Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/08/2015 00:00 384
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sứ mệnh và đề cương bảo tàng phục vụ công tác định hướng, làm nổi bật bản sắc và là cơ sở nền móng trong công tác nghiệp vụ bảo tàng. Sứ mệnh và đề cương được hội đồng sáng lập bảo tàng cùng các thành viên xây dựng. Đóng vai trò là những nhân tố nền tảng, bài viết sẽ đề cập đến quá trình hình thành và xây dựng sứ mệnh và đề cương với tư cách là những công cụ trong hữu hiệu trong công tác tiếp thị bảo tàng.

Vậy, sứ mệnh là gì và làm thế nào để xác định được sứ mệnh của một bảo tàng? Theo Mußmann “sứ mệnh được thể thức hóa thành những văn bản ngắn gọn, súc tích, khái quát được bản sắc, mục tiêu, nhiệm vụ và giá trị của một tổ chức. Nó đóng vai trò định hướng chiến lược không những cho công chúng mà còn cho nội bộ của tổ chức. Trong mỗi bảo tàng, sứ mệnh trình bày một phác thảo những vấn đề liên quan đến bảo tàng. Nó mô tả đối tượng bảo tàng hướng tới, những gì bảo tàng cung cấp, phương thức làm việc cũng như những thế mạnh và mục tiêu phát triển tiếp theo của bảo tàng”.

Để xây dựng sứ mệnh cần tám yếu tố: Mục tiêu, đối tượng, cung cấp và dịch vụ, nguồn lực và năng lực, các giá trị và khả năng đánh giá mức độ thành công của công tác bảo tàng. Cuối cùng là bản sắc và nhiệm vụ. Mục tiêu của bảo tàng cần phải trả lời được câu hỏi: “Mục tiêu của chúng ta là gì? Chúng ta muốn đạt được điều gì?” Đối tượng của bảo tàng cần phải xác định được “Chúng ta muốn hướng tới ai?” Đối tượng này không chỉ là công chúng bao gồm những mục tiêu trọng tâm và các mục tiêu phụ trợ, mà còn là những nhà tài trợ, những nhà khoa học cùng với những đối tác để kết nối và hợp tác. Cung cấp và dịch vụ trong quá trình phát triển sứ mệnh bảo tàng có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề như: “Chúng ta làm gì, như thế nào và cho ai? Người ta có thể nhận được những gì từ những dịch vụ của chúng ta và lợi ích cho họ là gì?” v.v. Các nguồn lực cũng như năng lực và trình độ của đội ngũ công tác liên quan chặt chẽ tới khả năng và phương thức theo đuổi mục tiêu của bảo tàng.

Mô tả về tiềm năng phát triển và trao đổi cũng không kém phần quan trọng, chẳng hạn: “Thế mạnh của chúng ta là gì?” “Giá trị nào là quan trọng đối với chúng ta?” là câu hỏi cần được trả lời để xác định giá trị của bảo tàng cũng như đội ngũ nhân viên trong quá trình hướng tới mục tiêu cũng như quá trình cung cấp và phục vụ công chúng và các đối tượng liên quan. Điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ của bảo tàng. Xác định mức độ thành công của công tác bảo tàng cần phải gắn liền với các vấn đề: “Tại sao chúng ta làm thế?” và “chúng ta đã đạt được những gì? Khi nào thì công tác bảo tàng thành công?” Cuối cùng là vấn đề bản sắc và nhiệm vụ trong cấu trúc của một sứ mệnh bảo tàng. Thông thường, bản sắc và nhiệm vụ được mô tả trong điều lệ, đề cương hay quy chế thành lập một bảo tàng. Nhiệm vụ của bảo tàng sẽ do người sáng lập hoặc bảo tàng tự đề ra. Bản sắc của bảo tàng được xác định ên những sưu tập và trọng tâm trưng bày cụ thể. Việc đó sẽ là đáp án cho câu hỏi “Chúng ta là ai?”.

Bảo tàng Do Thái, Berlin, Đức (Nguồn: http://www.museumsblog.at)

Vậy bản sắc của một bảo tàng thực chất là gì? Theo Leonardy thì bản sắc (corporate identity) là dấu ấn cá nhân và chính nó làm nên sự khác biệt. Hình ảnh (corporate design), truyền thông (corporate comunication) và văn hóa ứng xử (corporate behaviour) là các công cụ để xây dựng bản sắc của một bảo tàng. Hình ảnh trước hết là thiết kế thị giác của tòa nhà, trang thiết bị, logo, bìa thư, bãi đậu xe v.v. Truyền thông là toàn bộ chiến lược truyền thông của bảo tàng, chẳng hạn thông qua quảng cáo và quan hệ công chúng. Cuối cùng, văn hóa ứng xử điển hình của một tổ chức trong lĩnh vực tiếp thị chính là công cụ cho các chiến lược quảng cáo và truyền thông. Trong lĩnh vực nhân sự, văn hóa đó được xác định trong cách ứng xử hàng ngày giữa các nhân viên với nhau và với công chúng. Bản sắc một bảo tàng quyết định thành công của bảo tàng đó. Điều này không chỉ phụ thuộc vào bảo tàng mà còn phụ thuộc vào cả vị trí địa lý của bảo tàng. Ví dụ như bản sắc chiến lược của Bảo tàng Guggenheim ở thành phố Bilbao, Tây Ban Nha. Bảo tàng đó đã trở thành biểu tượng cho chính sách phát triển tự do kiểu mới của thành phố Bilbao.

Bảo tàng “hiện ra như một biểu tượng của sự thay đổi, thay đổi để thành công, thay đổi để tốt đẹp hơn”. Nó đại diện cho những thay đổi thành công về sự chuyển đổi cấu trúc từ một thành phố công nghiệp thành một điểm dịch vụ hiện đại với kiến trúc hiện đại và quá trình tái sinh đô thị thông qua văn hóa. Trong khi đó, bản thân Bảo tàng Guggenheim cũng là một biểu tượng, đại diện cho Bildbao và hiện thân cho sự vươn lên của thành phố trong những thập kỷ qua trên thế giới và trong lĩnh vực truyền thông. Hầu hết các thành phố đều có biểu tượng của mình. Paris có tháp Eiffel, Sydney có Nhà hát hình cánh buồm và Berlin có cổng Brandenburg. Tương tự, Bildbao có Bảo tàng Guggenheim. Bảo tàng đó “không chỉ tượng trưng cho thành phố mà còn tượng trưng cho một trang sử mới cùng với sự phát triển đô thị và kinh tế nói chung”. Để phát triển sứ mệnh cho bảo tàng, trước tiên phải phân tích điều kiện hiện tại của bảo tàng, đồng thời khám phá tiềm năng phát triển ở mọi khía cạnh. Tiếp đó, xác định những mục tiêu cần tiến hành trong thời gian gần nhất; phác thảo ra các vấn đề, cùng thảo luận để chỉnh sửa và hoàn thiện nếu cần thiết. Cuối cùng, văn bản hóa các sứ mệnh đó. Trong quá trình phát triển nhiệm vụ sứ mệnh bảo tàng, Mußmann vạch ra hai phương thức: Từ trên xuống (top - down) và từ dưới lên (bottom - up). Từ trên xuống là quá trình phát triển sứ mệnh bảo tàng từ hàng ngũ lãnh đạo. Ưu điểm của quá trình này là chi phí thấp và hoàn tất nhanh. Tuy nhiên, cách này thường khó được đội ngũ nhân viên bảo tàng chấp nhận. Từ dưới lên nghĩa là quá trình xác định nhiệm vụ sứ mệnh của bảo tàng thông qua mối quan hệ của tất cả nhân viên bảo tàng.

Khi tiến hành phương thức này, cần phải triển khai các buổi họp mặt và hội thảo để thống nhất quan điểm của từng nhóm làm việc. Trong một tập thể lớn, có thể có nhiều hơn một phác thảo của từng nhóm nhân viên và nhóm dự án cần được thảo luận. Sau đó mới tổng kết lại sứ mệnh của bảo tàng. Ưu điểm của phương pháp này là sự thay đổi tư duy và phương thức làm việc trong tập thể nhân viên bảo tàng, trong đó tất cả các nhân viên đều có khả năng gắn bó hơn với triết lý và xác định được bản sắc của bảo tàng mình. Tuy nhiên, quá trình này lâu hơn, chi phí cao hơn quá trình từ trên xuống. Nhưng, dù áp dụng bất cứ phương thức nào để phát triển sứ mệnh bảo tàng thì sự thật vẫn phải được đặt ở vị trí trung tâm. Có nghĩa là, tất cả các thông tin và hồ sơ phải được xây dựng trên nền tảng của các bộ sưu tập, tài sản hoặc của nguồn nhân lực cũng như khả năng tài chính của bảo tàng. Không thể xây dựng sứ mệnh trên cơ sở mong ước và ý nguyện của một vài thành viên. Sau khi xây dựng và văn bản hóa, sứ mệnh phải đáp ứng được những yêu cầu sau: Mục đích của sứ mệnh cần được hiển thị và truyền tải trên trang mạng, tờ rơi, các chương trình và trong nội bộ bảo tàng cũng như công chúng được biết.

Tự bản thân mỗi nhân viên phải hiểu biết về sứ mệnh của bảo tàng. Họ cần được thuyết phục và tham gia vào nội dung và mục đích trong quá trình phát triển sứ mệnh. Ngoài ra, sứ mệnh không phải là những quy tắc bất biến trong quản lý bảo tàng. Mặc dù được đặt ra như những chiến lược dài hạn, nhưng sứ mệnh cần được thích nghi, thay đổi và điều chỉnh tùy thuộc vào những xu hướng phát triển xã hội và công nghệ để trở thành một trong những công cụ quản lý hữu hiệu. Sứ mệnh chính là đường lối thể hiện phương hướng hoạt động của bảo tàng đối với công chúng. Nó cũng là đường lối thể hiện trọng tâm của sưu tập, trưng bày cũng như các dịch vụ bảo tàng và các hoạt động khác. Chính đường lối này đóng vai trò làm sáng tỏ đặc trưng của bảo tàng, là cơ sở để phân biệt được bảo tàng này với bảo tàng và tổ chức khác, đồng thời, nó xác định vị trí của bảo tàng trong cộng đồng. Vì lý do này mà sứ mệnh là công cụ đối ngoại cũng như công cụ để tiếp thị bảo tàng. Không chỉ có tác dụng đối ngoại, sứ mệnh còn có tác dụng đối nội rất lớn. Nó định hướng các hoạt động của bảo tàng, đồng thời, cũng đề ra những mục tiêu khái quát cho đội ngũ nhân viên bảo tàng. Ý tưởng về những mục tiêu phát triển bảo tàng chung có tác dụng thúc đẩy và củng cố bản sắc chung của môi trường làm việc. Nhiệm vụ của sứ mệnh có tác dụng định hướng cho nhân viên bảo tàng, đảm bảo tính an toàn trong công việc cũng như hỗ trợ việc đưa ra những quyết định trong công tác bảo tàng. Tính an toàn này có tác dụng giảm thiểu mâu thuẫn và nâng cao chất lượng môi trường làm việc. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sứ mệnh bảo tàng đối với công tác đối nội, Klein nói: “chính sứ mệnh thiết lập những nguyên tắc cơ bản cho đội ngũ nhân viên”. Trong khuôn khổ một sứ mệnh thì những nguyên tắc chung của tổ chức phải được văn bản hóa và có khả năng bàn thảo. Ông cũng đề cập sứ mệnh bảo tàng với tư cách là một “sứ mệnh chiến lược”. Ví dụ dưới đây là sứ mệnh chiến lược của Bảo tàng khoa học Boston, xác định rõ những yêu cầu đối với nhân viên bảo tàng trong tương quan với mục đích của những yêu cầu đó: (1) Thực thi nhiệm vụ phục vụ công chúng: Trọng trách của khía cạnh này là, bảo tàng phấn đấu một cách xuất sắc, với tư cách là một cộng đồng người và một môi trường vật lý giành cho giáo dục khoa học tới cộng đồng chung. (2) Thúc đẩy tổ chức: Trọng trách của khía cạnh này là, bảo tàng hỗ trợ nhân viên cũng như tình nguyện viên thông qua tổ chức của mình; bảo vệ và tăng cường nguồn lực; thúc đẩy thiện chí và sự hiểu biết về bảo tàng cũng như nhiệm vụ bảo tàng. (3) Hợp tác với các tổ chức chuyên nghiệp khác: Trọng trách của khía cạnh này là tăng cường nội lực của bảo tàng với tư cách là một tổ chức, và phát triển nhân lực một cách chuyên nghiệp thông qua ác mối quan hệ với các tổ chức chuyên nghiệp khác: quan hệ đồng đẳng với các tổ chức giáo dục khoa học toàn cầu; với các tổ chức văn hóa; các chính quyền liên bang, bang và địa phương; đồng đẳng cùng với các nhóm chuyên nghiệp độc lập. Với tư cách là nhân tố trọng tâm, sứ mệnh luôn đứng ở vị trí trung tâm trong cấu trúc văn hóa của một tổ chức, dựa trên cơ sở đó để xây dựng và phát triển đề cương của tổ chức. Theo định nghĩa của Hiệp hội Bảo tàng Đức năm 2006, thì “Đề cương bảo tàng nối tiếp sứ mệnh và phân biệt bảo tàng trong môi trường xã hội và văn hóa tại thời điểm hiện tại của nó. Nó đặt ra những mục tiêu cho sứ mệnh một cách toàn diện. Đề cương bảo tàng mô tả những nguyên tắc cơ bản về tài chính, nội dung, tổ chức và chức năng. Ngoài ra, trong đề cương bảo tàng, tất cả đội ngũ nhân viên bảo tàng đều được liên kết chặt chẽ với nhau để đạt được sự đồng thuận cao”. Tương tự như quá trình phát triển sứ mệnh bảo tàng, quá trình phát triển đề cương bảo tàng cũng bắt đầu với quá trình phân tích tình trạng thực tế, từ đó xác định được ưu và nhược điểm của bảo tàng. Dựa trên những phân tích này, những giải pháp, chiến lược phù hợp và những mục tiêu dài hạn cũng được đặt ra. Sau khi phân tích tình trạng thực tế, tám bước phát triển sau đây sẽ được tiến hành theo từng lĩnh vực kèm theo những danh sách kiểm kê. Điều kiện vật chất là cơ sở tài chính và tổ chức cơ bản, tác động đến tình trạng pháp lý, những điều kiện về không gian cũng như tài chính của bảo tàng. Sứ mệnh liên quan đến đối tượng, mục tiêu của bảo tàng. Quản lý bảo tàng liên quan đến năng lực tiếp cận các lĩnh vực công tác truyền thống. Từ đó đề xuất các đề cương khác như đề cương tiếp thị, xây dựng bản sắc chiến lược và kế hoạch đánh giá. Nhân sự tay nghề cao đồng nghĩa với việc liên tục hướng tới đào tạo nghề và chuyên môn cho nhân sự bảo tàng.

Bảo tàng Guggenhelm, Bilbao, Tây Ban Nha (Nguồn: http://upload.wikimedia.org)

Sưu tập là cấp độ quản lý, trong đó bao gồm sưu tập hiện có và là cơ sở để xây dựng bảo tàng. Nó bao quát các công việc từ hồ sơ sưu tập, chiến lược sưu tầm, chăm sóc và lập cơ sở dữ liệu cho bộ sưu tập. Bảo quản liên quan chặt chẽ đến khái niệm chăm sóc bộ sưu tập. Nghiên cứu và lập cơ sở dữ liệu là các lĩnh vực mà trong đó việc nghiên cứu hiện vật theo các chủ đề và vấn đề. Từ đó, phối hợp với các kết quả nghiên cứu. Ngược lại, các kết quả nghiên cứu mới cũng có thể tạo nên hướng nghiên cứu mới cho các sưu tập hiện vật. Trong quá trình phát triển, cũng có thể thiết lập những khái niệm khác nhau như kế hoạch hay đường lối lập hồ sơ dữ liệu cũng như đề cương nghiên cứu. Trưng bày và truyền thông là các lĩnh vực mà trong đó, đề cương trưng bày cũng như đề cương truyền thông được thiết lập. Và, một bảng phân tích tình trạng hiện thời là cần thiết để tính toán xem những sản phẩm giáo dục bảo tàng có đủ sức truyền đạt tới đối tượng không, hoặc nếu cần, có thể phát triển những sản phẩm mới. Cũng như sứ mệnh, đề cương bảo tàng không phải là bất biến. Bởi vậy, theo thời gian, những yêu cầu và ý tưởng mới phải luôn phù hợp. Những điều kiện phải luôn thay đổi và những yêu cầu cũng phải thay đổi để phù hợp với những phát triển xã hội. Quan trọng là, một đề cương bảo tàng phải luôn thức thời. Chẳng hạn như đề cương của Bảo tàng Do Thái ở Berlin, mặc dù được xây dựng trên “khái niệm hội nhập” nhưng lại không phải là khái niệm của bộ sưu tập bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng lịch sử của bộ sưu tập lại gắn bó mật thiết với chủ đề và nhiệm vụ của bảo tàng. Nhiệm vụ của bộ sưu tập “không chỉ là bằng chứng về lịch sử của người Do Thái ở Berlin mà còn ở tất cả các khu vực khác trên toàn nước Đức”. Qua công trình kiến trúc của Daniel Libeskind, bảo tàng lại tiếp tục phát sinh những lớp nghĩa nữa. Các yếu tố khác cũng đóng vai trò trong đó, như: đảm trách phác thảo kiến trúc, triển khai thiết kế và sử dụng không gian trong tòa nhà Libeskind cũng như sát nhập Bảo tàng Berlin với Bảo tàng Märkischen của phần Đông Berlin vào Quỹ Bảo tàng thành phố. Tuy nhiên, phác thảo kiến trúc của Daniel Libeskind dựa trên những kết hợp mang tính biểu tượng của những “chấn thương” do Chủ nghĩa Quốc xã gây ra trong lịch sử thành phố Berlin.

Do đó, phác thảo của Libeskindcũng được hiểu như biểu tượng cho một bảo tàng “của người Do Thái”. Nhiều ấn phẩm từ đầu thập kỷ 90 đã mô tả ngắn gọn phác thảo là “Bảo tàng Do Thái”. Trong bối cảnh tranh cãi về Đài tưởng niệm những người Do Thái bị sát hại ở châu Âu cách đó không xa, tòa nhà của Libeskind ngày càng được xem như Đài tưởng niệm Nạn diệt chủng. Tuy có nhiều “tranh cãi và mâu thuẫn” trong quá trình phát triển đề cương bảo tàng, nhưng “Bảo tàng Do Thái” với “trọng tâm truyền bá một cách sinh động lịch sử của người Do Thái” trong mối liên hệ chặt chẽ giữa kiến trúc và bộ sưu tập trong tương quan với bối cảnh chung, đã thành công trong việc hình thành bản sắc của mình. Ngày nay, bảo tàng phát triển như một nam châm thu hút công chúng với lượng khách tham quan khổng lồ. “Từ lúc khai trương vào tháng 9 năm 2001tính đến tháng Giêng năm 2012, Bảo tàng đã có lượng khách tham quan lên tới gần 7,5 triệu người”. Với tư cách là một công cụ “phát triển công chúng”, một đề cương bảo tàng tốt có thể mở ra rất nhiều cơ hội truyền thông. Nó có thể ngay lập tức hướng công chúng tới chủ đề của bảo tàng và có khả năng tiếp cận trực tiếp đến công chúng. Bằng cách đó, công chúng có thể nhận thức lại giá trị khách quan của bảo tàng trong các trưng bày. Với tư cách là một trong những nhân tố đặc biệt của một đề cương, bản thân kiến trúc của bảo tàng cũng đóng vai trò là hình ảnh của bảo tàng đó và tự nó đã là một thương hiệu, như: Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao hay ở Bảo tàng Do Thái Berlin. Ngược lại, một đề cương dở có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Nó có nguy cơ trở nên nặng nề do đường lối tuyên tuyền đơn điệu và vì thế, cả công chúng lẫn đội ngũ nhân viên đều khó lòng chấp nhận. Chi phí về thời gian và tài chính có thể không tương thích với hợp đồng xây dựng đề cương cũng như sự chấp thuận của đội ngũ nhân viên bảo tàng.

Thậm chí, bản thân đề cương đó có thể trở thành gánh nặng tài chính, chẳng đem lại kết quả nào cũng như không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Dù vậy, trong công tác xây dựng cũng như quản lý bảo tàng không thể không có sứ mệnh và đề cương. Đóng vai trò nền móng, chúng xác định khái niệm cho các nhà quản lý chiến lược kèm theo hình thành ý tưởng để dựng nên một bảo tàng, đồng thời định hướng quy mô tài chính cũng như các nhân tố chi phí chính cho chủ đề trưng bày. Trong khuôn khổ bảo tàng và trưng bày, chúng là sợi chỉ kết nối đội ngũ nhân viên bảo tàng với công chúng thông qua các kênh truyền thông. Ngoài ra, với tư cách là công cụ tiếp thị, chúng là kim chỉ nam để điều hành và đóng vai trò định hướng và khích lệ công chúng tới bảo tàng. Hơn nữa, chúng còn giúp xác định đối tượng chiến lược và định hướng phát triển cho bảo tàng trong tương lai. Bởi vậy, sẽ rất cần thiết cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa nắm vững phương thức xây dựng sứ mệnh và đề cương bảo tàng nói riêng cũng như các tổ chức văn hóa khác nói chung, đồng thời cần phải biến chúng thành những công cụ quản lý chất lượng trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa công.

Bùi Kim Đĩnh

dch.gov.vn

Chia sẻ: