Tác giả: Nguyễn Thanh Lợi; Nxb: Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; Khổ sách: 16cmx24cm; Số lượng: 375 tr.; Năm: 2014
Việt Nam là một quốc gia biển ở Đông Nam Á, sở hữu một đường bờ biển dài, suốt từ đại đầu Móng Cái đến tận Hà Tiên. Với 28 tỉnh thành giáp biển,trên 3000 hòn đảo lớn nhỏ, chiếm diện tích khoảng 1.630 km2, nước ta đã là một cường quốc về biển. Đó là nguồn lợi lớn về tài nguyên thủy sản, tài nguyên khoáng sản, lợi thế phát triển kinh tế cảng biển, vận tải biển…. Bên cạnh những tiềm năng kinh tế, chúng ta còn có một nền văn hóa biển hết sức phong phú, đa dạng. Đó là những nền văn hóa khảo cổ, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, ngành nghề truyền thống, kho tàng văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng, tri thức dân gian…liên quan đến biển.
“Một góc nhìn về văn hóa biển” là một công trình nghiên cứu về văn hóa biển, cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết đầy đủ về văn hóa biển Việt Nam. Cuốn sách gồm 19 bài viết với các chủ đề về địa lý, lịch sử, văn hóa liên quan đến biển. Thông qua từng trang sách chúng ta có thể thấy được những nét giàu đẹp của biển đảo quê hương, được hiểu hơn về lịch sử ý nghĩa của những địa danh vốn đã rất quen thuộc như: Phú Quý, Vũng Tàu, Côn Đảo, được về thăm các hải đảo ở vùng biển Tây Nam của tổ quốc – một vùng biển giàu tài nguyên lẫn những nét văn hóa độc đáo…Bên cạnh đó, các dạng thức tín ngưỡng đậm sắc thái biển được tác giả trình bày qua những bài nghiên cứu về tục thờ cá Ông, cô hồn biển, Đại Càn, Thủy Long, kiêng kỵ của ngư dân, tục vẽ mắt thuyền…từ duyên hải miền Trung cho đến vùng biển Tây Nam Bộ cho thấy từ rất sớm biển đã có những ảnh hưởng quan trọng tới đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân biển đảo với những quan hệ giao lưu văn hóa trong lịch sử dân tộc.
Cuốn sách hiện đang đang được lưu giữ tại Thư viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phạm Trang Nhung (Phòng Tư liệu – Thư viện)