Tác giả: Lê Cung; Nxb: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; Khổ sách: 16 cm x 24 cm; Số lượng: 413 tr.; Năm: 2015.
Đô thị miền Nam là hậu cứ quan trọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong những năm 1954-1975. Đây cũng là một trong ba vùng chiến lược của cách mạng, nơi diễn ra phong trào đấu tranh rộng lớn, phong phú của hàng triệu đồng bào thuộc hầu hết các giai tầng xã hội.
Xuất phát từ lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước, nhân dân các đô thị miền Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã thực sự “dậy mà đi”, từng bước vạch trần bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam và đấu tranh không khoan nhượng với các chính quyền Sài Gòn nối tiếp nhau, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhờ vậy, phong trào đã thu hút hầu hết các giai tầng xã hội ở các đô thị, không chỉ công nhân, nhân dân lao động, sinh viên, học sinh, đồng bào tôn giáo, tiểu thương, tiểu chủ, tư sản dân tộc mà kể cả sĩ quan, binh lính, cảnh sát và những viên chức cao cấp trong bộ máy chính quyền Sài Gòn như bộ trưởng, nghị sĩ, dân biểu,…
Cuốn sách “ Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) “gồm 27 bài viết của 20 tác giả, từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng - Tổng Bí thư Lê Duẩn, người đứng đầu “Đội quân tóc dài” - Nguyễn Thị Định, những người từng trực diện hứng chịu dùi cui, ma trắc, tù đày,... - Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Hữu Nhựt đến những nhà nghiên cứu uy tín của các trường đại học đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh khá sinh động về phong trào đô thị miền Nam 1954 - 1975. Tác phẩm sẽ giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử đấu tranh hào hùng mang tính sử thi của nhân dân các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời đem đến những gợi ý thú vị cho những ai muốn đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử phong trào này một cách toàn diện và hệ thống.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)