Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/11/2015 00:00 392
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng quốc gia là thiết chế văn hóa đặc biệt của mỗi quốc gia, là bảo tàng đứng đầu hệ thống bảo tàng, có vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng và định hướng cho các hoạt động của hệ thống bảo tàng của mỗi quốc gia. Đây là nơi tập trung nhiều hiện vật (tài sản văn hóa) nhất, với nguồn nhân lực hùng hậu, các chương trình nghiên cứu cơ bản, có hệ thống trưng bày tiêu biểu thể hiện những đặc trưng cốt lõi nhất về văn hóa, văn minh, lịch sử của mỗi dân tộc, với không gian rộng lớn của quốc gia đó và thời gian trải dài từ cổ đại đến đương đại.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với vai trò như vậy, Bảo tàng Quốc gia Việt Nam luôn giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam và với chức năng, nhiệm vụ của mình đã mang đến cho mọi người cái nhìn, sự tiếp cận đa diện đối với các thể chế chính trị qua các thời kỳ lịch sử một cách khách quan nhất, cân bằng nhất. Và không chỉ có vai trò mang những giá trị thông tin, tri thức đến cho công chúng, thông qua đó còn giúp các nhà chính trị đương thời có sự hiểu biết sâu sắc cơ bản về lịch sử chính trị quốc gia, giúp cho việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Thông qua trưng bày và các công trình nghiên cứu khác (như khai quật khảo cổ học, điều tra khảo sát, nghiên cứu cơ bản)… công chúng nhận diện được sự hình thành, phát triển của các nhà nước và vai trò của nhà nước trong tiến trình lịch sử từ sơ khai đến đương đại và vấn đề dân tộc. Việc phản ánh lịch sử, văn hóa văn minh của mỗi quốc gia đều là vấn đề về dân tộc, các thành phần dân tộc, các vương quốc cổ đại trong quá trình lịch sử tạo nên sự thống nhất trong đa dạng. Ở một quốc gia có thành phần đa dân tộc như Việt Nam, việc nghiên cứu và giới thiệu, lưu trữ, bảo quản các giá trị văn hóa dân tộc gắn với lịch sử hình thành và phát triển quốc gia, dân tộc, lãnh thổ là một nhiệm vụ trọng tâm. Với vai trò của mình, Bảo tàng Quốc gia Việt Nam đương nhiên phải đặt mục tiêu và thực hiện ưu tiên một cách khái quát nhất, sâu sắc nhất vấn đề dân tộc và chỉ duy nhất Bảo tàng Quốc gia mới có thể thể hiện, cân bằng vấn đề này. Do vậy trong quá trình hoạt động, chúng tôi đã xây dựng được bộ sưu tập, những tổ hợp trưng bày cố định, những trưng bày triển lãm về các chủ đề dân tộc, văn hóa dân tộc, văn minh dân tộc và sự đa dạng trong tính thống nhất của một quốc gia đa dân tộc, mang đến nhận thức chung về các giá trị văn hóa văn minh của các thành phần dân tộc là những thành tố cấu thành văn hóa văn minh quốc gia. Có thể nói những sưu tập hiện vật với chủ đề này được Bảo tàng Quốc gia Việt Nam quản lý là rất lớn, đáng tiết là những giá trị văn hóa phi vật thể thì hầu như còn quá ít do chưa được hệ thống hóa và phát huy.

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Tượng gốm cổ Việt Nam”, tháng 4/2014.

Trong xu thế phát triển đương đại, vấn đề dân tộc là một trong những vấn đề phức tạp nhất nổi lên ở mỗi quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau, giải quyết vấn đề cân bằng dân tộc trong các hoạt động ở mỗi bảo tàng quốc gia cũng là nhiệm vụ căn bản, góp phần ổn định vấn đề phức tạp đó.

Về nghệ thuật, trước hết phải xác định khái niệm nghệ thuật dưới góc độ bảo tàng là khối tài sản văn hóa - lịch sử chứa đầy yếu tố nghệ thuật qua các thời đại hoặc tác phẩm của các thời đại đó, thứ hai là những tác phẩm nghệ thuật cận hiện đại với tư cách là tác phẩm độc lập, hoặc là thành phần trong tổng thể nào đó… những tác phẩm nghệ thuật của quốc gia được quản lý và phát huy bởi Bảo tàng Quốc gia có thể là những bằng chứng lịch sử và thực sự là những tác phẩm đại diện cho dân tộc, cho văn minh, văn hóa hoặc một thời kỳ của dân tộc, quốc gia đó. Điều này được thể hiện rõ ở Bảo tàng Quốc gia, vì thế việc quản lý, phát huy, nghiên cứu, sưu tầm bổ sung luôn được chú trọng và đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thường xuyên được đưa ra giới thiệu với công chúng ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, qua các kênh truyền thông và xuất bản phẩm là những con đường phát huy hiệu quả nhất mang đến cho mọi người thông tin, nhận thức, sự hiểu biết và cân bằng trong qua trình tiếp cận mọi hoạt động của Bảo tàng Quốc gia. Hiện nay, việc quản lý các tác phẩm đương đại của Bảo tàng Quốc gia Việt Nam chưa thực sự được quan tâm, vì vậy, trong thời gian tới cần có chính sách và chiến lược sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật đương đại một cách hệ thống và bài bản hơn.

Toàn cảnh Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội các bảo tàng Quốc gia Châu Á lần thứ 4 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tháng 10/2013.

Như vậy, có thể nói, các Bảo tàng Quốc gia là nơi chứa đựng, thể hiện đầy đủ và sâu sắc nhất các bằng chứng lịch sử của mỗi dân tộc và cũng là nơi lưu trữ nhiều tư liệu, hiện vật... nhất với tư cách là những tư liệu, hiện vật lịch sử gắn với văn minh và phát triển của dân tộc, quốc gia đó và đương nhiên thiết chế văn hóa (Bảo tàng Quốc gia) là niềm tự hào của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Với những tài sản văn hóa mà Bảo tàng Quốc gia được giao quản lý xứng đáng đại diện cho dân tộc, quốc gia đó trong sứ mệnh của mình và trong mối quan hệ đối ngoại, chính trị, văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc.

TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc BTLSQG phát biểu khai mạc Hội nghị Hiệp hội các bảo tàng Quốc gia Châu Á (ANMA 4) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tháng 10/2013.

Rõ ràng, chủ đề hội nghị ANMA 5 đưa ra là một vấn đề vừa có tính chất cơ bản truyền thống, vừa có tính chính trị, thời sự của mỗi bảo tàng quốc gia chúng ta. Dù muốn hay không thì bản thân mỗi bảo tàng quốc gia trong quá trình hoạt động của mình đều đóng vai trò quan trọng trong xã hội về vấn đề cân bằng chính trị - dân tộc - nghệ thuật, và phải luôn đối mặt với nhiều thách thức để hoàn thành sứ mệnh đó. Bảo tàng Quốc gia là thiết chế văn hóa, mà văn hóa là một số ít con đường luôn rộng mở để có thể tiếp cận tốt nhất giữa các dân tộc, quốc gia hay nói cách khác: sự hiểu biết văn hóa và lợi ích kinh tế quốc gia là những yếu tố quan trọng nhất, là nền tảng cho sự hợp tác quan hệ hiệu quả của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc vì lợi ích chung.

Với nhận thức như vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ đề mà Chủ tịch ANMA 5 đưa ra để mỗi thành viên cùng chia sẻ, thảo luận thống nhất nhận thức để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình, để đóng góp vào lợi ích mỗi dân tộc - quốc gia và lợi ích chung. Tôi tin tưởng ANMA 5 tổ chức tại Bảo tàng Văn minh châu Á (Singapore) sẽ tiếp tục đạt được những thành công tốt và hữu ích như những kỳ ANMA được tổ chức trước đây.

TS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc BTLSQGVN

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: