi danh nơi đây.

 

Cấu trúc hình khối mặt bên công trình

 

Kết nối hành lang với công trình trưng bày trung tâm với không gian hồ nước

Với các tổ chức hình khối đặc trưng như trên, các không gian nội thất cũng được tổ chức khá thuận lợi và dễ dàng, trong đó các không gian khu văn phòng - hành chính và khu vực kho lưu trữ bảo quản hiện vật, khu vực phục chế, khu phụ trợ... được bố trí trong phần ngoài của khối đế vuông, đóng vai trò giống như một bức tường ngăn cách bảo tàng với sự đông đúc ồn ào của của các tuyến giao thông nằm cận kề. Khu vực trung tâm bên trong là một phòng trưng bày mở bao quanh một hồ bơi được nâng lên từ mặt đất. Ý tường chủ đạo thiết kế các không gian trưng bày theo giải pháp mở, cho phép người xem hình dung ý niệm về hình ảnh bảy mảnh sứ mộc mạc nổi trên mặt nước. Lối vào chính từ bên ngoài được bố trí  liên hoàn cho phép khách tham quan di chuyển trực tiếp tới  phòng trưng bày chính. Chính giải pháp thiết kế tuyến giao thông liên hoàn, rộng rãi, đối xứng đã cho phép khách tham quan có được những trải nghiệm tiếp nối từ các hiện vật đến cảnh quan giữa các phòng trưng bày, hồ nước và khu quảng trường ở phía bắc.

 

Không gian hành lang kề sát mặt nước ngoài trời

 

Không gian hồ nước bên ngoài khối công trình chính

Các kiến trúc sư đã sử dụng thuật toán máy tính để tính toán sự tương thích về khối tích và kích thước các phần không gian trưng bày. Điều này cho phép các khối tròn vút cao không nằm tách rời đơn lẻ mà hòa trộn - kết hợp lại với nhau trong một tổng thể đồng nhất, để tạo nên những góc nhìn ấn tượng cho công trình. Chính vì thế, du khách tham quan có thể đi bộ dọc theo phòng trưng bày mở vuông. Bất kể ở vị trí nào, du khách cũng sẽ luôn bị thu hút bởi các khoảng trống và sự biến đổi liên hoàn về không gian giữa các khối công trình vát cong. Vào mùa hè, họ có thể đánh giá cao những gợn sóng ánh sáng phản chiếu từ mặt nước trong vắt ở phía dưới bức tường cong bên ngoài, trong khi đó, vào mùa đông, ánh sáng mặt trời ấm áp sẽ đóng băng những khoảnh khắc đẹp nhất.

 

Tạo hình độc đáo khối trưng bày trung tâm

 

Cấu trúc hình khối độc đáo công trình

 

Các không gian biến đổi ngoạn mục giữa các khối công trình ngoài trời

Nơi hiện vật tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Có thể thấy, gốm sứ Trung Quốc có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ. Trải qua nhiều thời đại, cùng với những thăng trầm của lịch sử, gốm sứ Trung Quốc không ngừng chuyển mình, thay đổi và phát triển vươn lên đỉnh cao, để từ đó cho ra những dòng gốm và sản phẩm gốm sứ ấn tượng, đặc sắc.

Vào thời nhà Thương, gốm men tro hay còn được biết đến như gốm men ngọc bắt đầu xuất hiện và từ cuối thời Xuân-Thu tới thời Chiến Quốc, những đồ gốm sứ Trung Quốc có xương gốm cứng cáp, nung ở nhiệt độ cao với lớp họa tiết ấn tượng được hình thành và phát triển. Trước thời Chiến quốc, đồ gốm xám trơn hoặc trang trí họa tiết được sản xuất với số lượng lớn, một trong những ví dụ đó là những chiến binh gốm terracotta được khai quật từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Khi mà loại đồ gốm sứ Trung Quốc tráng men pha chì nung ở nhiệt độ thấp (dùng cho thờ cúng,) phát triển rất mạnh trong suốt thời kỳ Đông Hán, những đồ gốm men ngọc chính gốc bắt đầu được phát triển tại lò nung gốm Yên ở phía Bắc tỉnh Chiết Giang. Loại gốm sứ Trung Quốc này sau thời Tam Quốc đã phát triển nhanh chóng thành một loại hình của riêng nó, như là bình đựng tro. Ở phía Bắc Trung Quốc, đồ gốm tráng men pha chì và gốm men ngọc vẫn được sản xuất trong thời Nam triều. Vào thời Bắc Triệu, gốm tráng men chì nổi bật với loại gốm 2 màu với một lớp men xanh phủ bên ngoài lớp men nền màu vàng; và loại gốm 3 màu cực kỳ độc đáo cũng như một số mẫu vật cho thấy nguồn gốc của dòng đồ sứ trắng sau này.

Tuy nhiên, đồ gốm sứ Trung Hoa cổ đại phát triển rực rỡ nhất vào thời nhà Tùy và nhà Đường bởi những ảnh hưởng của các nền văn hóa khác trong hình dạng cũng như chủ đề. Một lượng lớn đồ đất nung với lớp họa tiết vẽ và những chiếc đĩa, bức tượng men 3 màu đã được sản xuất ra vào thời kỳ này. Ở phía Bắc Trung Quốc, nền sản xuất đồ sứ trắng vốn chỉ sản xuất ở lò nung Xing thời nhà Tùy, cũng đã phát triển tại những lò nung Ding thời Đường. Trong khoảng thời gian này, gốm men ngọc vẫn tiếp tục duy trì và phát triển tại những lò nung gốm Yue. Tại lò nung Changsha, những chiếc chậu rửa với những họa tiết đồng và sắt vẽ dưới men được sản xuất trên quy mô lớn và rất nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

 

Hiện vật gốm sứ trưng bày tại bảo tàng

Để làm rõ hệ thống các giá trị rất đặc trưng và bề dày của nền văn hóa sản xuất gốm sứ Trung Hoa cổ đại, phương án trưng bày của bào tàng là sự kết hợp đồng bộ của cả 2 phương thức trưng bày hiện vật và tái hiện không gian cảnh quan. Sử dụng đồng thời và hòa trộn cùng lúc 02 phương pháp này trong cùng một không gian trưng bày cho phép tạo nên những trải nghiệm rất khó quên với khách tham quan.

 

Các phòng trưng bày chuyên để trong bảo tàng

Bảo tàng Xing Kiln đã sưu tập và giới thiệu hàng loạt các bộ sưu tập gốm sứ cổ đại Trung Hoa qua các thời kỳ, đặc biệt là đồ sứ xương trắng thời Tùy - Đường, cũng như các giai đoạn tiếp sau. Với diện tích trưng bày lên tới 8730 mét vuông, không gian phòng trưng bày trung tâm trưng bày 2760 các hiện vật gốm và khảo cổ các loại. Tại các phòng trưng bày chuyên đề, bảo tàng cũng trưng bày 151 nhóm cổ vật được xếp hạng là bảo vật gốm sứ quốc gia.

Bên cạnh các hiện vật bình sứ nổi tiếng, bảo tàng cũng là nơi trưng bày rất nhiều các hiện vật phù điêu gốm có từ thời cổ đại được lựa chọn và trưng bày tại nơi đây như hai bức tượng hoa sen kích thước lớn Celadon Yang thời Xuân Thu, Bộ tranh phong thủy bằng gốm ngọc thời nhà Đường...

 

Mô hình lò gốm cổ trưng bày tại bảo tàng

 

Khu vực khảo cổ trưng bày bên trong nội thất bảo tàng

Không gian cũng tái hiện hình ảnh lò nung gốm kiểu Châu Châu và Jingxing - tiêu biểu cho nền sản xuất gốm sứ thời kỳ cổ đại. Trong không gia nội thất bảo tàng cũng trưng bày lộ thiên một phần khu khai quật mỏ khai thác đất sét trắng cổ đại phục vụ cho việc chế tác và sản xuất đồ gốm cổ./.

Nguyễn Thị Hải Vân

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou

  • 28/05/2019 10:54
  • 6817

Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou (Centre national d’art et de culture Georges-Pompidou Musee hay Centre Georges-Pompidou) là một trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn nằm ở khu Beaubourg thuộc quận 4, Paris, Pháp. Khánh thành năm 1977, công trình này là một dự án của tổng thống Pháp - Georges Pompidou nhằm tạo ra một trung tâm bảo tàng văn hóa và nghệ thuật đương đại mới ở trung tâm Paris vốn nổi tiếng với các công trình kiến trúc và bảo tàng nghệ thuật cổ điển. Trong nhiều năm, Bảo tàng Georges Pompidou được xem là một hiện tượng, được nhiều nhà phê bình kiến trúc - nghệ thuật, sự hồi tưởng và hồi sinh “sống động” kiến trúc công nghiệp đã từng phát triển rực rỡ tại Châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ đầu thế kỷ 20.

Bài viết khác