Tác giả: Phan Trọng Báu; Nxb: Khoa học xã hội; Khổ sách: 14.5 cm x 20.5 cm; Số lượng: 326 tr.; Năm: 2015.
Khi mới đặt chân lên đất nước ta, người Pháp có tham vọng chỉ trong ba thế hệ là có thể “Pháp hóa” được nền giáo dục của chúng ta, nghĩa là bắt nhân dân ta phải nói và suy nghĩ bằng tiếng Pháp, dùng chữ Pháp như họ đã từng thực hiện thành công ở một số nước châu Phi. Nhưng chỉ sau một thời gian, họ đã phải thừa nhận “Việt Nam là một nước văn hiến lâu đời”, do đó họ đã thất bại trong chính sách “Pháp hóa” và phải thay đổi chiến thuật “lấn dần từng bước”. Sau hai lần cải cách giáo dục năm 1906 và 1917, họ đã dần dần thay thế được nền giáo dục Nho giáo khoa cử chỉ có văn chương phú lục bằng nền giáo dục thực nghiệm có khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Sau nhiều lần bổ sung chương trình, từ năm 1930 trở đi, nền giáo dục này đã hoàn chỉnh với các hệ phổ thông, cao đẳng, đại học và dạy nghề….
Cuốn sách “Giáo dục việt Nam thời cận đại” là một công trình khoa học, cho người đọc thấy được một bức tranh toàn cảnh của một giai đoạn chuyển đổi, một bước ngoặt quan trọng của giáo dục ở nước ta từ giáo dục khoa cử Nho giáo sang nền giáo dục thực nghiệm mà còn có thể nhận định một số vấn đề như: Nhân dân ta đã tiếp thu nền giáo dục thực nghiệm của người Pháp như thế nào? Vì sao người Pháp không thể “Pháp hóa” được dân tộc ta mặc dù họ đã xác lập được nền giáo dục trên đất nước ta? Tại sao chúng ta có thể dạy bằng tiếng mẹ đẻ từ tiểu học lên đến đại học ngay sau khi giành được độc lập? vv.
Tác phẩm gồm hai nội dung chính:
Phần thứ nhất. Sự hình thành và phát triển của nền giáo dục Việt Nam thời cận đại, đó là nền giáo dục chính thống của người Pháp tổ chức trên đất nước ta.
Phần thứ hai: Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực giáo dục: Sự ra đời và phát triển của dòng giáo dục yêu nước và cách mạng, do những nhà yêu nước sáng lập, đối lập với nền giáo dục của người Pháp.
Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)