Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/10/2016 00:00 473
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
5 năm là thời gian chưa dài, nhưng trên cơ sở kế thừa bề dày, truyền thống hoạt động của 2 bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, hoạt động giáo dục, công chúng Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời gian qua đã gặt hái được những thành công bước đầu với những điều kiện thuận lợi, khó khăn khác nhau trong những năm đầu thành lập.

Hướng dẫn khách tham quan

Trong những năm qua, việc tổ chức đón tiếp, thuyết minh cho các đoàn khách tham tại Bảo tàng và trưng bày lưu động được quan tâm và thực hiện tốt... Theo thống kê, số lượt đoàn dẫn tăng lên hàng năm: năm 2012 là 430 đoàn thì đến năm 2015 là 600 đoàn, 6 tháng đầu năm 2016 là 378 đoàn. Qua đó, cho thấy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực sự trở thành địa chỉ học tập tin cậy, thường xuyên của đối tượng học sinh, sinh viên các trường từ Tiểu học, THCS, THPT đến các trường Đại học, Cao đẳng với các chuyên nghành bảo tàng, lịch sử, văn hóa, du lịch... ở Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, Bảo tàng còn tổ chức tiếp đón, hướng dẫn mỗi năm từ 10 đoàn đến 15 đoàn khách ngoại giao của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, các Bộ, ban, ngành. Qua đó, giúp cho du khách hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, góp phần tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường mối quan hệ hợp tác hiệu quả và ý nghĩa giữa Việt Nam với các quốc gia.

Giới thiệu trưng bày bảo tàng

Ngay sau khi thành lập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đã có những tiếp cận xu hướng phát triển của các bảo tàng trên thế giới với việc triển khai xây dựng hệ thống thuyết minh tự động (audioguide), ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D nhằm tăng cường các hình thức giới thiệu trưng bày Bảo tàng tới đông đảo công chúng.

Xuất phát từ thực tế trong những năm qua, số lượng khách tham quan bảo tàng khá đông, trong khi đó, một số lượng lớn (chiếm khoảng 30%) khách tham quan bảo tàng thuộc đối tượng khách tự do, đi lẻ không có điều kiện được đáp ứng nhu cầu hướng dẫn tham quan, tìm hiểu trưng bày bảo tàng. Điều đó đã phần nào hạn chế hiệu quả phát huy giá trị của trưng bày, hiện vật trưng bày dẫn đến hạn chế sự hấp dẫn của trưng bày bảo tàng đối với khách tham quan. Năm 2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, xây dựng hệ thống thuyết minh tự động (audioguide) để kịp thời phục vụ khách tham quan. Với thiết bị cầm tay gọn nhẹ, mỗi khách tham quan có thể được đáp ứng nhu cầu hướng dẫn toàn bộ hệ thống trưng bày (tiếng Việt và tiếng Anh) như những đoàn khách tham quan thông thường có hướng dẫn viên. Hầu hết khách tham quan (chủ yếu là khách nước ngoài) đã sử dụng thiết bị đều đánh giá cao về nỗ lực phục vụ của bảo tàng và hài lòng với phương thức phục vụ này.

Đoàn các Đại sứ tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong chương trình “Ngày tìm hiểu Việt Nam” do Vụ Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao tổ chức, ngày 2/6/2016.

Năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D vào thử nghiệm giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề, sau đó là hệ thống trưng bày thường trực. Nội dung giới thiệu trưng bày tương tác ảo 3D là sự kết hợp với thuyết minh hệ thống trưng bày với hình ảnh không gian, hiện vật trưng bày 3D, người xem có thể vừa nghe thuyết minh vừa tương tác để xem chi tiết hoặc tìm hiểu kỹ hơn về tài liệu, hiện vật trưng bày. Trong quá trình nghiên cứu, thực hiện, nội dung dần được bổ sung, mở rộng, kết nối thông tin, các câu chuyện lịch sử liên quan đến nội dung trưng bày hoặc tài liệu, hiện vật trưng bày thông qua các tương tác như: thư viện thông tin, tương tác với chuyên gia... đã tạo cho nội dung giới thiệu, tương tác trưng bày phong phú, hấp dẫn hơn, qua đó khách tham quan có điều kiện tương tác thông tin sâu hơn, đa chiều hơn về các nội dung trưng bày, hiện vật lịch sử. Việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào giới thiệu trưng bày bảo tàng hiện nay không chỉ phù hợp với xu thế phát triển mà còn mang lại nhiều lợi ích, tiện ích thiết thực cho sự phát triển của mỗi bảo tàng. Từ đó, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa bởi việc ứng dụng bảo tàng điện tử sẽ cung cấp cho công chúng phương tiện tương tác hiện đại những thông tin tư liệu lịch sử một cách chi tiết, nhanh chóng về giá trị di sản của từng hiện vật, thời kỳ lịch sử, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa mà điều đó khó có thể thực hiện được ở các hình thức truyền thông, quảng bá truyền thống của bảo tàng. Trong tương lai, khi việc ứng dụng này đạt hiệu quả thì kết quả đó còn được ứng dụng ngay trong các kế hoạch, chương trình, hoạt động đổi mới, nâng cấp trưng bày và giới thiệu trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Với những kết quả đã đạt được, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã trở thành bảo tàng đầu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại trong giới thiệu trưng bày bảo tàng.

Các hoạt động giáo dục: Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử

Trong những năm qua, các chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ học đường của Bảo tàng đã được quan tâm, thực hiện tốt như: tham quan học tập phục vụ bài học ngoại khóa; khai thác, sử dụng tài liệu hiện vật của Bảo tàng vào bài học chính khóa... Trong đó, hoạt động Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử… đã trở thành “thương hiệu” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều học sinh, sinh viên, nhóm trẻ em theo gia đình....

Học sinh Trường Đội Lê Duẩn tham gia hoạt động chơi Vượt bãi cọc giành chiến thắng trong buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử chủ đề “Hào khí Đông A - Tinh thần dân tộc” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 2014.

Sau khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập (2011), Câu lạc bộ Em yêu lịch sử đã được tập trung, phát triển và đến được với đông đảo học sinh từ khối Tiểu học, THCS đến THPT đến các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Nội dung của buổi sinh hoạt được chuẩn bị công phu từ việc xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình, chủ đề đến ý tưởng xây dựng powerpoint trình chiếu, trò chơi trí tuệ, trò chơi thể chất… luôn bám sát chương trình học lịch sử ở nhà trường, nội dung trưng bày bảo tàng và các sự kiện diễn ra, phù hợp với lứa tuổi, kiến thức của các em học sinh nên được nhiều giáo viên, học sinh hưởng ứng, đánh giá cao. Một trong những yếu tố để các chương trình giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đạt hiệu quả, thu hút trẻ em, học sinh, sinh viên đó là các hoạt động thể chất, trải nghiệm luôn được chú trọng nghiên cứu, kết hợp với nội dung, chủ đề trong các hoạt động, chương trình giáo dục theo hình thức “học mà chơi - chơi mà học”, “trí tuệ - thể chất”.

Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” không chỉ tạo nên sân chơi bổ ích cho đối tượng học sinh của các trường trên địa bàn Hà Nội mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn mở rộng, phối hợp với các bảo tàng, di tích, trường học trên cả nước như: Hải Dương, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh... để tổ chức, nhân rộng mô hình này và đã thực sự tạo nên sức hút lớn, sự lan tỏa, quảng bá “thương hiệu”, tạo sự tin cậy của các em học sinh đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của học sinh cũng như của nhà trường, năm 2012, mô hình Giờ học lịch sử được mở ra. Với hình thức đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của học sinh nên mô hình Giờ học lịch sử đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều học sinh hơn.

Đặc biệt, hoạt động Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử đã lan tỏa đến đối tượng là trẻ em đi theo các nhóm gia đình. Năm 2013, từ một nhóm gia đình được thành lập với khoảng 10 trẻ em thì đến nay đã lên tới hàng trăm em và được chia thành các nhóm, mỗi nhóm khoảng 20 đến 30 em. Theo thống kê, số lượng các buổi sinh hoạt và số lượng trẻ em đi theo nhóm gia đình tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử tại Bảo tàng tăng nhanh hàng năm. Điều đó cho thấy, những buổi sinh hoạt này đã thực sự trở thành cầu nối, không chỉ khuyến khích giáo viên và học sinh, mà còn khuyến khích các nhóm gia đình đến với bảo tàng.

Tiếp tục đa dạng hóa hoạt động giáo dục, hoạt động dành cho công chúng, năm 2015, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, xây dựng Phòng Khám phá nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng đặc biệt là đối tượng công chúng là học sinh, trẻ em tham quan tự do hoặc đi theo gia đình. Đây là một không sáng tạo, sân chơi bổ ích mà ở đó các em được trải nghiệm lịch sử qua các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học”, giúp các em lĩnh hội các kiến thức, giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc gắn với nội dung trưng bày hiệu quả.

Các hoạt động dành cho công chúng: hội nghị, tọa đàm, giao lưu

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động, chương trình giáo dục, các hoạt động dành cho công chúng cũng được quan tâm, tổ chức thành công như: Hội nghị Giáo dục, Hội nghị du lịch, tọa đàm khoa học và đặc biệt là các chương trình giao lưu, gặp gỡ nhân chứng nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn hoặc phát huy trưng bày. Việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình giao lưu, kết nối nhân chứng, khách mời với tài liệu, hiện vật trưng bày Bảo tàng đã tạo nên sự độc đáo, nét đặc trưng cho các chương trình giao lưu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Với quy mô, ý nghĩa, chất lượng, hiệu quả tổ chức các cuộc giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử đã đưa Bảo tàng Lịch sử quốc gia trở thành bảo tàng đi đầu trong việc tổ chức sự kiện này.

Chương trình giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014) tại hệ thống trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Sau 5 năm hoạt động trong điều kiện, hoàn cảnh mới, công tác giáo dục, công chúng đã có nhiều bước tiến lớn và gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt trong công tác giáo dục. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay thì công tác giáo dục, công chúng cần được đẩy mạnh hơn nữa, chủ động hơn nữa để từng bước đưa Bảo tàng Lịch sử quốc gia dần tiếp cận xu hướng phát triển chung, xứng tầm với các Bảo tàng trong khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm giáo dục tin cậy, điểm đến hấp dẫn của công chúng trong và ngoài nước.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử quốc gia – khởi đầu một hành trình mới

Bảo tàng Lịch sử quốc gia – khởi đầu một hành trình mới

  • 21/10/2016 00:00
  • 402

Ngày 26 tháng 9 năm 2011 đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Bảo tàng Việt Nam với Quyết định số 1674/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thành lập Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam – hai cánh chim đầu đàn với bề dày truyền thống và có đóng góp to lớn trong sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản lịch sử, văn hóa dân tộc.