Năm 2011, ngay sau khi có quyết định sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phòng Tư liệu- Thư viện được hình thành trên cơ sở Phòng Tư liệu- Thư viện - Đối ngoại của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và hai bộ phận Thư viện, kho Phim ảnh của Phòng Kiểm kê - Bảo quản, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Phòng Tư liệu - Thư viện đã nhanh chóng ổn định về cơ cấu nhân sự, kiện toàn chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, phòng làm việc, phòng đọc, hệ thống kho bảo quản phim ảnh, tư liệu tại tầng 2 tòa nhà số 25 Tông Đản… Sau 5 năm kiện toàn và phát triển, Phòng Tư liệu - Thư viện hiện đang lưu giữ nguồn tài liệu khoa học vô cùng phong phú và quý giá, phục vụ đắc lực cho các hoạt động chuyên môn của bảo tàng, cũng như đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác của độc giả trong và ngoài nước.
* Nguồn tài liệu văn bản
Hiện Thư viện của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ hơn 20.000 đầu tài liệu, ấn phẩm gồm: từ điển, sách, tạp chí ngoại văn, tạp chí chuyên ngành lịch sử, khảo cổ, văn hóa, di sản, danh nhân… Nguồn tài liệu với nhiều ngôn ngữ khác nhau: Việt, Anh, Pháp, Nga, Nhật, Trung Quốc… Trong đó có những ấn phẩm giá trị và nổi tiếng trong giới khoa học như khoảng 200 bản đồ in ấn vào những năm 1935-1960; Tạp chí EFEO (từ 1900 đến nay), Tạp chí Nam phong, Tạp chí Những người bạn Huế xưa…; những ấn phẩm của học giả người Pháp nghiên cứu về văn hóa Chămpa, về thời kỳ Tiền- sơ sử Đông Dương. Nguồn tài liệu báo và tạp chí trước cách mạng tháng Tám năm 1945 có một số lượng đáng kể, có giá trị phục vụ nghiên cứu và trưng bày như: tạp chí Tri Tân; báo Ngày Nay…; bên cạnh đó có khoảng 80 đầu sách xuất bản từ năm 1923-1945 như: Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ của Việt Nam Độc lập đồng minh hội (1945), Nam quốc dân tu tri (1927), Nữ quốc dân tu tri (1926)… cùng với nhiều ấn phẩm được sắp xếp theo chủ đề như: chính trị, xã hội, ngôn ngữ, khoa học kỹ thuật, văn học, nghiên cứu văn học, địa lý, nghiệp vụ bảo tàng…
Khai trương phòng đọc mở tại 25 Tông Đản, ngày 28/12/2012.
Thư viện còn lưu giữ gần 2.000 tư liệu dịch (tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức…) phục vụ công tác chuyên môn trong và ngoài bảo tàng như khảo cổ, lịch sử, dân tộc, lịch sử nghệ thuật, bảo tàng học; có những tư liệu dịch quan trọng, cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho công tác nghiên cứu trong và ngoài cơ quan như: Bảo vật vua Chàm, Vương quốc Chămpa, Nghệ thuật Việt Nam…Thông qua công tác trao đổi tài liệu, ấn phẩm với các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước, thư viện hiện còn lưu giữ những ấn phẩm có giá trị về lịch sử, văn hóa như: Tiền cổ học, đồ gốm, cổ ngọc, khu mộ cổ Nam Việt Vương; nhiều tạp chí chuyên ngành như: Tạp chí của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nhật Bản, Tạp chí Bảo tàng Nghệ thuật châu Á (Art Asiatique) Guimet…
Trong 5 năm qua, Thư viện đã bổ sung được khá nhiều ấn phẩm mới thông qua việc sưu tầm, mua bán, trao đổi, biếu tặng... Có những ấn phẩm đặc biệt quý cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện, được xuất bản duy nhất tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, như: Tổng tập sắc phong Việt Nam, Tập 1; Đại Nam Quốc sử diễn ca…
* Nguồn tài liệu nghe nhìn
Hiện tại kho phim ảnh Phòng Tư liệu - Thư viện lưu giữ và bảo quản hơn 73.000 tài liệu phim, ảnh gắn với các hoạt động của bảo tàng, các sự kiện lịch sử, các cuộc khai quật khảo cổ học, các nhân vật lịch sử, các nhà hoạt động cách mạng…cùng hơn 1.000 bằng hình, đĩa CD/DVD, băng ghi âm liên quan đến các lĩnh vực: khảo cổ, văn hóa, lịch sử, di sản, nghề truyền thống…Trong tổng số phim, ảnh nói trên thì chỉ có khoảng 1/3 là gốc, còn là hình ảnh chụp lại.
Giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử: “Người cắm cờ trên kỳ đài Huế ngày 21/8/1945” nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tổ chức tại thư viện, ngày 29/9/2015.
Như chúng ta biết, tài liệu khoa học (bao gồm tài liệu viết và tài liệu nghe nhìn) có vai trò to lớn, là nguồn sử liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của dân tộc. Cùng với hiện vật gốc, tài liệu khoa học bổ sung thông tin, xác minh các dữ liệu khoa học cho công tác hoàn thiện hồ sơ hiện vật; là tài liệu bổ trợ cho công tác nghiên cứu và hoàn thiện nội dung từng loại hình hiện vật, từng sưu tập hiện vật của bảo tàng. Phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu theo từng lĩnh vực, từng chuyên đề cụ thể; cung cấp tư liệu, hình ảnh phục vụ các hoạt động chuyên môn của bảo tàng nói riêng, các hoạt động lịch sử - xã hội nói chung.
Với việc quản lý một khối lượng lớn nguồn tài liệu khoa học như vậy nên ngay từ đầu ngoài các công tác chuyên môn nghiệp vụ chung, có một công tác chuyên môn đặc biệt luôn được Phòng chú trọng đó là công tác tư liệu hóa các tài liệu, sách, phim ảnh hiện phòng đang lưu giữ và bảo quản. Một phần của công tác tư liệu hóa được thực hiện thường xuyên ở phòng đó là xây dựng quản lý các ấn phẩm trên hệ thống máy tính, biên mục sách theo tiêu chí các thông tin của ấn phẩm như: tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, tác giả, nội dung tóm tắt…Ngoài ra, Phòng còn xây dựng các thư mục theo chuyên đề như: Thư mục gốm Việt Nam từ thời tiền sử đến thời Nguyễn; Con đường tơ lụa trên biển; văn hóa Óc Eo…Di sản Phật giáo, Đèn cổ Việt Nam; “Điện Biên Phủ”; “Văn hóa Đông Sơn”; “Đảng Cộng sản Việt Nam”; Xây dựng và dịch toàn bộ thư mục các bài nghiên cứu của tạp chí EFEO…Xây dựng tủ sách với chuyên đề: “Báo chí cách mạng Việt Nam”; “Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9”; xây dựng danh mục sách tiếng Pháp hiện đang lưu giữ từ 1856-1945; thư mục các ấn phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ… Hiện tại phòng đang tiến hành sắp xếp, phân loại, biên mục khoảng 4.000 ấn phẩm xuất bản giai đoạn 1954-1975 để quản lý trên máy tính. Phòng Tư liệu – Thư viện đã tiến hành dịch và tóm tắt nội dung các ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài hiện đang lưu giữ tại thư viện, trong đó có những tài liệu rất quí, làm căn cứ cho việc xác minh lịch sử, văn hóa, sự kiện, nhân vật lịch sử, như: Phóng viên chiến trường; Phát hiện về điêu khắc Kh’me Angkor muộn tại các di chỉ thuộc văn hóa Champa ở Việt Nam và các tuyến đường giao thương đường bộ giữa Champa và Campuchia; Nghiên cứu văn khắc Chămpa tại Việt Nam; Thương cảng Việt Nam thế kỷ XV…
Để thực hiện tư liệu hóa cho nguồn tài liệu nghe nhìn (phim, ảnh, băng hình..), các viên chức thường xuyên thẩm định tính xác thực của tài liệu hình ảnh, bổ xung thông tin liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tài liệu hình ảnh từ đó nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử đã được làm sáng tỏ, góp thêm thông tin phục vụ cho các hoạt động chuyên môn của bảo tàng. Trong 5 năm qua, các viên chức đã thẩm định, bổ xung thông tin cho hàng nghìn hình ảnh theo chuyên đề như: khảo cổ, lịch sử, nghệ thuật… trong đó có nhiều sưu tập ảnh quí như: “Pháp đánh chiếm Việt Nam và các phong trào yêu nước”; “Cách mạng tháng Tám 1945”; “Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II”; “Các nhân vật chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”; “Các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước”; “Xây dựng và Bảo vệ Miền Bắc XHCN 1964-1975”…
Lễ tiếp nhận công trình sách độc bản khổ lớn do gia đình TS. Nguyễn Khắc Thuần trao tặng tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 27/12/2015.
Từ những thông tin, hình ảnh được xác minh hoàn thiện hồ sơ, Phòng đã bước đầu tiến hành công tác số hóa nguồn tài liệu nghe nhìn. Hiện tại, Phòng đã thực hiện được khá đầy đủ các hình ảnh liên quan đến các hoạt động chuyên môn, hoạt động khoa học của bảo tàng, các cuộc khai quật, các trưng bày chuyên đề…Các bản vẽ Chùa Việt Nam của L.Bezacier, bản vẽ tháp chàm của H.Parmentier cũng đã được số hóa, giúp cho việc bảo quản và phát huy giá trị được tối ưu.
* Phương hướng hoạt động thời gian tới
Phòng Tư liệu, Thư viện có được thành quả như hiện nay, ngoài sự quan tâm của Ban Lãnh đạo, còn là sự cố gắng, nỗ lực của từng viên chức trong phòng– những con người luôn mong muốn góp một phần nhỏ bé vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước.
Ngoài việc bổ sung sách, báo, tạp chí theo định kỳ, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác trao đổi ấn phẩm, hình ảnh, tài liệu nhân bản với các bảo tàng, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Thúc đẩy các hoạt động sưu tầm, hiến tặng tài liệu, hình ảnh của các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước thông qua các đợt giao lưu, nói chuyện với các nhân chứng lịch sử. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quý giá đối với các hoạt động chuyên môn của bảo tàng.
Cần chú trọng công tác dịch thuật. Hiện tại, với số lượng tư liệu dịch cũng khá phong phú, song đều được dịch từ những năm 1970 – 1980, chưa cập nhật được những quan niệm, quan điểm, những nghiên cứu mới của thế giới. Những năm gần đây, do nhiều nhà nghiên cứu có thể trực tiếp đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài, hơn nữa với kinh phí hạn chế mà giá dịch thuật lại khá cao, vì vậy nhiều năm trở lại đây, kho sách của thư viện ít được bổ sung những tài liệu dịch mới.
Với nguồn sách báo phong phú như hiện nay, để tạo điều kiện thuận tiện cho các độc giả trong khi tra cứu, thư viện tiếp tục xây dựng hệ thống ấn phẩm, thư mục chuyên sâu theo từ chủ đề cụ thể, chú trọng nghiên cứu và xây dựng hệ thống tài liệu về chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ Việt Nam.
Công tác tư liệu hóa, số hóa nguồn tài liệu khoa học cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nhất là đối với các tài liệu nghe nhìn, cần được xây dựng thành sưu tập với đầy đủ thông tin khoa học, được thẩm định nội dung sẽ tạo điều kiện thuân lợi trong việc số hóa, một mặt phục vụ tốt cho công tác quản lý, bảo quản, tránh bị hư hỏng, một mặt phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu, tra cứu của độc giả trong và ngoài cơ quan.
Trong tương lai, Phòng Tư liệu – Thư viện sẽ nghiên cứu triển khai một mục rất quan trọng mà chúng ta từ lâu chưa quan tâm tới đó là công tác tư liệu hóa, số hóa phải bổ sung thêm phần thông tin về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến tài liệu, hình ảnh, ấn phẩm. Với chức năng này chúng ta có thể giám sát và cập nhật các thông tin về các tài liệu và hình ảnh hiện đang quản lý từ đó xây dựng một qui chế chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng các đối tượng trên vào các mục đích phù hợp và mang tính chuyên môn cao hơn.
Ths. Nguyễn Thúy Hà
Ths. Hoàng Ngọc Chính