Tác giả: Philippe M.F.Peycam; Nxb: Trẻ; Khổ sách: 14 cm x20 cm; Số lượng: 458 tr. ; Năm: 2015.
Đây là công trình nghiên cứu độc lập về báo chí Sài Gòn thời kỳ đầu tiên dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ đầu những năm 1920, người Việt thấy rằng các hoạt động công khai được tiến hành trong phạm vi luật lệ thực dân, chủ yếu thông qua báo chí đã mở ra một kênh phát ngôn chính trị khả dĩ đối thoại được với chính quyền thực dân Pháp. Một số ký giả sử dụng chữ quốc ngữ để xác định vai trò công khai của mình là những người quảng bá việc hiện đại hóa xã hội và văn hóa cùng với việc tự hoàn thiện thông qua giáo dục. Tuy bị hạn chế vì kiểm duyệt gắt gao, họ vẫn tin vào tầm quan trọng của hoạt động công khai và mong đợi sự đón nhận của đồng bào. Một số khác lại chọn cách viết bằng tiếng Pháp cho các tờ báo vốn thường được ra đời với sự tán thành lúc đầu của chính quyền. Những năm 1920 vì thế đã chứng kiến sự ra đời lẫn kết thúc nỗ lực đầu tiên của Việt Nam trong việc phát động phản kháng chính trị công khai qua phương tiện báo in “tư sản” cùng các hoạt động chính trị liên đới là thuyết phục bằng bút chiến và tranh luận.
“Làng báo Sài Gòn 1916 – 1930” của tác giả Peycam tái hiện một thời kỳ làm báo sôi nổi của trí thức Sài Gòn và Việt Nam, với những tờ báo có số phận chỉ vài tháng hay vài số báo, thậm chí một số báo duy nhất đã chỉ rõ vai trò hạn chế hoặc nửa vời hoặc hai mặt của báo chí Sài Gòn thời kỳ này trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong bối cảnh của một dân tộc bị mất nước nhưng quyết không cam chịu làm nô lệ.
Tác phẩm gồm 2 nội dung chính:
Phần I. Nguồn gốc môi trường công khai ở Sài Gòn.
Phần II. “Làng báo” như một lực lượng chính trị.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)