Thứ Ba, 03/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/07/2015 00:00 377
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng đầu tiên trên thế giới đã có mặt từ thế kỷ 17, và cho đến nay, ước tính đã có chừng 55.000 bảo tàng tại 202 nước. Tại sao lại phải có nhiều bảo tàng đến thế? Đó là bởi thế giới cần có chúng.

Kiến trúc rất vui mắt của bảo tàng Pompidou (Pháp).

Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày những điều, những vật thể đã được tạo ra để chúng ta thỏa trí tò mò. Các bảo tàng nghệ thuật cũng không chỉ là một nơi giúp bạn thỏa lòng được ngắm nhìn các kiệt tác. Sự tồn tại của một bảo tàng không chỉ để bảo quản những giá trị văn hóa và cho phép mọi người được nhìn thấy chúng, mà còn cho thấy vị thế văn hóa của một đất nước cũng như tư duy kinh doanh của một quốc gia.

Nguồn lợi cho công dân

Rất nhiều trường học trên thế giới coi việc đi bảo tàng là một hoạt động dã ngoại đương nhiên. Trẻ em thay vì phải đọc những trang sách dài nhàm chán thì có thể quan sát tận mắt những gì mình được học. Đây cũng là cách giúp các em có được sự hứng thú thực sự để chủ động tìm hiểu sâu hơn về một đề tài nào đó. Việc được trực tiếp tiếp cận với các di sản, tác phẩm cũng giúp con người lưu giữ được thông tin về chúng lâu dài hơn. Và tất nhiên, các bảo tàng nghệ thuật sẽ luôn là nguồn cảm hứng và động viên vô tận cho sự sáng tạo đối với bất kỳ ai.

Bảo tàng vì thế không đơn giản chỉ là nơi lưu giữ lại quá khứ, mà chính là cội nguồn để tạo ra nguồn cảm hứng không vơi cạn cho các thế hệ tương lai. Hầu hết các nước, dù nhỏ bé đến đâu, cũng cố gắng có một bảo tàng quốc gia để công dân của mình nhìn thấy được truyền thống lịch sử và có được niềm tự hào dân tộc. Có thể phần lớn người dân sẽ quên đi cảm hứng từ những di sản trong bộn bề cuộc sống thường ngày, nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, xúc cảm đó sẽ trỗi dậy và cho họ sức mạnh.

Bảo tàng xe Volvo.

Bên cạnh đó, một quốc gia có nhiều bảo tàng cho thấy được truyền thống lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ… của mình sẽ được các du khách nước ngoài trân trọng hơn. Những đất nước như Nhật Bản, Ý, Đức, Pháp hay Anh… đã tạo ra được ấn tượng về một nền văn hóa vĩ đại chính nhờ các bảo tàng. Và đó cũng chính là lý do Bảo tàng Dân tộc học trở thành địa điểm thu hút khách du lịch mạnh mẽ nhất, chứ không phải hồ Hoàn Kiếm hay các trung tâm mua sắm tại Hà Nội. Giá trị của một dân tộc không được công nhận vì những gì chúng ta tuyên bố về mình, mà qua các di sản được bảo quản, giữ gìn và giới thiệu, dù ở quy mô nào.

Nguồn thu không hề nhỏ

Tại nhiều quốc gia, bảo tàng còn là ngành kinh doanh mang lại doanh thu không hề khiêm tốn. Nếu bạn không tin, hãy nhìn hàng dài người xếp hàng vào Louvre (Pháp), Victoria & Albert, Tate (Anh)… rồi hàng vạn bảo tàng lớn nhỏ đang được cho ra mắt hàng ngày đủ để thấy dòng khách du lịch lưu chuyển trên hành trình thực ra là đang đi từ bảo tàng này sang bảo tàng khác.

Bảo tàng ABBA trưng bày các đĩa nhạc và trang phục biểu diễn của ban nhạc.

Có thể lấy một ví dụ cụ thể hơn: Ngày 7/5/2013, chính quyền thành phố Stockholm cho mở cửa bảo tàng ABBA đầu tiên trên thế giới, ABBA: The Museum.

Chỉ chưa đầy bốn tháng sau ngày mở cửa, tháng 8/2014, bảo tàng ABBA hân hoan đón lượt khách thứ 17 vạn. Cần nói thêm rằng giá vé thăm bảo tàng này vào hàng đắt nhất châu Âu: 195 SEK (nếu mua qua web), tương đương 22 euro (hơn 700 ngàn đồng). Giá vé của Louvre chỉ có 12 -16 euro.

Đoàn người đông đúc chờ được vào bảo tàng ABBA.

Hay một ví dụ khác, ít liên quan đến nghệ thuật hơn: bảo tàng Ny Carlsberg Glyptotek. Với khát khao biến bia thành một nền văn hóa, năm 1882, Carl Jacobsen, con trai của nhà sáng lập hãng bia Carlsberg, quyết định mở hẳn một nhà triển lãm Carlsberg ngay trong khuôn viên nhà máy. Nhà trưng bày chính là bộ sưu tập nghệ thuật và đồ cổ đồ sộ của ông và gia đình Jacobsen.

Bộ sưu tập ấy phát triển nhanh đến nỗi Carl đã phải xây dựng mở rộng liên tiếp khu trưng bày. Đến năm 1893, khu triển lãm có 14 phòng, mà chỉ hai năm sau, nó đã có tới 19 phòng. Năm 1897, bộ sưu tập cá nhân này được chuyển tới địa chỉ mới và mở cửa cho công chúng. Năm 1902, Carl phải thành lập một quỹ mang tên New Carlsberg Foundation nhằm huy động vốn cơ bản để duy trì một bảo tàng trưng bày bộ sưu tập của mình và tham vọng biến nó thành mô hình Louvre của Bắc Âu. Về sau, bảo tàng này được trao cho thành phố và trở thành bảo tàng thuộc sở hữu của nhà nước Đan Mạch.

Bảo tàng Carlsberg (Đan Mạch).

Đó là lịch sử ra đời của bảo tàng Ny Carlsberg Glyptotek sang trọng và hiện đại ngày nay. Ny Carlsberg Glyptotek, từ ngày mở cửa đã trưng bày 10.000 tác phẩm nghệ thuật và trở thành bộ sưu tập nghệ thuật cổ đại lớn nhất Bắc Âu.

Vĩ đại hẳn là thế, còn nhỏ xinh cũng đáng có bảo tàng.

Chẳng hạn như bảo tàng Kawaguchiko Muse tại Yamanashi, Nhật, trưng bày búp bê. Tampere, thành phố hạng trung của Phần Lan cũng tặng cho khách du lịch một viện bảo tàng giày dù chả phải Milan, Paris gì cho cam, bởi trước kia thành phố này làm giàu bằng ngành công nghiệp sản xuất giày dép. Prague có bảo tàng Franz Kafka cho những người yêu văn chương; Gothenburg có bảo tàng Volvo; Keswick, thành phố không mấy tên tuổi ở Anh nhưng được biết đến với xưởng sản xuất bút chì đầu tiên trên thế giới mở bảo tàng bút chì. “Ăn theo” hơn cả là Hamburg khi mở bào tàng The Beatles vì ban nhạc Anh đã có khoảng thời gian khởi nghiệp ở thành phố này.

Bảo tàng thuốc phiện tại Thái Lan.

Rõ ràng, nếu một quốc gia giỏi và nổi tiếng về điều gì đó, họ nhất quyết phải có viện bảo tàng.

Bởi lẽ…

Bảo tàng là khu giải trí kiểu mới

Người ta thường dùng cụm từ “bị cho vào viện bảo tàng” để ám chỉ những gì đã cũ kỹ, lỗi thời. Thế nhưng giờ đây, chuyện đã khác.

Nếu bạn bước vào bảo tàng Giải Nobel Hòa bình ở Oslo, bạn sẽ không nghĩ đó là bảo tàng. Đó nhất định phải là một công viên giải trí dành cho thiếu nhi hay một trung tâm công nghệ cho những người ghiền hightech. Ở một góc, bọn trẻ con đang đứng vào sân khấu để chụp hình bên hình nộm của Fridtjof Nansen, nhà khoa học, nhà ngoại giao người Nauy giành giải Nobel Hòa bình năm 1922 cho nỗ lực đấu tranh và bảo vệ tù nhân chiến tranh và người đói sau Thế chiến thứ nhất. Một góc khác, bọn trẻ cũng xúm vào trả lời các câu hỏi, chơi trò chơi trên các máy tính màn hình lớn, có minh họa, âm thanh vui nhộn.

Góc đọc sách tại bảo tàng Carlsberg.

Biến bảo tàng thành những trung tâm vui chơi và học hỏi nhờ công nghệ đa phương tiện đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.

Bảo tàng của hãng phim hoạt hình Nhật Bản Ghibli có quy mô rất khiêm tốn. Tuy nhiên, không chỉ trẻ em mà người lớn vẫn háo hức chờ cơ hội được vào đây, ngay cả khi họ không phải là người yêu các bộ phim của hãng. Đơn giản vì đây là một tòa nhà lạ lùng với rất nhiều chi tiết để khám phá, những ngóc ngách bí mật thỏa trí tò mò của trẻ thơ và giúp người lớn tìm lại cảm hứng sáng tạo hồn nhiên.

Cũng tại Nhật, bảo tàng Osamu Tezuka – tác giả truyện tranh huyền thoại của Nhật Bản – tại Takarazuka, một thành phố thưa dân cũng biến tầng hầm của mình thành một phòng lab để trẻ em có thể chơi các trò chơi khoa học.

Câu chuyện bảo tàng tại Việt Nam

Việt Nam không phải là một nước ít bảo tàng nhưng đến bảo tàng chưa phải là thói quen của người Việt. Rất có thể, nếu được hỏi bảo tàng quốc gia ở đâu, nhiều người Việt Nam sẽ ngẩn người ra rồi hỏi lại: Chúng ta có bảo tàng quốc gia ư? Và điều đó, một phần cũng là vì các bảo tàng tại Việt Nam còn thiếu quá nhiều điểm thu hút cần thiết trong bối cảnh hiện đại.

Có một điều nổi cộm là rất nhiều bảo tàng tại Việt Nam đầu tư vào phần hình thức, kiến trúc công trình nhiều hơn vào các hiện vật. Hiện vật không được sưu tầm đa dạng hoặc quá nhiều nhưng không được phân loại kỹ càng, cách trình bày các hiện vật cũng chưa có một sự đầu tư lớn nào. Khách tới bảo tàng hoặc là rơi vào trạng thái chẳng thấy gì để xem (như bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng), hoặc là rơi vào trạng thái mông lung giữa rất nhiều hiện vật, không biết bắt đầu từ đâu (như bảo tàng Hà Nội).

Nếu muốn mua các nhạc cụ giống như nhạc cụ của các huyền thoại âm nhạc, bạn có thể mua trả góp tại bảo tàng.

Bảo tàng của Việt Nam rất ít tính giải trí và niềm vui, điều tạo nên động lực để mọi người sẵn sàng dành thời gian cho chúng. Phần lớn các bảo tàng cũng không có không gian nghỉ ngơi, khu bán đồ lưu niệm hay giải trí, lại càng thiếu vắng các hoạt động vui chơi, tương tác dành cho trẻ em. Thật khó mà thuyết phục được giới trẻ đến đây, trong khi tất cả các bảo tàng đều có một không khí chung là nặng nề, buồn tẻ.

Các bảo tàng tại Việt Nam không chỉ ít tương tác với người xem, mà còn rất ít tương tác với nhau. Trong khi việc luân chuyển những triển lãm lớn giữa các bảo tàng trong một quốc gia, thậm chí xuyên quốc gia, xuyên châu lục đã trở thành thói quen, thì người Việt Nam vẫn chỉ có thể xem các hiện vật tại đúng ngôi nhà của chúng.

Và có lẽ, chúng ta đều cho rằng phải là một cái gì đó lớn lao, mang tầm cỡ dân tộc, tác động sâu sắc tới lịch sử mới có thể được đưa vào bảo tàng. Tuy nhiên, các nước phát triển đã cho chúng ta thấy rằng bất cứ cá nhân nào có đóng góp lớn cho một lĩnh vực của đất nước cũng xứng đáng có bảo tàng. Điều đó không chỉ cho thấy một đất nước có truyền thống lâu đời, mà còn chứng minh được tiềm năng từ những cá nhân tại đất nước đó.

Theo Elle

afamily.vn

Chia sẻ:

Bài viết khác

Một vài nét cơ bản trong tư duy, tầm nhìn và chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển Đông

Một vài nét cơ bản trong tư duy, tầm nhìn và chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về biển Đông

  • 09/06/2015 00:00
  • 461

Ngày nay, chúng ta càng hiểu rõ Biển đông, ngoài giá trị về chiến lược địa chính trị và hàng hải còn đem lại cho nền kinh tế nước ta một nguồn tài nguyên phong phú và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách hàng năm của nhà nước. Từ những năm cuối thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển. Từ mấy chục năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phác thảo những nét lớn trong chiến lược giữ gìn biển đảo của Tổ quốc.