Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/12/2013 00:00 411
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Khảo cổ học LWL – Bảo tàng bang Westphalia hiện nay tọa lạc tại quảng trường Châu Âu (Europaplatz) thuộc thành phố Herne (Đức). Bảo tàng này nằm trong hệ thống các cơ quan văn hóa và khảo cổ của Sở Văn hóa LWL (Kulturabteilung), một đơn vị thuộc sự quản lý của Hiệp hội Khu vực Westfalen – Lippe (LWL).

Có thể nói, đây là một trong những bảo tàng có ngôn ngữ và phong cách trưng bày về khảo cổ học hiện đại nhất Châu Âu. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu vài nét khái quát về Bảo tàng Khảo cổ học này.

1. Về lịch sử

Tuy mới được xây dựng trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, nhưng bảo tàng này lại có lịch sử khá lâu đời. Vào năm 1825, thống đốc tối cao của vùng Westphalia (khi đó thuộc Phổ) là Ludwig Freiherr Vincke đã ra thông báo thành lập “Bảo tàng Cổ vật Ái quốc” đặt tại Munster. Đến năm 1930, Ban khảo cổ học của Bảo tàng được bố trí một cơ sở riêng, đó là một trường học của nhà thờ ở Munster. Năm 1934, Ban khảo cổ này được tách ra để thành lập “Bảo tàng Quốc gia về thời Tiền sử và Lịch sử sớm”. Từ năm 1970 đến 1980, tòa nhà của bảo tàng được xây dựng ở Rothenburg (Munster), các phòng ban cũng được kiện toàn trong thời gian này.

Mặt trước của Bảo tàng Khảo cổ học LWL.

Bảo tàng giới thiệu những phát hiện khảo cổ ở vùng Westphalia từ thời đại đồ Đá cho đến thế kỉ 8 sau Công nguyên. Đến năm 1980 thì Bảo tàng được đổi tên thành “Bảo tàng Khảo cổ học Westphalia”. Năm 1991, Hiệp hội Khu vực Westfalen – Lippe quyết định chuyển Bảo tàng đển thành phố Herne. Năm 1997, một cuộc thi thiết kế kiến trúc quốc tế được mở ra, nhằm lấy ý tưởng xây dựng Bảo tàng mới. Bảo tàng bắt đầu được xây dựng từ năm 1999 và khánh thành vào mùa hè năm 2002. Từ tháng 9 cùng năm, hệ thống trưng bày cố định bắt đầu được triển khai và đến tháng 3 năm 2003 thì hoàn thiện và bắt đầu mở cửa đón khách tham quan.

Ý tưởng Bảo tàng Khảo cổ ấn tượng ngay khi vào là các cọc hố khai quật.

Chỉ trong vòng một tháng, Bảo tàng đã đón 10,000 lượt khách. Đến tháng 10/2003, con số này tăng lên là 50,000 người. Đến tháng 2/2007, Bảo tàng được đổi tên thành “Bảo tàng Khảo cổ học LWL – Bảo tàng bang Westphalia” như hiện nay. Tính đến tháng 5/2008, Bảo tàng đã đón 400,000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu.

2. Về hệ thống trưng bày:

Với tư cách là một bảo tàng khảo cổ học, toàn bộ hệ thống trưng bày của bảo tàng được thiết kế sâu dưới lòng đất.

Trưng bày thể hiện địa tầng hố khai quật.

Điều này gợi cho khách tham quan cảm giác về bối cảnh khai quật khảo cổ học, thông qua việc đi sâu dưới lòng đất để khám phá quá khứ. Hệ thống trưng bày chính có diện tích khoảng 2,900m2, tập trung trong khung niên đại kéo dài từ thời Đá cũ cho đến Thế chiến thứ 2, với những phát hiện khảo cổ học ở vùng Westphalia, trong đó khách tham quan không chỉ đến để chiêm ngưỡng hiện vật khảo cổ mà còn có thể cảm thấy mình cũng chính là nhà khảo cổ đang truy tìm dấu vết quá khứ.

Trưng bày diễn biến và mặt bằng hố khai quật.

Hệ thống trưng bày được thiết kế như một cuộc khai quật trên công trường, qua đó khách tham quan có thể hiểu được công việc của nhà khảo cổ cũng như có thể tự mình trải nghiệm cảm giác đó. Bên cạnh đó, khách tham quan còn có thể cảm nhận được những cảm giác rất thật từ quá khứ, ví dụ như: cái lạnh của kỉ băng hà, sự dữ dội của cuộc chiến giữa người Frank và người Saxon, hay những “mùi vị” của thời Trung cổ.

Tuyến thăm quan cắt ngang hố khai quật.

Tức là, khách tham quan sẽ cảm nhận trưng bày với tất cả các giác quan. Tất cả những gì liên quan đến đời sống con người như khí hậu, thời gian, chữ viết, tình dục… đều được thiết kế những gian trưng bày riêng. Trên tuyến trưng bày luôn có những lát cắt nhỏ để khách tham quan có thể so sánh với các khu vực khác ở Châu Âu và trên thế giới.

Bên cạnh hệ thống trưng bày chính, mỗi năm bảo tàng đều cố gắng thực hiện một trưng bày chuyên đề. Phạm vi của trưng bày chuyên đề không chỉ tập trung trong khu vực Westphalia mà còn mở rộng ra cả Châu Âu và thế giới, với nội dung liên quan đến lịch sử và văn hóa nhân loại, và trưng bày chuyên đề “Báu vật Khảo cổ học Việt Nam” cũng là một trong số đó.

Nói tóm lại, đây là một bảo tàng mới được xây dựng, với ngôn ngữ trưng bày hiện đại, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, trẻ trung và giàu sáng tạo. Đây thực sự là một điểm đến lý tưởng đối với những ai quan tâm đến khảo cổ học, lịch sử và văn hóa, không chỉ ở Đức mà cả trên bình diện Châu Âu.

Nguyễn Văn Đoàn, Trương Đắc Chiến

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Khám phá kỳ quan cổ đại bị lãng quên

Khám phá kỳ quan cổ đại bị lãng quên

  • 26/04/2013 00:00
  • 342

Điều bất ngờ là ở niên đại 9.000 trước công nguyên, người xưa đã thể hiện kỹ thuật khá cao.