Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/11/2016 00:00 458
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cây đèn là một trong những vật dụng gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt cũng như trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt.

Ngay từ thời kì văn hóa Đông Sơn, nhiều cây đèn đồng với các kiểu dáng khác nhau đã được phát hiện, đặc biệt là cây đèn hình người quỳ bằng đồng ở Lạch Trường (Thanh Hóa). Trong các giai đoạn lịch sử sau đó, đèn tiếp tục được phát hiện, đặc biệt là dưới thời Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Những cây đèn thời Nguyễn rất phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình. Điều này được minh chứng rất rõ qua sưu tập cây đèn thời Nguyễn (có niên đại đầu thế kỉ 20) đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Sưu tập cây đèn bao gồm: các loại giá treo đèn sắt ( giá treo đèn hình “rồng, phượng”, giá treo đèn hình “cây trúc trang trí rồng, phượng”, giá treo đèn hình “Tòa cửu long”,…) và chân đèn gỗ ( chân đèn hình “trúc hóa long”, chân đèn trang trí “voi, rồng, hoa mai, sen”...). Trang trí các đề tài như: tứ linh, tứ quý, hoa lá, ... mỗi chi tiết, đường nét đều được thể hiện tinh xảo đã thể hiện sự khéo léo cũng như trình độ thẩm mỹ của những nghệ nhân xưa.

Trong sưu tập này, giá treo đèn hình “cây trúc trang trí rồng, phượng” là một trong những cây đèn khá đặc sắc. Đèn cao khoảng 1,5m, gồm có 3 phần : thân, giá treo quang và đế đèn.

Thân đèn thể hiện hình một đoạn trúc cắm vào đế đèn, dạng chân quỳ, được giằng kết với nhau bằng hai thanh sắt dẹt theo hình chữ thập, tạo nên một bệ đỡ vững chắc. Bám vào thân trúc là những cành trúc hóa long được diễn tả vừa hư, vừa thực, mang đậm yếu tố truyền thống mà trong rất nhiều tác phẩm mỹ thuật thời Nguyễn thể hiện đề tài này. Tuy nhiên, trên thân đèn, không chỉ có cành trúc, mà cả mai, là những yếu tố trong đề tài tứ quý “Tùng, Cúc, Trúc, Mai”. Các đĩa đèn được gắn trực tiếp trên các cành trúc, cành mai hoặc tạo nên những quang treo hình tròn treo ngay trên những cành cây.

Trên giá treo quang đèn là hai lớp đĩa đèn hình tròn, được cách điệu hình chim phượng, đang xòe cánh, mở rộng đuôi, giống như thế lao xuống, nhưng nghệ nhân đã khéo léo tạo nên đầu phượng nghếch lên, với mào bay hất về phía sau.

Phong cách trang trí trên cây đèn cho thấy, cây đèn đã hội tụ sự có mặt của “Trúc, Mai” và “Rồng, Phượng” đều là sự biểu hiện của “Tứ quý” và “Tứ linh”, theo đó, cây đèn đã nói được vị trí của nó lúc đương thời. Đây là những đề tài phổ biến trang trí trong mỹ thuật thời Nguyễn.

Giá treo đèn hình "Tòa cứu long"

Bên cạnh đó, giá treo đèn hình “Tòa cửu long” là hiện vật mang đậm yếu tố mỹ thuật thời Nguyễn. Đây là giá treo đèn được làm theo mẫu hình chung của tòa Cửu Long thờ Thích Ca sơ sinh trong các Phật điện đó là: một tòa hình vòng cung trên đó trang trí 9 con rồng phun nước mà theo Phật thoại là để tắm cho Thích Ca lúc mới sinh ra. Hình ảnh rồng phun nước còn thể hiện ước mong cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Chân đèn được trang trí 9 rồng chầu nhật ẩn hiện trong mây. Rồng còn là biểu tượng của vương quyền, sức mạnh và sự trường tồn của các triều đại phong kiến. Xen kẽ là 28 đĩa đèn dầu tượng trưng cho 28 vì tinh tú (ngôi sao sáng) mà theo các nhà thiên văn học thì bầu trời được chia ra 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi hướng gồm có 7 chùm sao và thường gọi là Nhị Thập Bát Tú. Các nhà thiên văn còn dựa vào vị trí các sao để tính thời tiết bốn mùa. Với cách trang trí trên cây đèn cũng như ánh sáng từ nhiều đĩa đèn chắc hẳn đã tạo cho cây đèn như một tác phẩm nghệ thuật rực rỡ trong một không gian lung linh, huyền ảo.

Giá treo đèn hình “cây trúc trang trí rồng, phượng”

Cùng với giá treo đèn bằng sắt, thì cặp chân đèn bằng gỗ chạm cũng mang lại điểm độc đáo cho phần trưng bày. Đặc biệt, chân đèn trang trí “voi, rồng, hoa mai, sen”... với sự kết hợp khéo léo giữa các kĩ thuật chạm nổi, chạm bong kênh, chạm lộng (chạm thủng) cầu kỳ, tinh xảo tạo cho chân đèn như một tác phẩm nghệ thuật sinh động.

Chân đèn cao khoảng 1m, gồm có 3 phần : đế, thân và đĩa đèn. Trong bộ tứ linh, rồng là con vật huyền thoại, linh thiêng, đầy quyền uy. Rồng còn là biểu tượng cho cội nguồn dân tộc. Chính vì vậy mà phía dưới đế chân đèn trang trí ba đầu rồng uốn cong mềm mại tạo thành chạc ba chân vững chắc gắn chặt với trụ thân đèn nâng đỡ toàn bộ thân và đĩa đèn. Mình rồng uốn lượn quanh thân chân đèn xen kẽ những hoa mai, hoa sen. Bên cạnh đó, những cánh sen cách điệu tạo thành đĩa đèn nâng đỡ 4 chú voi và trên đầu voi đều có trụ nổi để gắn đèn. Trong bộ Tứ quý, cây mai tượng trưng cho sự thanh cao và khí tiết của người quân tử. Hoa mai luôn mang lại điềm lành, hạnh phúc và mùa xuân. Chính vì vậy mà ở chân đèn này, cây mai được tạo dáng mềm mại nhưng cũng không kém phần rắn rỏi. Hoa sen luôn có vị trí và vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa. Từ bao đời nay, hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hóa của người Việt. Sự hình thành của hoa sen diễn ra theo quy luật nhân quả luân hồi với những bông sen có cả nụ, đài và hạt sen. Hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai. Vì vậy hoa sen trở thành biểu tượng trong nghệ thuật Phật giáo. Từ ý nghĩa tâm linh ấy, hoa sen còn đi vào tâm thức con người và trở thành hình tượng trong kiến trúc điêu khắc, văn học của người Việt Nam. Voi là con vật biểu tượng cho sức mạnh, sự hùng dũng vì thế trên chân đèn ta thấy voi có chức năng đỡ đèn. Sức mạnh vô biên của voi có thể chinh phục vạn vật. Hơn nữa, voi được xem như vật mang đến điều tốt lành và thịnh vượng. Sự kết hợp của bốn đề tài trang trí trên chân đèn càng làm tăng thêm ý nghĩa về hạnh phúc, sự sum vầy và phát triển.

Như vậy, qua sưu tập cây đèn sắt, gỗ đầu thế kỉ 20 cho thấy rằng, ở triều Nguyễn cây đèn được sử dụng rất phổ biến. Cây đèn có mặt trong hầu hết trong các di tích, các đình, đền, chùa, miếu, từ đường,...càng thấy Tín ngưỡng - Thần linh - Cây đèn như “tam bảo” trong đời sống cũng như trong cõi chết của người Việt. Trong các hoạt động tế lễ về ban đêm thì ánh sáng của cây đèn đóng một vai trò quan trọng. Điều này được xem như là sự phản ánh cao quý của mặt trời, trăng và sao. ánh sáng phát ra từ cây đèn như hào quang chói lọi. ánh hào quang đó đưa lại cho mỗi con người luôn tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử.

Bên cạnh đó, cây đèn còn được xem là biểu hiện luân hồi của tạo hóa. Điều đó có nghĩa, chúng là vật dẫn đường chỉ lối cho người chết du ngoạn ở thế giới bên kia. Những ý tưởng này xem ra khá trùng hợp với hiện tượng khảo cổ học thường thấy ở đầu Công nguyên, khi những cây đèn chủ yếu tìm thấy trong các ngôi mộ và chủ nhân của những ngôi mộ ấy cùng với gia tộc của họ quan niệm, người chết sang thế giới bên kia, sống trong một vũ trụ khác, bao la hơn, cũng có trăng, có sao, có mặt trời và hào quang được phát ra từ những cây đèn. Nó đi liền với quan niệm “của đồng chia ba, của nhà chia đôi” để người xuống cõi âm vẫn có đồ dùng như khi sống. Quan niệm ấy tồn tại cho tới tận ngày nay, phổ biến ở các dân tộc phương Đông, mà ở Việt Nam phiên bản là việc đốt vàng mã.

Sưu tập cây đèn sắt, gỗ đã thể hiện được giá trị nghệ thuật độc đáo của thế kỉ 20. Với những kiểu dáng, đề tài trang trí đã tuân thủ nguyên tắc truyền thống dân gian, phù hợp với không gian bài trí án thờ, tế lễ của văn hóa thời Nguyễn nói riêng và người Việt nói chung.

Bài: Phạm Thị Huyền

Ảnh: Quang Hưng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: