Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/10/2015 00:00 446
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tác giả: Trần Ngọc Vương, Trần Công Trục, Đinh Hoàng Thắng; Nxb: Thông tin và truyền thông; Khổ sách: 14,5 cm x 20,5 cm; Số lượng: 258 tr.; Năm: 2015.

Cách đây chưa lâu, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép Gián khoan hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việc này đã làm dấy lên làn sóng dư luận phản đối Trung Quốc mạnh mẽ ở Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Hành động này thể hiện một nấc thang mới trong việc áp đặt mang tính nước lớn của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông nói chung và xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam nói riêng. Song hành với hành động ngang ngược nói trên, Trung Quốc tiến hành xây dựng một cách trái phép các đá ngầm, bãi cạn thành các đảo nhân tạo bằng cách hủy hoại các rạn san hô tại bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nhìn rộng ra, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, biên giới và hải đảo của Tổ quốc là một công việc thiêng liêng, trọng đại và phức tạp. Ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau của quốc gia - dân tộc, cuộc đấu tranh đó lại mang những đặc điểm, sắc thái khác nhau, lại đòi hỏi những biện pháp và phương thức đấu tranh khác nhau. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt lãnh thổ trên biển và lãnh hải ở Việt Nam hiện thời là một cuộc đấu tranh phức tạp về nhiều mặt, đòi hỏi không chỉ các nhân tố nội lực truyền thống mà đòi hỏi người tham gia đấu tranh phải có tri thức đa chiều, có văn hóa chính trị, hiểu biết về lịch sử và ngoại giao, biết huy động cả công pháp và lý luận, dư luận quốc tế.

“Sự kiện giàn khoan hải dương 981 và tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông” cung cấp cho độc giả có được những hiểu biết trung thực, khách quan về Biển Đông và chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng biển và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

Cuốn sách gồm 3 nội dung chính:

Phần 1: Lộ trình hiện thực hóa tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Phần 2: Cơ sở lịch sử - pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vi phạm của Trung Quốc nhìn từ luật pháp quốc tế

Phần 3: Quan điểm của Việt Nam và dư luận thế giới trước tham vọng của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: