Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/11/2016 00:00 397
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Năm 2011, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập, cùng với 15 phòng ban khác, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm được hình thành trên cơ sở kết hợp giữa phòng Nghiên cứu - Sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Đây đều là những phòng “xương sống” của 2 bảo tàng tiền thân với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và sưu tầm các tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác lưu giữ và trưng bày giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật về quá trình hình thành dân tộc và diễn trình lịch sử Việt Nam.

Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay có 26 cán bộ (2 nghiên cứu sinh, 8 thạc sĩ), chủ yếu tốt nghiệp các trường Đại học chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn và làm việc đúng với chuyên ngành được đào tạo. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập, chúng tôi xin đánh giá lại những hoạt động chính của phòng Nghiên cứu - Sưu tầm trong thời gian qua, đồng thời xác định những định hướng nghiên cứu trong thời gian tới.

1. Công tác điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học

Điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học là hoạt động chính trong nghiên cứu khảo cổ học của phòng Nghiên cứu - Sưu tầm. Công tác này luôn được tổ chức đều đặn hàng năm với nhiều cuộc khảo sát và khai quật ở khắp cả nước, thuộc nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Trong 5 năm qua, Phòng đã thực hiện 14 cuộc khai quật các di tích từ thời Đồ đá mới, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, văn hóa Tiền Óc Eo - Óc Eo, văn hóa Champa, 10 thế kỷ đầu Công nguyên và các di tích thời Đại Việt... Các cuộc khai quật này đã góp phần bổ sung những kết quả nghiên cứu mới và hàng ngàn hiện vật cho kho và hệ thống trưng bày của Bảo tàng.

Bên cạnh các cuộc khai quật trên, trong 5 năm qua nhiều cuộc điều tra, khảo sát nhằm tìm hiểu và đánh giá các di tích khảo cổ học cũng được phòng thực hiện thường xuyên. Ngoài các di tích văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh - Champa, văn hóa Óc Eo - Phù Nam, một số di tích thuộc các thời kỳ lịch sử khác ở các tỉnh Tây Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên… cũng được điều tra, khảo sát. Những cuộc khảo sát này chính là tiền đề triển khai các đợt khai quật vừa qua và các cuộc khai quật sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Hợp tác với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh), năm 2012.

Đặc biệt, nhiều năm qua phòng Nghiên cứu - Sưu tầm được cơ quan giao nhiệm vụ phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Đại học Đông Á (Nhật Bản), Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia Hàn Quốc thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu có hiệu quả như: khai quật di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh), khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh), khảo sát các ngành nghề truyền thống của cư dân biển và đã xuất bản sách Thuyền truyền thống Việt Nam năm 2013...

2. Công tác sưu tầm hiện vật

Ngoài công tác nghiên cứu, khảo sát, khai quật khảo cổ, trong 5 năm qua phòng cũng đẩy mạnh việc sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật cho kho bảo quản và hệ thống trưng bày.

Cán bộ sưu tầm gặp gỡ nhân chứng để sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh về cựu tù chính trị, năm 2014.

Từ năm 2011 đến nay, phòng đã sưu tầm được gần 4.000 tài liệu hiện vật đặc sắc để phát huy trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan. Đó đều là những hiện vật có giá trị, ngay sau khi hoàn thiện hồ sơ khoa học đã phát huy trưng bày về văn hóa Đông Sơn, Champa, Óc Eo - Phù Nam và các thời kỳ lịch sử, văn hóa Đại Việt, giai đoạn Cận - hiện đại tại Bảo tàng. Những kết quả nghiên cứu, những hiện vật mới sưu tầm đó đã góp phần làm tăng thêm số lượng đáng kể khách tham quan trong và ngoài nước đến với Bảo tàng cũng như phục vụ hiệu quả cho các trưng bày chuyên đề ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pháp, Mỹ…tạo nên những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế.

3. Xuất bản các ấn phẩm

Trong 5 năm qua, nhiều ấn phẩm đã được phòng Nghiên cứu - Sưu tầm biên tập và phối hợp xuất bản được các nhà nghiên cứu đánh giá cao, là những tài liệu tham khảo có giá trị. Trong đó, tiểu biểu là: Thông báo khoa học: Đây là cuốn sách tập hợp các bài viết về các vấn đề khảo cổ học, lịch sử văn hóa, bảo tàng và truyền thông, xuất bản mỗi năm 2 số. Thông báo khoa học được biên tập tỉ mỉ, trình bày cẩn thận, đảm bảo tính khoa học và thẩm mỹ, được đánh giá là một ấn phẩm có hình thức in ấn đẹp trong số các tạp chí ngành khoa học xã hội nói chung và bảo tàng nói riêng. Ngoài ra, phải kể đến các ấn phẩm như: Thuyền truyền thống Việt Nam, Trống đồng Việt Nam - Giá trị lịch sử và nghệ thuật, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu, Di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh, Việt Nam)...

4. Tổ chức Hội thảo, tọa đàm khoa học

Cùng với những nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm, những năm qua, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm đã tổ chức thành công một số hội thảo và tọa đàm khoa học như: Hội thảo Hoạt động khảo cổ học 2012 - 2013, Hội thảo 90 năm văn hóa Đông Sơn, Tọa đàm Di sản Văn hóa Biển Việt Nam. Các buổi hội thảo, tọa đàm đã thu hút đông đảo các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước và các cán bộ chuyên môn. Qua đó đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các bạn đồng nghiệp, góp phần củng cố thêm những kết quả nghiên cứu Bảo tàng đã đạt được, cũng như hoạch định những hướng nghiên cứu trong tương lai.

5. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học

Trong 5 năm qua, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm đã đăng ký và tổ chức thực hiện 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện về các mảng Tiền - Sơ sử, lịch sử và Cận - Hiện đại. Các đề tài chính là kết quả nghiên cứu của các cán bộ trong Phòng trải qua thực tiễn công việc trong quá trình công tác của mình.

6. Công tác phục chế, phục dựng hiện vật

5 năm qua, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm rất chú trọng công tác phục chế, phục dựng các hiện vật sau khai quật. Với hơn 300 hiện vật được phục dựng luôn đảm bảo tính khoa học, có tính thẩm mỹ cao góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác nghiên cứu cũng như phát huy giá trị trưng bày hiện vật.

Công tác phục chế, phục dựng hiện vật sau khai quật.

Việc phục chế, phục dựng của phòng Nghiên cứu - Sưu tầm đã đạt được nhiều thành công và luôn được đánh giá cao trong giới nghiên cứu khảo cổ học.

7. Một số định hướng nghiên cứu trong thời gian tới

Phát huy những kết quả đã đạt được trong hoạt động 5 năm qua, trong thời gian tới phòng Nghiên cứu sưu tầm tiếp tục xác định định hướng nghiên cứu tiếp theo:

- Tiến hành điều tra khảo sát khảo cổ học tại các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ…tiến tới tổ chức các cuộc khai quật khảo cổ học tại các khu vực đó. Đồng thời, đẩy mạnh việc sưu tầm hiện vật nhằm bổ sung thêm tư liệu, hiện vật cho bảo tàng, phát huy giá trị trưng bày, phục vụ đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai.

- Tiếp tục thực hiện các ấn phẩm hàng năm của Bảo tàng, trong đó chú trọng mục tiêu nâng tầm ấn phẩm Thông báo khoa học cả về nội dung và hình thức trình bày để xứng tầm với vị thế của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Phòng cũng đề ra định hướng xây dựng đề cương để hình thành và xuất bản nhiều hơn nữa các ấn phẩm khoa học và những kỷ yếu cho các cuộc hội thảo khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai.

- Phát huy những thành quả đã đạt được của hoạt động phục chế phục dựng hiện vật khảo cổ học, đồng thời, áp dụng các công nghệ, kĩ thuật tiên tiến trong phục chế phục dựng. Cùng với đó, phòng Nghiên cứu sưu tầm cũng chú trọng công tác định hướng và đào tạo cán bộ kĩ thuật cho việc phục chế phục dựng hiện vật.

- Đẩy mạnh việc phối hợp với các Bảo tàng và các Viện nghiên cứu nước ngoài tiếp tục thực hiện các chương trình nghiên cứu: với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc triển khai nghiên cứu các di tích Phật giáo ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 13; với Đại học Đông Á (Nhật Bản) tiếp tục nghiên cứu thành cổ Luy Lâu và hệ thống di tích mộ gạch; với Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia Hàn Quốc tiếp tục khảo sát hệ thống thương cảng cổ Việt Nam chuẩn bị cho việc xuất bản sách về Cảng thị Việt Nam vào năm 2019-2020, cũng như triển vọng trong việc phối hợp khai quật khảo cổ học biển... trong thời gian tới.

- Khuyến khích, động viên các cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các khóa học đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Đồng thời đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học… Đặc biệt, phòng đang tiếp tục cử cán bộ trẻ tham gia vào đào tạo về khảo cổ học dưới nước, nhằm phục vụ các hoạt động khảo cổ học dưới nước của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai.

Trong thời gian tới, hoạt động của phòng Nghiên cứu - Sưu tầm hứa hẹn nhiều cơ hội mới nhưng cũng có nhiều thánh thức phải vượt qua. Những hoạt động của phòng Nghiên cứu - Sưu tầm là sự tiếp nối truyền thống của các thế hệ trước đây. Các hoạt động này đã, luôn và sẽ tiếp tục được các cán bộ của Phòng đẩy mạnh nhằm đưa phòng Nghiên cứu - Sưu tầm trở thành một phòng "xương sống" của Bảo tàng Lịch sử quốc gia./.

Ths. Nguyễn Mạnh Thắng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Công tác Tư liệu – Thư viện BTLSQG thời gian qua

Công tác Tư liệu – Thư viện BTLSQG thời gian qua

  • 14/11/2016 00:00
  • 444

Năm 2011, ngay sau khi có quyết định sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phòng Tư liệu- Thư viện được hình thành trên cơ sở Phòng Tư liệu- Thư viện - Đối ngoại của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và hai bộ phận Thư viện, kho Phim ảnh của Phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.