Tác giả: Nguyễn Văn Trung; Nxb: Trẻ; Khổ sách: 15.5 cm x24 cm; Số lượng: 641 tr.; Năm: 2015.
Đây là một tập khảo cứu của giáo sư Nguyễn Văn Trung về Nam Bộ thông qua các tài liệu văn, sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam trong giai đoạn từ năm 1865 đến năm 1930.
Bằng những tài liệu sách báo chữ Quốc ngữ còn lưu trữ được tại Việt Nam, tác giả đưa người đọc khám phá chính vùng đất mình đang sống bằng những văn bản và sử liệu có thật được công bố trên báo chí và xuất bản ở miền Nam giai đoạn đầu Pháp thuộc đến năm 1930.
Qua tác phẩm, người đọc sẽ khám phá một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua bởi ở chính vùng đất này những tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên xuất hiện, theo đà phát triển của xã hội, sau báo là sách, sách tuyên truyền về chính sách mới, sách truyền đạo và sách giải trí. Sự thoái trào của nền Nho học ở vùng đất mới là cơ sở để chữ viết mới là Quốc ngữ có cơ hội phát triển theo đà phát triển của xã hội cộng với nhu cầu hội nhập vào xã hội mới của một bộ phận cư dân thành thị và những người mới giàu ở nông thôn.. Chính bộ phận này cùng với sự hình thành tầng lớp trí thức mới theo Tây học đã làm cho vùng đất mới- Lục Châu, sau này gọi là Lục tỉnh, Nam Bộ đã tạo nên một sinh khí cho nền báo chí và xuất bản trong buổi đầu xứ Nam Bộ trở thành thuộc địa. Cái mốc 1930 được tác giả chọn để hạn chế sự nghiên cứu trong tập sách này như một thời điểm đánh dấu sự ra đời của một quan điểm mới về văn sử từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam... Ngoài ra, trong tập sách , tác giả cũng đề cập đến nhiều vấn đề như Chính sách văn hóa của Pháp và ảnh hưởng văn hóa Pháp ở miền Nam thời kỳ đầu thuộc địa, về báo chí, văn xuôi và lý luận, về buổi sơ khai của đạo Thiên chúa ở miền Nam...
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)