Gần ba mươi năm trước đây, chúng ta đã từng chứng kiến một bức tranh quá ảm đạm của nước nhà: kinh tế suy thoái, lòng tin đối với Đảng, với chế độ bị suy giảm. Hàng loạt các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh bị xâm phạm, hủy hoại; hàng loạt các bảo tàng xuống cấp; lượng khách tham quan bảo tàng ngày càng thưa dần đều.
Hàng loạt các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh bị xâm phạm, hủy hoại; hàng loạt các bảo tàng xuống cấp; lượng khách tham quan bảo tàng ngày càng thưa dần đều. Trong khi đó dòng người “hành hương” về các di tích có liên quan đến đời sống tâm linh lại tăng theo cấp số nhân. Tai hại hơn là một bộ phận không nhỏ của cộng đồng dân tộc coi những giá trị truyền thống chỉ là trò đùa, coi đạo lý, lẽ sống lành mạnh, trong sạch là điều nhảm nhí v.v… Trước thực trạng đó, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn dân tộc, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, tự nhận những khuyết điểm, những sai lầm của mình trong lãnh đạo, cũng như trong chỉ đạo thực hiện dẫn đến tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước và để từng bước khắc phục được tình trạng đó, Đảng đã chủ trương đổi mới. Đường lối đổi mới của Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) thông qua và tiếp tục bổ sung trong các văn kiện Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng.
Đảng đề xướng sự nghiệp đổi mới, đồng thời cũng là người tổ chức thực hiện sự nghiệp đổi mới. Đảng yêu cầu mọi cấp, mọi ngành đều phải đổi mới và tập trung vào các nội dung cơ bản như: Đổi mới về tư duy lý luận; đổi mới về tổ chức và cán bộ. Về sự nghiệp văn hóa, Đảng yêu cầu: “Công tác văn hóa, văn học nghệ thuật phải được nâng cao chất lượng. Mỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ đều phải tính đến hiệu quả xã hội, tác động đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa và trình độ thẩm mỹ của nhân dân” (1) Hiệu quả xã hội là hiệu quả tác động đến từng con người, là hiệu quả có ý nghĩa cao thượng, là hiệu quả về mặt tinh thần: “Từng bước khôi phục lòng tin, bồi dưỡng nhiệt tình cách mạng và ý chí phấn đấu của những người lao động” (2). Bảo tàng là một thiết chế văn hóa đặc thù, để thực thi có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh đổi mới đất nước thì việc đổi mới mọi hoạt động của bảo tàng phải được coi là một sự tất yếu và khâu then chốt trong đổi mới các hoạt động bảo tàng theo chúng tôi đấy là đổi mới về tư duy lý luận. Bởi: “Sự chuẩn bị về lý luận càng sâu sắc bao nhiêu, cuộc đổi mới càng thành công bấy nhiêu” (3).
Đổi mới tư duy lý luận bảo tàng học là một vấn đề rất rộng và hoàn toàn không dễ. Trong hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, khi chúng ta chưa có cơ quan chuyên nghiên cứu về bảo tàng học (cho dù đã có khoa Bảo tồn – Bảo tàng, sau đổi tên thành khoa Di sản Văn hóa, trường Đại học Văn hóa Hà Nội với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng giáo trình, giảng dạy và đào tạo nhân sự cho ngành bảo tàng), cùng với nó là cơ quan ngôn luận về bảo tàng học nên đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới về nhận thức bảo tàng. Vì rằng đã được gọi là một bộ môn khoa học (dù là khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng), thì bộ môn khoa học đó trước hết nó phải có một lịch sử phát triển lâu dài, ổn định, bền vững và hoàn toàn có đủ điều kiện để phát triển; nó phải có hệ thống các thuật ngữ chuyên dụng; nó phải có đối tượng nghiên cứu riêng có…Các bảo tàng chính là đối tượng nghiên cứu về mặt lý thuyết của bảo tàng học và trong các bảo tàng, các sưu tập hiện vật thậm chí là các hiện vật đơn lẻ, độc bản nguyên gốc là đối tượng nghiên cứu trực tiếp của bảo tàng học.
Coi nhận thức đúng về thuật ngữ bảo tàng là điểm xuất phát của đổi mới tư duy, chúng tôi muốn thưa rằng: sự hiểu biết của chúng ta về bảo tàng, về bảo tàng học đã phải trải qua một thời gian dài “vay mượn” kiến thức rất không đầy đủ bên ngoài. Định nghĩa đầu tiên về bảo tàng, chúng ta lấy từ tập Cơ sở bảo tàng học của các bạn đồng nghiệp Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết xuất bản từ năm 1955 mà có thể tóm tắt: Bảo tàng là cơ quan giáo dục khoa học có tính đại chúng. Suốt từ đó đến tận trước lúc Luật Di sản Văn hóa được ban hành, ở Việt Nam chưa có một định nghĩa nào về bảo tàng được thừa nhận về mặt Nhà nước. Trong khi đó, vào những năm 1980, các bạn đồng nghiệp Nga đã có sự nhận thức mới về định nghĩa bảo tàng như sau: “Bảo tàng là một cơ quan nghiên cứu khoa học và văn hóa, giáo dục, căn cứ vào chức năng xã hội của mình bảo tàng tiến hành các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và giới thiệu rộng rãi các di tích lịch sử - văn hóa và các đối tượng về thiên nhiên. Xuất phát từ đặc điểm của mình, bảo tàng trở thành một tổ chức đặc biệt của ngành văn hóa mà ở đó tạo cơ sở để hình thành các giá trị tinh thần thông qua các kết quả hoạt động của con người” (4). Nhận thức mới của các bạn đồng nghiệp Nga về bảo tàng là hệ quả của “sự bùng nổ bảo tàng”. Nhiều giám đốc các bảo tàng lớn ở các nước Nga, Anh, Pháp, Đức v.v… đặt ra câu hỏi: Hiện nay bảo tàng là gì? Là trường học? Là câu lạc bộ? Là nơi con người phát hiện quá khứ của chính mình? Trong tình hình mà định nghĩa về bảo tàng nở rộ như thế, chính ICOM cũng đã phải nghiêm túc xem xét, điều chỉnh thuật ngữ bảo tàng cho phù hợp như sau: “Bảo tàng là một thiết chế (văn hóa) phi lợi nhuận, hoạt động lâu dài, phục vụ xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa cho công chúng đến xem, tiến hành những nghiên cứu liên quan đến bằng chứng vật chất của con người và môi trường. Từ đó bảo quản chúng, giới thiệu chúng nhất là trưng bày chúng vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức” (5). Đến năm 1995, nghĩa là sau hơn hai mươi năm phố biến, ICOM lại chỉnh sửa và công bố Định nghĩa bảo tàng như sau: “Bảo tàng là một thiết chế (văn hóa) phi lợi nhuận, hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa cho công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền, trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường sống của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức” (Tài liệu đã dẫn).
Trình bày đôi nét như trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng nhận thức về bảo tàng là một quá trình và thông qua tổng kết các hoạt động thực tiễn của các bảo tàng thì việc bổ sung kiến thức, nâng cao và cụ thể hóa thuật ngữ bảo tàng cũng là lẽ thường tình. Chúng ta đã nghiên cứu và tiếp thu tinh thần cơ bản của thuật ngữ bảo tàng của ICOM, của các đồng nghiệp và tự chúng ta cũng đã thảo luận về thuật ngữ bảo tàng, lần đầu tiên đưa ra một định nghĩa về bảo tàng – nhãn hiệu 100% là của Việt Nam, hơn thế định nghĩa này lại đưa vào văn bản Luật (Luật Di sản văn hóa). Định nghĩa đó như sau: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân” (6). Định nghĩa này rất có thể chúng ta chưa thật sự hài lòng, song đây được coi là một cố gắng, cũng có thể được xem là một thành công, một nét mới trong nhận thức về bảo tàng và bảo tàng học ở nước ta. Nó là cơ sở để chúng ta xem xét, kiện toàn hệ thống các bảo tàng đã có, và định hướng cho sự phát triển của các bảo tàng Việt Nam từ nay về sau.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tham quan Trưng bày “Các tác phẩm nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng” tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), tháng 1-2004.
Tiếp cận và đổi mới nhận thức về chức năng xã hội của các bảo tàng cũng là khâu then chốt trong đổi mới tư duy lý luận về bảo tàng học ở nước ta. Nếu như nhận thức về bảo tàng là một quá trình thì, nhận thức về chức năng xã hội của các bảo tàng cũng là một quá trình. Khởi thủy khi tiếp nhận lý thuyết có tính giáo khoa về bảo tàng, hầu hết các cán bộ được đào tạo về bảo tàng ở nước ta không bao giờ quên hai chức năng cơ bản của bảo tàng đó là chức năng nghiên cứu và chức năng giáo dục. Hiểu sai hoặc thể hiện sai nhận thức trên đều được coi là sai lầm cơ bản về nguyên lý bảo tàng học Mác-xít, là phỉ báng lý luận bảo tàng học Xô Viết, bảo tàng học xã hội chủ nghĩa. Nghĩ lại mới thấy sự quy chụp đó nó ấu trĩ và buồn cười biết bao. Bởi lý luận bao giờ cũng được bắt nguồn từ thực tiễn. Thực tiễn càng phong phú, càng sinh động bao nhiêu thì lý luận càng được phát triển bấy nhiêu.
Năm 1988, trình bày tham luận của mình dưới tiêu đề: “Hoạt động của các bảo tàng trong xu thế đổi mới của toàn xã hội” trong Hội thảo khoa học – thực tiễn “Đổi mới các hoạt động bảo tàng”, TS. Đặng Văn Bài, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Bảo tàng, nay là Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đề cập tới chức năng của bảo tàng, TS. Đặng Văn Bài cho rằng: “Trong suốt quá trình lịch sử phát triển của bảo tàng học thế giới, chức năng xã hội của bảo tàng đã nhiều lần thay đổi” và ông cho rằng: “Sự đổi mới đó diễn ra trong toàn bộ hệ thống các chức năng, chức trách và có sự xuất hiện những chức năng mới. Sự đổi mới có thể ở ngay từng chức năng cụ thể, nội dung chức năng được mở rộng. Hiện tại hệ thống chức năng của bảo tàng với tư cách là một cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học được xác định ở bốn mặt cụ thể:
- Chức năng tài liệu hóa khoa học
- Chức năng bảo vệ di sản văn hóa
- Chức năng nghiên cứu khoa học
- Chức năng giáo dục” (7)
Người viết bài này chia sẻ và đồng thuận với TS. Đặng Văn Bài. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống, thực tiễn hoạt động của các bảo tàng lại đa dạng, phong phú hơn những gì chúng ta nghĩ. Quả vậy, lúc chúng ta xem xét lại những chức năng xã hội đã được định nghĩa cho các bảo tàng cũng là lúc người ta lại đang bàn, đang gợi ra những chức năng mới của bảo tàng như chức năng hướng dẫn sử dụng thời gian nhàn rỗi của công chúng, chức năng giải trí, chức năng tổ chức các dịch vụ hoạt động văn hóa. Thế rồi đến năm 1995, ICOM lại bổ sung thêm một chức năng nữa cho các bảo tàng, đó là chức năng thưởng thức. Tổng hợp lại, bảo tàng có những chức năng xã hội như sau:
- Chức năng nghiên cứu khoa học
- Chức năng bảo tồn di sản văn hóa
- Chức năng tuyên truyền giáo dục
- Chức năng giải trí và thưởng thức
Đó là những chức năng cơ bản nhất của mọi bảo tàng. Chúng ta đã tiếp nhận và thể hiện rất rõ ràng những chức năng xã hội ấy của bảo tàng vào nội hàm của định nghĩa bảo tàng. Chúng tôi cho rằng đây cũng là điểm mới đáng ghi nhận về nghiên cứu bảo tàng học ở nước ta.
Giao lưu “Hồi ức Điện Biên” giữa các nhân chứng lịch sử và thế hệ trẻ do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp với Bảo tàng Pháo binh tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tháng 5-2004.
Thực tiễn hoạt động của số đông các bảo tàng ở nước ta thời gian qua, đặc biệt là nhiều năm trở lại đây chứng minh rằng: Do hiểu đúng, hiểu đầy đủ những chức năng xã hội cơ bản của bảo tàng nên nhìn chung các hoạt động ở các bảo tàng của chúng ta đã thật sự khởi sắc. Năng động, sáng tạo và có hiệu quả xã hội rõ rệt. Nhiều bảo tàng không tự trói các hoạt động của mình trong khuôn viên, trong ngôi nhà của mình mà vươn rộng ra trong các chương trình liên kết trưng bày, sưu tầm v.v…với các địa phương, với các bảo tàng bạn. Hết lòng vì “thượng đế”, không ít bảo tàng kéo dài thời gian mở cửa phục vụ khách tham quan. Nhiều hội thảo khoa học do các bảo tàng chủ trì hoặc có sự phối kết hợp với các cơ quan quản lý, các bảo tàng khác liên tục được tổ chức. Đặc biệt là xác lập được hệ thống các đề tài nghiên cứu khoa học (cấp Bộ, cấp cơ sở) với các chủ đề khác nhau để lý giải, luận bàn những vấn đề không chỉ mang tính chất thời sự mà, còn có tính khoa học, thực tiễn được nhiều người quan tâm, được đồng nghiệp “tâm phục, khẩu phục”. Đó là những thành quả rất thuyết phục và hơn thế, chúng ta rất mừng là trong hệ thống các đề tài nghiên cứu khoa học ấy có nhiều đề tài về nghiên cứu bảo tàng học, về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Hội thảo khoa học – thực tiễn “Hoạt động bảo tàng trong sự nghiệp đổi mới đất nước” do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp với Cục Di sản Văn hóa và một số bảo tàng khác tổ chức, ngày 7-8/1/2004.
Các bảo tàng ra đời, phát triển đều do nhu cầu của xã hội. Do đó không hiểu đúng, hiểu đầy đủ chức năng xã hội của các bảo tàng thì chắc chắn hoạt động của các bảo tàng sẽ khô cứng và khó được xã hội chấp nhận và từ đó vị thế của các bảo tàng sẽ suy giảm. Đó là điều chắc chắn. Đổi mới nhận thức về chức năng xã hội của bảo tàng chính là tạo cơ sở vững chắc cho đổi mới các hoạt động của bảo tàng.
Trưng bày lưu động “60 năm nước CHXNCN Việt Nam” tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh, ngày 27-7-2005.
Sự nghiệp đổi mới đất nước, sự nghiệp công hóa, hiện đại hóa đất nước đã, đang đặt ra nhiều vấn đề cho sự nghiệp bảo tàng. Để đáp ứng được yêu cầu của thời đại, chúng ta phải đổi mới nếp nghĩ và nếp làm. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới đổi mới nhận thức – cũng có nghĩa là đổi mới tư duy về bảo tàng, về chức năng xã hội của bảo tàng và coi đây là khâu then chốt, có tính quyết định tới đổi mới hơn nữa mọi hoạt động của các bảo tàng.
PGS.TS Phạm Mai Hùng
(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)
Chú thích:
(1)Báo cáo chính trị của BCH TW Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
(2)Phạm Văn Đồng: Bài nói chuyện với các đại biểu dự tổng kết hoạt động của ngành Văn hóa năm 1986.
(3)Nguyễn Văn Linh: Cách mạng Tháng Mười và cách mạng Việt Nam. NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, Tr 14.
(4)Thuật ngữ từ điển bảo tàng học. Bảo tàng Cách mạng TW Liên Xô xuất bản, M, 1986, Tr 8, Tiếng Nga.
(5)International Council of Museum (1996), Statues Code of Professional Ethics, ICOM, Paris.
(6)Luật Di sản Văn hóa. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, Tr 33.
(7)Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Đổi mới các hoạt động bảo tàng. Hà Nội, 12/1988, Tr 45.